Cựu binh Mỹ gốc Việt và nỗ lực giải cứu phiên dịch người Afghanistan khỏi nguy hiểm

Deanna Tran, trái, trong một lần tới thăm một trung tâm giam giữ ở Afghanistan với sự giúp đỡ về phiên dịch của anh Kohistany, phải, trong thời gian cô được điều động tới đây vào năm 2017-2018.

Một luật sư và cựu binh quân đội Mỹ gốc Việt đã giúp một người phiên dịch của mình ở Afghanistan và gia đình thoát ra khỏi nước này trước nguy cơ bị Taliban giết hại

Trong những ngày cuối cùng trước thời hạn Mỹ phải rút hết quân ra khỏi Afghanistan, Deanna Tran bận rộn với việc kết nối và tìm mọi nguồn lực để giúp một người từng là phiên dịch của cô ở Aghanistan cùng gia đình thoát ra khỏi nơi mà không lâu sau đó bị Taliban chiếm được hoàn toàn.

Deanna, sinh ra trong gia đình của những di dân tị nạn chiến tranh Việt Nam đến Mỹ vào thập niên 1980, đã liên lạc hàng ngày với anh Kohistany, người làm phiên dịch cho cô trong thời gian Deanna được điều động tới Afghanistan vào năm 2017-2018, để tìm cách giúp anh và gia đình ra khỏi Kabul trước thời hạn 31/8.

Sau những nỗ lực từ cả Deanna và bản thân Kohistany, người phiên dịch của cô đã thoát ra khỏi đất nước bị tàn phá bởi 2 thập niên chiến tranh và đứng trước nguy cơ quay trở lại chế độ Hồi Giáo hà khắc khi Taliban lên nắm quyền.

“Tôi và gia đình giờ đây đã an toàn,” anh Kohistany nói với VOA khi đang ở Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, một trong những căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài hiện đang là nơi tạm trú của hàng nghìn người Afghanistan sau khi rời khỏi nước này và đang chờ được đưa đến Mỹ. Anh nói nhờ có sự giúp đỡ của Deanna và những người khác mà anh và vợ cùng hai đứa con nhỏ, 9 và 7 tuổi, đã ra khỏi nơi mà anh nói là nếu ở lại sẽ gặp nguy hiểm. Anh Kohistany không muốn nêu tên đầy đủ vì lo ngại nguy hiểm cho những người thân hiện còn đang ở Afghanistan.

Kohistany cùng con gái và con trai. Hiện gia đình anh đang ở Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức chờ được sơ tán tới Mỹ.


Đối với Deanna, việc biết được Kohistany và gia đình anh đến được chỗ an toàn thực sự là “một sự giải toả.” Cô nói rằng đó là một điều kỳ diệu khi anh Kohistany đưa được gia đình của chính mình cùng 11 thành viên khác trong gia đình ra khỏi Afghanistan.

Thành phố Kabul trong những ngày cuối tháng 8 kể từ khi Taliban chiếm được nơi này trong lúc quân đội Mỹ rút khỏi đây là một sự hỗn loạn. Hàng nghìn người đã đổ tới sân bay Kabul để tìm cách rời khỏi đất nước này. Những hình ảnh người dân Afghanistan chạy loạn và tranh giành lên các máy bay chuyên chở quân sự của Mỹ được so sánh với hình ảnh ở Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975 khi nhiều người dân Việt Nam lúc đó cũng tìm cách thoát khỏi đất nước trước khi lực lượng Bắc Việt tiến vào thành phố.

“Lên được máy bay là giây phút hạnh phúc nhất trong đời của tôi,” anh Kohistany nói và cho biết anh đã lo sợ không thể đưa được gia đình lên máy bay vào ngày 25/8 vì lực lượng Taliban bao vây xung quanh trong sự hỗn loạn đó.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như anh Kohistany và gia đình bởi có rất nhiều người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước mà không nằm trong danh sách được quân đội Mỹ sơ tán. Tuy nhiên, nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của Deanna, hiện đang là một luật sư quân sự ở Seatlle của tiểu bang Washington, và nhiều người khác, anh Kohistany đã không thể đưa tên mình và gia đình vào danh sách được di tản.

Là con của những người tị nạn, tôi biết được rằng đó là một quá trình lâu dài và nó không kết thúc bằng việc di tản.
Deanna Tran, luật sư và cựu binh Quân đội Mỹ


Deanna cho biết cô đã phải làm mọi cách có thể để giúp người phiên dịch của mình thoát khỏi sự nguy hiểm. Bằng mọi mối quan hệ có được và sự kết nối qua mạng xã hội, Deanna đã tìm kiếm sự giúp đỡ của các thành viên quốc hội và các tổ chức để giúp anh Kohistany cùng gia đình vào danh sách được quân đội Mỹ đưa ra khỏi Afghanistan.

“Tôi biết rằng anh ấy đã đặt mạng sống của mình và gia đình mình vào chỗ nguy hiểm như thế nào khi hỗ trợ cho quân đội Mỹ và NATO ở (Afghanistan),” Deanna nói khi cho biết vì sao cô chọn giúp đỡ Kohistany trong số nhiều những phiên dịch của cô ở đây bởi một mối quan hệ cá nhân đã hình thành trong thời gian họ cùng làm việc.

Kohistany làm phiên dịch cho các lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ cùng nhiều lực lượng khác của liên minh NATO trong 16 năm. Trong 9 tháng làm phiên dịch cho Deanna, anh Kohistany và cô cùng làm việc với các đối tác của Mỹ ở Afghanistan trong nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tham nhũng và an ninh.

“Tôi ở trong danh sách (đen) của (Taliban),” anh Kohistany nói khi giải thích về lý do anh quyết định đưa gia đình rời bỏ đất nước của mình và cho biết rằng anh từng bị Taliban tìm cách giết hại vào năm 2013. “Tôi tin là họ sẽ giết tôi. Tôi không có cơ hội để được sống ở (Afghanistan).”

Kohistany và gia đình anh nằm trong số hàng chục nghìn người tị nạn Afghanistan sắp được đưa tới Mỹ trong những tuần tới đây. Hiện tại anh và gia đình phải chờ vài tuần ở căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức sau khi tiêm một số loại vaccine trước khi được đưa tới Mỹ.

“Đó sẽ là một vòng hoàn tất việc giúp họ thoát khỏi nguy hiểm,” Deanna nói và cảm thấy an tâm khi anh Kohistany and gia đình sẽ được di tản tới Mỹ. Tuy nhiên, với cô, đây mới chỉ là lúc bắt đầu cho gia đình anh Kohistany.

“Là con của những người tị nạn, tôi biết được rằng đó là một quá trình lâu dài và nó không kết thúc bằng việc di tản,” Deanna nói và cho biết quá trình này “sẽ kéo dài cả cuộc đời với nhiều những khó khăn và vất vả trước khi có thể có được những điều để vui mừng.”

Deanna Tran và gia đình. Bố mẹ cô là những người tị nạn Việt Nam tới Mỹ thập niên 1980.

Khoảng 125.000 người Việt đã được di tản tới Mỹ sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975 và hàng trăm nghìn người Việt Nam tiếp tục tới Mỹ tị nạn trong những thập niên tiếp theo sau. Nhiều những câu chuyện về những người tị nạn Việt trên đất Mỹ đã được biết tới, từ thất bại cho tới thành công sau khi phải rời bỏ quê hương mình.

Trong khi đó, khoảng hơn 64.000 người tị nạn Afghanistan đã được đưa tới Mỹ tính tới giữa tháng này trong đợt di tản vừa qua. Dù chưa tới được Mỹ nhưng anh Kohistany nói anh đã “có thể cảm nhận được nỗi đau của một người tị nạn” khi phải bỏ lại tất cả mọi thứ và ra đi “với chỉ vài bộ quần áo.”

Đó cũng là trải nghiệm của những người tị nạn Việt Nam, theo Deanna và cô cho rằng những người tị nạn mới tới Mỹ sẽ cần được giúp đỡ.

Dự án "75 Viets for 75 Afghan refugee families" do một nhóm những người trẻ trong cộng đồng gốc Việt ở Washington hiện đang tìm kiếm 75 gia đình Việt Nam cung cấp chỗ ở tạm thời hoặc hỗ trợ cho những người tị nạn Afghanistan vừa đến Mỹ. Ngoài ra cộng đồng người Việt hải ngoại đã gây quỹ được hơn 160.000 USD hỗ trợ việc tái định cư người tị nạn Afghanistan ở Mỹ qua một buổi hoà nhạc được tổ chức trong tháng này ở California.

Với Deanna, cô vẫn đang tiếp tục giúp những thành viên còn lại trong gia đình anh Kohistany vẫn bị kẹt ở Afghanistan có thể đến được nơi an toàn như bố mẹ cô đến được nước Mỹ cách đây nhiều thập kỷ.