Hoa Kỳ cần sự giúp đỡ của Nhật Bản để nhanh chóng bổ sung kho phi đạn khi xung đột ở Trung Đông và Ukraine tiếp tục diễn ra và Washington đang tìm cách duy trì khả năng răn đe của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản tuyên bố ngày 10/6.
Đại sứ Rahm Emanuel nói: “Rõ ràng là cơ sở công nghiệp quân sự của Hoa Kỳ không thể đáp ứng tất cả những thách thức chiến lược mà chúng tôi gặp phải cũng như các cam kết mà chúng tôi có”.
Ông phát biểu khi Nhật Bản và Mỹ tổ chức cuộc đàm phán đầu tiên nhằm tăng tốc hợp tác công nghiệp quân sự, hai tháng sau thỏa thuận hồi tháng 4 giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Mục tiêu ở đây không phải là có thêm nhiều cuộc họp. Mục tiêu là sản xuất,” ông Emanuel nói.
Đại sứ Mỹ cho biết thêm: “Những kẻ muốn gây hại cho Hoa Kỳ sẽ không chờ đợi năng lực công nghiệp của chúng tôi tự tăng lên.”
Đại sứ cho rằng năng lực đóng tàu của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và việc sửa chữa các tàu Hải quân và máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ được triển khai trong khu vực tại Nhật Bản có thể giải phóng năng lực công nghiệp của Hoa Kỳ để tập trung đóng tàu mới.
Cuộc đàm phán tuần này tại Tokyo diễn ra giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Mua sắm và Bảo trì William LaPlante và nhân vật đồng cấp phía Nhật Bản, Masaki Fukasawa, người đứng đầu Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã đồng ý thành lập các nhóm làm việc để cùng sản xuất phi đạn cũng như bảo trì và sửa chữa các tàu Hải quân và máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ trong khu vực. Cũng sẽ có một nhóm để thảo luận về một chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn.
Nhật Bản vào tháng 12 năm ngoái đã nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vũ khí để đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc vận chuyển phi đạn đánh chặn đất đối không PAC-3 được sản xuất tại Nhật Bản theo giấy phép của Mỹ để bổ sung cho kho của Mỹ vốn đã bị giảm do hỗ trợ Ukraine.