Di dân Trung Quốc đổ xô tới Mỹ, Mỹ-Trung nối lại hợp tác trong việc trục xuất

Di dân Trung Quốc bất hợp pháp vượt qua Darien Gap nằm trên biên giới Panama và Colombia.

Bắc Kinh và Washington đã lặng lẽ nối lại hợp tác trong việc trục xuất những di dân Trung Quốc đang ở Mỹ bất hợp pháp, khi hai nước đang thiết lập lại và mở rộng liên lạc sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của họ ở California vào cuối năm ngoái.

Sau khi Trung Quốc đình chỉ hợp tác vào tháng 8 năm 2022, Hoa Kỳ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng di dân Trung Quốc vào Mỹ bất hợp pháp từ Mexico. Các quan chức biên giới Hoa Kỳ đã bắt giữ hơn 37.000 công dân Trung Quốc ở biên giới Mỹ-Mexico trong năm 2023, gấp 10 lần con số của năm trước, càng làm trầm trọng thêm căng thẳng về vấn đề di dân trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Trong một tuyên bố gửi cho hãng tin AP trong tuần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh “sẵn sàng duy trì đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực thực thi di trú với Mỹ” và sẽ chấp nhận việc trục xuất những người có quốc tịch Trung Quốc đã được kiểm chứng.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas tháng trước đã nói với Hạ viện Hoa Kỳ trong phiên điều trần ngân sách rằng ông đã “có cam kết” với người đồng cấp Trung Quốc nhằm đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu chấp nhận các chuyến bay trục xuất để “chúng ta có thể đưa ra một hậu quả” đối với những di dân Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để ở lại Hoa Kỳ.

Ông Mayorkas cũng cho biết đã có một chuyến bay trục xuất về Trung Quốc, “lần đầu tiên sau nhiều năm”.

Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ không trả lời yêu cầu của AP về thông tin chi tiết liên quan tới sự hợp tác này và số lượng công dân Trung Quốc đã bị trục xuất hoặc đang chờ bị trục xuất. Nếu không có sự hợp tác từ chính phủ Trung Quốc, Hoa Kỳ không thể gửi lại những di dân Trung Quốc không có tư cách pháp lý ở lại Mỹ.

Không rõ sự hợp tác đó được nối lại từ khi nào nhưng một chuyến bay thuê bao chở một số lượng nhỏ người bị trục xuất đã hạ cánh xuống thành phố Thẩm Dương, phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 30 tháng 3, theo ông Thomas Cartwright của tổ chức Nhân chứng ở Biên giới (Witness at the Border), một nhóm hoạt động chuyên theo dõi các chuyến bay trục xuất. Ông Cartwright cho biết tổ chức này chưa phát hiện các chuyến bay khác đến Trung Quốc, nhưng có thể một số di dân đã bị trục xuất trên các chuyến bay thương mại.

Số người Trung Quốc bị trục xuất chắc chắn là ít trên chuyến bay ngày 30/3 vì chuyến bay Gulfstream V, cất cánh từ Arizona và dừng ở Texas và Alaska trước khi đến Trung Quốc, thường có sức chứa 14 chỗ. Trước đó, nó cũng đã dừng ở Hàn Quốc trước khi quay trở lại Mỹ, theo ông Cartwright.

Nhưng đó là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh và Washington một lần nữa hợp tác trong vấn đề trục xuất, sau khi chính phủ Trung Quốc ngừng hợp tác để trả đũa chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, khi đó là chủ tịch Hạ viện, tới Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo Đài Loan và phản đối mạnh mẽ mọi tiếp xúc chính thức giữa hòn đảo này với Mỹ.

Bắc Kinh cũng tạm dừng đối thoại quân sự cấp cao, hợp tác chống ma túy và đàm phán về biến đổi khí hậu, khiến quan hệ hai nước xuống mức thấp.

Phải đến tháng 11 năm 2023, khi Tổng thống Joe Biden tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Woodside, California, hai bên mới đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán quân sự và hợp tác chống lại fentanyl. Đối thoại về biến đổi khí hậu đã được nối lại trước đó.

Vào tháng 4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell phàn nàn rằng Bắc Kinh làm rất ít để ngăn chặn dòng di dân Trung Quốc ra nước ngoài. Bắc Kinh phản bác, nói rằng họ “kiên quyết phản đối mọi hình thức di trú bất hợp pháp và trấn áp nghiêm khắc mọi hình thức tổ chức di cư bất hợp pháp”.

Số di dân Trung Quốc bị lực lượng tuần tra biên giới Mỹ bắt giữ đạt cao điểm vào tháng 12 năm ngoái nhưng có xu hướng giảm trong ba tháng đầu năm 2024.