Đặng Phú Phong và nỗi buồn lưu lạc

  • Bích Huyền

Đặng Phú Phong và nỗi buồn lưu lạc

Thập niên 90, thi sĩ Đặng Phú Phong và gia đình rời đất nước sang Mỹ định cư. Nỗi buồn lưu lạc trong thơ Đặng Phú Phong càng thêm đậm nét.

Đặng Phú Phong làm thơ, viết văn, viết báo.
Hiện định cư tại Mỹ.
Tổng thư ký VietTimes Magazine USA, Chủ bút Thế Giới Văn.
Hiện đang cộng tác với damau.org.
Những tác phẩm đã xuất bản: Cây Nghiêng Bóng Xế và Những Đóa Mẫu Đơn.

Sau 1975 bị tù đến cuối 1982 mới được phóng thích. Ông suýt chết trong tù vì đau bệnh thương hàn, người ta đã toan đem bỏ vào nhà xác của trại giam, nhưng phép lạ đã cứu ông sống lại, sau đó bị bại liệt cả hai chân, phải chống nạng đi lê lết cho đến ngày ra trại.

Ta hãy nghe tâm sự của ông trong Khúc trở về:

Chiều cuối năm chống nạng trở về,
Đong đưa chân bại nhịp lời thơ,
Bóng dài khập khễnh len gốc rạ
Thấy đời đâu đã hết nhiêu khê…


Vâng, từ nhà tù nhỏ trở ra nhà tù lớn.

Thoát khỏi cảnh sống “người tù cải tạo”, cuộc đời Đặng Phú Phong còn khốn khổ hơn nhiều. Ra khỏi tù là thân tàn ma dại, dở khóc dở cười…

Chúng ta hãy nghe ba đoạn thơ dưới đây để ngậm ngùi cùng thi sĩ với nỗi đau nhói buốt trong tim:

Chân dung Đặng Phú Phong

Giở nón cúi chào người lối xóm,
Ô hay! Tai tưởng đã lầm nghe:
Này ông hành khất quê đâu nhỉ?
Tết đến rồi sao chẳng chịu về!

Mẹ già lặng đứng nhìn con, khóc
Mày thật! hay hồn ma trở về,
Mảnh khăn bao cát sao mà thảm,
Phong kín hồn con trong cõi mê….

Ngửa mặt hỏi Trời sao nông nỗi?
Trời sợ người nên vắng ngắt... hôn mê
Mười phương tám hướng tan hoang lạnh
Nuốt hận mà ngâm Khúc trở về


Ra khỏi tù, Đặng Phú Phong bắt đầu nhận chịu một cuộc sống khắc nghiệt khác: Tha hương ngay chính trên quê hương của mình.

Bỏ miền Trung, Đặng Phú Phong tìm đườngg vào miền Nam. Ông theo bạn bè làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Từ phu xích lô, sửa xe đạp đến buôn bán sách cũ rồi mua bán ve chai, phế liệu. Cuộc sống phiêu bạt nay đây mai đó, ngủ nhờ ở tạm, không nhà cửa, không hộ khẩu. Nhiều lúc nhớ quay quắt, nếu có trở về thăm nhà, thăm mẹ, thăm vợ con cũng phải trốn chui trồn nhủi.

Mời quý vị nghe vài đoạn trong bài thơ Lãng tử hành:

Đau kẻ tha hương về cố xứ,
Sụp nón ngang mày, tay bụm môi,
Đường xưa lối cũ, người vẫn cũ,
Chỉ tội hồn xưa khác mất rồi,
Mơ ước nhiều khi là cơm nguội,
Được nghe Mẹ nói một đôi lời,
Vuốt tóc thằng con nhìn nó lớn,
Ai ngờ chuyện ấy lại xa xôi


Sống trên chiếc ghe lang thang cùng những dòng sông vô định, nỗi nhớ vô bờ thênh thang vang vọng trên sông nước:

Gọi nhau tiếng gọi thênh thang, một thuở yêu nhau trăng soi cát vàng.

Thập niên 90, Đặng Phú Phong và gia đình rời đất nước sang Mỹ định cư. Nỗi buồn lưu lạc trong thơ Đặng Phú Phong càng thêm đậm nét:

Chiều cuối năm nhìn vợ cắm hoa
Một đoá nghiêng nghiêng dáng đợi chờ
Em ơi, cố quốc mình xa thực
Hai chục năm hơn vẫn tít mù…


Hay:

Dầu ai Hà Nội hay Sài Gòn
Cũng quắt quay nhiều nỗi Việt Nam
Đất khách rã rời thân lưu lạc
Quê nhà chết đứng phận lầm than…

Nỗi buồn lưu lạc ấy luôn luôn ám ảnh Đặng Phú Phong khiến ông thấy mình càng cô đơn, khoắc khoải trong kiếp sống tha hương. Ông mượn rượu để tìm cho mình chút tình ấm áp:

Chừng như vẫn kiếp điêu linh
Chừng như trong rượu có tình có em


Nhưng than ôi, chiến tranh tuy đã chấm dứt nhưng lòng người lại càng cách xa. Niềm tin gãy lìa, phân hóa ngày càng phân hóa, ông phải kêu lên:

Buổi xuân vỡ là non sông đổ vỡ
Một Hiền Lương thành triệu Hiền Lương.


Cứ mỗi lần xuân về trên đất người là nỗi buồn lưu lạc của Đặng Phú Phong lại dâng lên cho nên thơ xuân của ông không có cái vui tươi, thắm đượm. Nắng xuân ấm áp ngoài kia đối với ông chỉ là:

Cái nắng đầu xuân nghe nhạt thếch
Đôi bàn tay vỗ lệch bàn tay
Thoáng trong mắt đỏ xanh màu ngọc
Vời vợi nhìn theo mây trắng bay


Vâng, tất cả chỉ là sự lạc điệu, sự khập khễnh, đến tiếng vỗ tay chào mừng cũng chỉ là sự vỗ lệch của đôi bàn tay. Miệng cười mà mắt thì nhìn xa vời vợi. “Vui là vui gượng kẻo mà, Ai tri ân đó mặn mà với ai…”

Ôi! Lời của Tố Như tiên sinh vẫn còn vang vọng!