Đường dẫn truy cập

Mỹ không cấp visa cho các quan chức Trung Quốc cưỡng bức đồng hóa trẻ em Tây Tạng


Học sinh Tây Tạng tại Shigatse, Vùng Tự trị Tây Tạng (ảnh chụp ngày 1/7/2010)
Học sinh Tây Tạng tại Shigatse, Vùng Tự trị Tây Tạng (ảnh chụp ngày 1/7/2010)

Hoa Kỳ loan báo những hạn chế visa mới đối với các quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm của Trung Quốc vì liên quan đến điều mà các quan chức Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc cho là cưỡng bức đồng hóa hơn một triệu trẻ em Tây Tạng trong các trường nội trú do chính phủ điều hành.

Trong một tuyên bố hôm 22/8, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói “các chính sách cưỡng bức” này nhằm mục đích “loại bỏ các truyền thống ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo riêng biệt của Tây Tạng trong các thế hệ trẻ Tây Tạng”.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấm dứt việc ép buộc trẻ em Tây Tạng vào các trường nội trú do chính phủ điều hành và chấm dứt các chính sách đồng hóa cưỡng bức, cả ở Tây Tạng và khắp các khu vực khác của Trung Quốc”.

Các hạn chế về visa theo thẩm quyền của Mục 212(a)(3)(C) trong Đạo luật Di trú và Quốc tịch quy định công dân nước ngoài có thể không được cấp visa vào Mỹ vì những hậu quả chính sách đối ngoại bất lợi có thể xảy ra đối với Hoa Kỳ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao từ chối cung cấp tên của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cấm visa, với lý do “hồ sơ visa cá nhân là bí mật”.

Phát ngôn viên nói với đài VOA rằng thông báo hôm nay về các hạn chế visa bao gồm các quan chức hiện tại hoặc trước đây của Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong các chính sách hoặc hành động nhằm đàn áp những người thực hành tôn giáo và tín ngưỡng, thành viên các nhóm sắc tộc, những người bất đồng chính kiến, những người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo , các nhà tổ chức lao động, các nhà tổ chức xã hội dân sự và những người biểu tình ôn hòa ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trung Quốc đã duy trì quyền kiểm soát Tây Tạng kể từ năm 1951, sau khi chiếm Tây Tạng thông qua việc triển khai quân đội trong cái mà họ gọi là “giải phóng hòa bình”.

Các quan chức Trung Quốc cho biết chính sách của họ ở Tây Tạng phản ánh mong muốn tạo ra “sự hòa hợp tôn giáo, hòa hợp xã hội và hòa hợp sắc tộc”.

Người Tây Tạng sống bên ngoài Trung Quốc nói rằng chính phủ Trung Quốc đàn áp, bỏ tù và giết hại người Tây Tạng một cách có hệ thống trong nhiều thập niên.

“Không thể thờ ơ với việc Trung Quốc tách trẻ em Tây Tạng ra khỏi gia đình của chúng. Việc này cho thấy kế hoạch sâu sắc của Bắc Kinh nhằm loại bỏ lối sống của người Tây Tạng và biến người Tây Tạng thành những tín đồ trung thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông Tencho Gyatso, Chủ tịch Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng, nói.

Phát ngôn viên của Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington cho biết Trung Quốc “kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ” các biện pháp của Mỹ nhằm hạn chế visa đối với các quan chức Trung Quốc.

Phát ngôn viên Tòa đại sứ Trung Quốc Lưu Bằng Ngọc nói: “Các trường nội trú đã dần phát triển thành một trong những phương thức vận hành trường học quan trọng ở các vùng dân tộc thiểu số của Trung Quốc, và cách điều hành trường học tập trung đã giải quyết hiệu quả vấn đề học sinh dân tộc thiểu số gặp khó khăn khi đi học xa”.

Vào tháng 2 năm nay, các chuyên gia nhân quyền của Liên hiệp quốc cho biết họ “rất băn khoăn” rằng trong những năm gần đây, hệ thống trường học nội trú dành cho trẻ em Tây Tạng dường như hoạt động như “một chương trình quy mô lớn bắt buộc nhằm hòa nhập người Tây Tạng vào nền văn hóa đa số của người Hán,” trái ngược với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Diễn đàn

Liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG