Trong một hành động hiếm hoi, Đại hội đồng Liên hiệp quốc lên án cuộc đảo chánh tại Myanmar và kêu gọi cấm vận vũ khí chống lại nước này trong một nghị quyết chứng tỏ có sự chống lại hội đồng quân nhân một cách rộng rãi trên toàn thế giới và đòi khôi phục việc chuyển tiếp dân chủ của nước này.
Người ủng hộ hy vọng 193 thành viên Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ nhất trí chấp thuận, nhưng Belarus kêu gọi bỏ phiếu. Nghị quyết được chấp thuận với 119 phiếu thuận, một phiếu chống của Belarus và 36 nước vắng mặt trong đó có láng giềng của Myanmar là Trung Quốc và Ấn Độ cùng với Nga.
Nghị quyết là kết quả của những cuộc thương thuyết kéo dài của tổ chức có tên là Core Group trong đó có Liên hiệp châu Âu và nhiều nước phương Tây và 10 thành viên của ASEAN, bao gồm Myanmar. Một nhà ngoại giao Liên hiệp quốc nói có một thỏa thuận với ASEAN để tìm đồng thuận, nhưng trong một cuộc bỏ phiếu, các nước thành viên chia rẽ, một số nước bao gồm Indonesia, Singapore và Việt Nam bỏ phiếu “thuận” và những nước khác bao gồm Thái Lan và Lào vắng mặt.
Dù nghị quyết không được ủng hộ với đa số tuyệt đối nhưng người ủng hộ hy vọng hành động của Đại Hội đồng, dù không ràng buộc về pháp lý, phản ánh sự lên án quốc tế cuộc đảo chánh 1/2 lật đổ đảng cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi và giam giữ bà cùng với nhiều lãnh đạo chính phủ và chính trị gia, cũng như chống lại mạnh mẽ việc quân đội đàn áp những người biểu tình đòi chấm dứt việc quân đội chiếm quyền.
Nghị quyết kêu gọi hội đồng quân nhân Myanmar khôi phục chuyển tiếp dân của nước này, lên án “bạo động quá mức và gây chết người” kể từ cuộc đảo chánh, và kêu gọi tất cả các nước “ngăn chặn làn sóng vũ khí vào Myanmar.”
Nghị quyết cũng kêu gọi quân đội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống Win Myint, Cố vấn Quốc gia Suu Kyi và các giới chức chính phủ khác cùng các chính trị gia bị bắt sau đảo chánh, “và tất cả những người bị giam giữ, truy tố hay bị bắt tùy tiện.”