Một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ tự do ngôn luận cho Việt Nam vừa cùng với một phòng thực hành nhân quyền toàn cầu ở Mỹ đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bản báo cáo về sự đàn áp có hệ thống của chính phủ Việt Nam nhắm vào quyền tự do ngôn luận trên mạng.
Bản báo cáo, dựa trên ghi nhận từ các nhân chứng trực tiếp, sẽ được sử dụng như một phần của bản Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) giữa kỳ của Hội đồng về việc Việt Nam bất tuân các ràng buộc của công ước nhân quyền, theo Dự án 88, nơi cùng với Phòng thực hành Nhân quyền Toàn cầu (GHRC) thuộc trường luật của Đại học Chicago đệ trình báo cáo này lên LHQ hôm 1/11.
Báo cáo gồm những ghi nhận từ các nhà hoạt động, những người bảo vệ nhân quyền và những học giả từng bị kiểm duyệt, bắt giữ và, trong một số trường hợp, bị buộc phải rời Việt Nam vì chính phủ không chấp nhận sự biểu đạt của họ trên mạng, theo Dự án 88 cho biết trong một thông cáo về việc đệ trình lên Hội đồng của LHQ.
Ông Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân chính trị được biết tiếng là blogger Điếu Cày hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, là một trong những người nộp lời khai cho bản báo cáo. Theo ông Hải, người từng gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng và tham dự một số buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam ở Quốc hội Mỹ, các công dân Việt Nam phải trả giá cho ngôn luận của mình bằng “tù tội và máu của chính họ.”
Dự án 88, lấy tên theo điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 - thường được dùng để bắt giữ những người chỉ trích chính phủ với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", thống kê được hơn 111 vụ bắt giữ các nhà hoạt động và 226 trường hợp ngược đãi khác từ năm 2019.
Báo cáo của Dự án 88 và GHRC ghi lại việc Việt Nam dùng việc giám sát, sách nhiễu và giam giữ tuỳ tiện để hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Ca sỹ bất đồng chính kiến Mai Khôi, hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, đã phải đối mặt với sự giám sát gắt gao của cảnh sát và sự kiểm duyệt trực tuyến cũng như bị đuổi khỏi nhà và nhiều lần bị cảnh sát giam giữ khi cô từ chối kiểm duyệt âm nhạc của mình và khuyến khích tham gia chính trị trên Facebook. Tương tự, cũng theo báo cáo, ông Hải, từng là một nhà báo ở Việt Nam, đã nhiều lần bị lực lượng an ninh bắt cóc và giam giữ vì đưa tin về các sự kiện thời sự và tham dự các cuộc biểu tình ôn hoà.
Báo cáo còn ghi nhận việc các nhà hoạt động như Trịnh Bá Phương, người đưa tin về vụ bố ráp gây chết chóc ở làng Đồng Tâm, và Đinh Thị Thu Thuỷ, người đăng tải các bài về giáo dục và quyền hạn về môi trường trên Facebook, đã phải đối mặt với sự quấy rối và đe doạ thường xuyên của cơ quan thực thi pháp luật trước khi bị bắt và bỏ tù.
“Việc Việt nam tiếp tục vi phạm nhân quyền và thất hứa cho thấy quốc gia này coi cơ chế UPR chỉ là một hình thức bất tiện,” bà Trang Nguyễn, một viên chức cấp cao của Dự án 88 cho biết. “Chúng tôi tin rằng điều kiện nhân quyền ở Việt Nam sẽ không được cải thiện trừ phi có một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ hơn từ Hội đồng Nhân quyền và các quốc gia khác về việc Việt Nam không thực hiện các khuyến nghị UPR đã được chấp thuận.”
Báo cáo còn cho thấy việc Việt Nam thường xuyên “vi phạm nhân quyền quyền” chiếu theo công ước quốc tế mà quốc gia Đông Nam Á đã đồng ý tuân thủ. Nội dung báo cáo cũng nhấn mạnh sự “đồng loã” của các công ty mạng xã hội toàn cầu trong việc kiểm duyệt nội dung các đăng tải của người dùng ở Việt Nam.
“Luật nhân quyền quốc tế cho thấy rõ rằng Việt Nam không thể bịt miệng hoặc nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị, ngay cả khi những gì họ nói ra không được chính phủ đồng ý,” bà Mariana Olaizola, chuyên viên tại GHRC, nói và cho rằng lẽ ra Facebook phải tích cực phản kháng các yêu cầu kiểm duyệt của nhà cầm quyền và đứng về phía các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hồi năm ngoái cáo buộc Facebook và YouTube “đồng loã” với chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt các đăng tải của người dùng. Những tiết lộ gần đây của Washington Post cho biết chính người đứng đầu Facebook, Mark Zuckerberg, đã tuân theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam trong việc chặn và xoá bỏ các nội dung bị cho là “chống phá nhà nước” vì lợi nhuận.
Dự án 88 và GHRC kiến nghị với Hội đồng Nhân quyền LHQ yêu cầu Việt Nam ngừng các hoạt động đe doạ và sách nhiễu các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động và các học giả, cũng như bảo đảm thực hiện đúng thủ tục pháp lý đối với những người bị cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia, bao gồm quyền được tư vấn và đối xử nhân đạo. Báo cáo này cũng kiến nghị bãi bỏ Luật An ninh mạng và các quy định khác trong Bộ luật Hình sự 2015, bộ luật mà Dự án 88 và GHRC nhận định là đã trao cho Đảng Cộng sản cầm quyền quyền lực vô hạn để hạn chế các biểu đạt chỉ trích chính quyền. Báo cáo cũng kêu gọi Việt Nam thả các tù nhân chính trị vô điều kiện.
Trong phiên điều trần UPR lần thứ 3 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva vào tháng 1/2019, Việt Nam nói đã thực hiện đầy đủ 159 nội dung và luôn “tiến bộ trong mọi quyền con người” cũng như cam kết nhiều hơn về nhân quyền. Tuy nhiên tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) ngay sau đó bác bỏ các tuyên bố của Việt Nam là không đúng và rằng Việt Nam đã không làm gì để cải thiện nhân quyền.
Các phiên điều trần theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát diễn ra mỗi 5 năm một lần và đây là một cơ chế đối thoại tại Hội đồng Nhân quyền LHQ nhằm mục đích cuối cùng là cải thiện tình hình nhân quyền trong thực tế ở các quốc gia. Cơ chế này đem đến một cơ hội đặc biệt để các tổ chức và cá nhân trong xã hội dân sự tham gia vào việc thúc đẩy tình hình nhân quyền ở cấp quốc gia và quốc tế.