Năm ngày trước khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc, hôm 25/5, một buổi điều trần về “khủng hoảng nhân quyền thầm lặng” của Việt Nam được tổ chức tại trụ sở Quốc hội Mỹ để hối thúc Tổng thống Trump ra điều kiện nhân quyền đối với chính phủ Hà Nội.
Chủ tọa buổi điều trần, dân biểu Chris Smith:
“Trong một thời gian quá dài, vấn đề nhân quyền Việt Nam được cho qua quá dễ dãi. Các nhà ngoại giao chỉ tập trung vào thực tế rằng Việt Nam "không phải là Trung Quốc", trong khi nhà nước do công an nắm quyền áp bức này lại được hưởng các quyền lợi thương mại và an ninh mà không có điều kiện nào cả. Nhân quyền nên được đưa vào nội dung trong cuộc gặp giữa Tổng Thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tuần tới.”
Nhân quyền nên được đưa vào nội dung trong cuộc gặp giữa Tổng Thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tuần tới.Dân biểu Chris Smith
“Tổng thống Trump có cơ hội thực sự mang lại cải cách hữu hình ở Việt Nam nếu liên kết các mối quan hệ tốt hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam với những cải thiện trông thấy về nhân quyền,” ông Smith nhấn mạnh.
Lưu ý điểm yếu của chính quyền trước, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu ở Hạ viện, cho rằng cựu Tổng thống Obama đã ‘đánh mất một cơ hội’:
“Năm ngoái, ông Obama đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để phóng thích cho những tù nhân chính trị Việt Nam. Thay vào đó, ông ấy chỉ như đang đi nghỉ dưỡng. Tôi đã cảm thấy cực kỳ thất vọng với chuyến đi đó của ông Obama. Chúng tôi muốn ông ấy đề cập đến những cái tên cụ thể, nhưng ngay khi Tổng thống Obama rời đi, chính quyền Hà Nội lại bắt còn nhiều người hơn thế.”
Dân biểu Smith nói trong suốt 42 năm qua, người dân Việt Nam không giàu hơn bao nhiêu, và nhân quyền cũng không khá hơn.
Trong khi đó, dân biểu Alan Lowenthal thuộc đảng Dân chủ cho rằng “nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất.”
“Các giá trị nhân quyền ở Việt Nam đang biến mất. Trong suốt thời gian tôi làm dân biểu ở Quốc hội, tôi hoàn toàn không thấy sự tiến triển thật sự nào thông qua cách mà chính quyền đối xử công dân của mình.”
Dân biểu Ed Royce, đại diện bang California, kêu gọi không thể tách rời nhân quyền ra khỏi mối quan hệ kinh tế, thương mại:
“Mối quan hệ của chúng ta với Việt Nam đang phát triển, đặc biệt là về an ninh và thương mại, nhưng nhân quyền là giá trị cốt lõi đối với chúng ta, chúng ta không thể tách rời nhân quyền khi tăng cường mối quan hệ với chính phủ nước này.”
Chủ tọa buổi điều trần Chris Smith loan báo đã gửi thư cho Ngoại trưởng Rex Tillerson hối thúc Bộ Ngoại giao ưu tiên vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam vì “chính phủ nước này sách nhiễu quá mức đối với các nhóm tôn giáo.”
Các vụ vi phạm nghiêm trọng được nêu lên tại buổi điều trần bao gồm trường hợp của gia đình mục sư Nguyễn Công Chính và Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Tham gia buổi điều trần, bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Hòa Hảo vừa thiệt mạng với các vết cắt trên cổ trong khi bị tạm giam ở Vĩnh Long, khẩn thiết kêu gọi:
“Gia đình của tôi rất lo sợ khủng hoảng. Tôi không muốn ai chết nữa hết. Cháu của tôi thấy cha của nó chết như vậy, nó quá khủng hoảng. Mẹ của nó thì ngồi đâu khóc đó. Cả nhà tôi đều lo sợ.”
Your browser doesn’t support HTML5
Gia đình của tôi rất lo sợ khủng hoảng. Tôi không muốn ai chết nữa hết. Cháu của tôi thấy cha của nó chết như vậy, nó quá khủng hoảng. Mẹ của nó thì ngồi đâu khóc đó. Cả nhà tôi đều lo sợChị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn quá cố
Các nhân chứng khác tham gia điều trần như đại diện Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, đại diện Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, và ông T. Kumar, Giám đốc ban Quốc tế của tổ chức Ân xá Quốc tế đồng thanh thúc giục hành pháp-lập pháp Hoa Kỳ gây áp lực buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền và phóng thích tù nhân lương tâm.
Thông cáo cùng ngày từ văn phòng dân biểu Smith nói Hoa Kỳ nên “ra điều kiện” là chỉ khi nào Việt Nam có tiến bộ “đáng kể, có thể kiểm chứng, và có những cải tiến không thể đảo ngược” về tự do tôn giáo, quyền lao động, tự do Internet và các quyền tự do dân chủ khác, thì Hoa Kỳ mới mở rộng các lợi ích thương mại cho Việt Nam.
Thông cáo nêu rõ: “Những quyền tự do cơ bản này liên quan trực tiếp đến các lợi ích của Hoa Kỳ trong một môi trường kinh doanh tốt hơn, thương mại công bằng, sự tự tin cho nhà đầu tư, mở rộng tự do kinh tế và phát triển xã hội dân sự.”
“Không gây áp lực để có được tiến bộ thực sự về nhân quyền thì lực đẩy của Mỹ sẽ kém đi và sẽ làm thất vọng thế hệ trẻ ở Việt Nam. Rõ ràng là hiện nay Việt Nam đang cần thị trường Hoa Kỳ và các cam kết an ninh của Mỹ nhiều hơn là Mỹ cần thị trường và sự hợp tác an ninh của Việt Nam,” thông cáo nhấn mạnh.
Your browser doesn’t support HTML5