Người dân châu Âu nói với VOA rằng họ vừa vui mừng nhưng cũng lắm trăn trở sau khi Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) vào tuần trước. Có người nói đa số nghị sĩ EU bỏ phiếu thuận cho hai hiệp định này hôm 12/02 là vì họ ‘không đủ hiểu biết’ để đối phó những ‘thủ thuật’ của phía Việt Nam, nhưng cũng có người tự tin rằng với cơ chế giám sát chặt chẽ của EU, các vi phạm sẽ được xem xét thấu đáo.
Từ Bruxells, Bỉ, ông Nguyễn Hoàng Hải, một người gốc Việt ủng hộ EVFTA, nhận định với VOA rằng cuộc bỏ phiếu hôm 12/02 vừa qua cho thấy phía EU “mặc cả non tay, và bị hớ.”
“Hiệp định này sẽ tốt cho kinh tế của cả hai bên, nhưng phải nhìn nhận rằng phía EU đã bị hớ vì lẽ ra họ có thể đã đòi được nhiều hơn như các điều khoản về lao động, hình sự…nhưng họ đánh giá phía đối phương không đúng nên đã mặc cả sai.
“Họ không hớ về mặt kinh tế nhưng hớ về vị thế của họ, khi mà một đằng họ rao giảng về quyền con người, nhưng một đằng họ lại không chú trọng việc đấy.”
Ông Hải thuật lại lời nghị viên Pháp Raphael Glucksmann, Phó Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền, viết trên Twitter rằng “ngoài Đấng Thương mại ra, chúng ta còn có tương lai và các giá trị, các nguyên tắc đạo đức.”
Ngoài ra, nghị viên Glucksmann, người bỏ phiếu chống EVFTA còn nói rằng: “Chí ít Quốc hội Châu Âu cũng nên hoãn việc thông qua EVFTA cho đến khi nhà báo Phạm Chí Dũng được trả tự do, vì Phạm Chí Dũng vì viết thư cho chúng ta mà bị bắt.”
Tương tự như vậy, nghị sĩ Emmanuel Maurel, cũng từ Pháp, chỉ trích thỏa thuận thương mại này là “không mang lại lợi ích cho công dân bình thường mà chỉ làm lợi một phần nhỏ các công ty muốn tận dụng lao động ở nước ngoài.”
Từ Copenhagen, Đan Mạch, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Ngọc Hương, bày tỏ sự thất vọng vì những lo ngại về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam không làm lay chuyển việc thông qua EVFTA của Nghị viện EU, dù kết quả bỏ phiếu hôm 12/02 cho thấy sự chia rẽ rõ rệt.
“Tôi nghĩ đây là một cơ hội gần như là cuối cùng mà EU có thể đóng góp cho tiến trình phát triển nhân quyền, môi sinh ở Việt Nam, nhưng khi mà Hiệp định đã được thông qua rồi - dù EU có những đòi hỏi này kia – rất là khó để có những thay đổi cụ thể!
Khi mà Hiệp định đã được thông qua rồi - dù EU có những đòi hỏi này kia – rất là khó để có những thay đổi cụ thể!Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thị Ngọc Hương
“Gần như 1/3 chống việc thông qua EVFTA, và 2/3 bỏ phiếu thuận cho thấy Nghị viện châu Âu xem trọng lợi ích về kinh tế hơn hơn là về nhân quyền. Kết quả này cũng rất tự nhiên thôi: dù có nghị sĩ chỉ biết lợi ích kinh tế, nhưng vẫn còn một số vẫn quan tâm đến nhân quyền, môi trường, dân chủ…ở quốc gia có làm ăn với EU.
Your browser doesn’t support HTML5
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, lý giải có những quan điểm khác biệt giữa những nghị sĩ lớn tuổi và lớp nghị sĩ trẻ trong việc bỏ phiếu thông qua EVFTA.
“Cái Nghị viện này bị phân chia rõ rệt. Những nghị sĩ bỏ phiếu chống là những người trẻ, có thể trong đầu họ nghĩ rằng lớp trẻ Việt Nam cũng dùng Iphone như họ, thì họ [thanh niên Việt Nam] cũng được hưởng các quyền như thanh niên EU. Còn rất nhiều ông nghị sĩ già đứng lên ủng hộ EVFTA thì cho rằng Việt Nam ngày xưa khổ nhưng nay có xe hơi thì các ông nghĩ rằng chính phủ của họ đã cố gắng rất nhiều rồi mới được như vậy.
Ông Hoàng Hải nhận định thêm:
“Đại đa số các nghị sĩ không hiểu rõ về Việt Nam, cho nên vừa rồi họ bỏ phiếu thuận cho EVFTA cũng là điều dễ hiểu thôi. Lý do là họ có rất nhiều hồ sơ khác được ưu tiên để theo dõi, nghiên cứu hơn, trong khi đó hồ sơ thương mại với Việt Nam thì dư luận châu Âu cũng như cử tri của họ cũng ít quan tâm."
“Nhưng tôi, tôi là người bi quan, tôi nghĩ là sự hiểu biết về Việt Nam của Nghị viện châu Âu không đủ để đối phó với những thủ thuật của Chính phủ Việt Nam.”
Tôi nghĩ là sự hiểu biết về Việt Nam của Nghị viện châu Âu không đủ để đối phó với những thủ thuật của Chính phủ Việt Nam.Ông Nguyễn Hoàng Hải
Bà Ngọc Hương nhận định về vai trò giám sát của các tổ chức nhân quyền và nghị viên:
“Dù Hiệp định đã được thông qua nhưng việc giám sát việc thực thi Hiệp định này lại rất quan trọng trong thời gian tới vì trong Hiệp định này EU nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, phát triển bền vững, phải xem trọng quyền của người lao động và quyền lập hội.
“Với vai trò giám sát của cộng đồng người Việt, của các tổ chức NGO, mọi việc vi phạm của Việt Nam cần được thông báo ngay cho các nghị sĩ.
“Riêng tại Đan Mạch, tôi có liên lạc với Nghị sĩ Marianne Vind, Phó Chủ Phái đoàn phụ trách ASEAN, bà nói sẽ trực tiếp theo dõi quá trình phát triển quyền lợi cho công nhân.”
XEM THÊM: HRW kêu gọi EU gây sức ép để Việt Nam cải thiện nhân quyềnÔng Hải nhận định về lời đe dọa của ông Winkler Gyula, Nghị viên người Romania, nói sẽ hoãn hiệp định nếu phát hiện Việt Nam vi phạm nhân quyền:
“Nhóm đảng EPP (Đảng Con người) của ông Gyula đe dọa mạng rằng nếu có vi phạm nhân quyền, vi phạm những điều khoản thì Hiệp định EVFTA sẽ bị hoãn ngay lập tức.”
“Nhưng tôi nghĩ rằng việc hoãn EVFTA sẽ không dễ như ông ấy nói vì hai bên đang buôn bán với nhau thì làm sao bắt người ta dừng xuất nhập khẩu hoặc đánh thuế đột ngột cho được. Điều này có thể gây bất mãn cho doanh nghiệp.
Nhận định về cơ chế kiểm soát chung việc thực thi EVFTA của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội châu Âu, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết:
“Họ nói có một cơ chế rất mơ hồ rằng sẽ sử dụng một ủy ban chung giữa QH Việt Nam và QH châu Âu để trao đổi thông tin và giám sát cùng với nhau.
“Ý tưởng là như vậy! Nhưng QH Việt Nam, như nhiều người đã biết - là do Đảng Cộng sản chỉ đạo!”
“Cụ thể trong vòng 5 năm nữa thì tôi nghĩ cũng không có gì thay đổi cả bởi vì với Bộ luật Hình sự như hiện nay thì chỉ cần họ đe dọa những người lãnh đạo các tổ chức công đoàn độc lập thì những tổ chức này cũng không dám lên tiếng hoặc chỉ lên tiếng rất nhẹ nhàng.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 18/02 kêu gọi EU gây sức ép để Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm, một ngày trước khi EU và Việt Nam tiến hành Đối thoại Nhân quyền thường niên năm 2020.
“EU đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng khi phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam mà không kèm theo các biện pháp chế tài yêu cầu các cam kết về cải cách nhân quyền,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của HRW nói trong một thông cáo.
Trong diễn biến liên quan, hôm 18/02, tại Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ, anh Dennis Châu, con trai của tù nhân lương tâm Úc gốc Việt Châu Văn Khảm, đã chia sẻ câu chuyện của cha mình để thế giới nhận thức rõ hơn về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam hiện nay và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Khảm, cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác.
“Tôi cảm thấy như thể cha tôi đã rời khỏi quê hương mà ông hằng yêu mến. Ông vẫn còn để lại điều gì đó đau đáu ở quê nhà. Ông biết những quyền tự do mà chúng tôi đang được hưởng là những giá trị mà người dân ở quê nhà đã mất. Tôi biết ông làm điều đó vì người dân Việt Nam. Đó là lý do tại sao ông đã dấn thân và mong muốn có sự thay đổi.
“Ông không bao giờ từ bỏ ý thức trách nhiệm của mình để kêu gọi xã hội cởi mở và tự do hơn ở Việt Nam.
Ông không bao giờ từ bỏ ý thức trách nhiệm của mình để kêu gọi xã hội cởi mở và tự do hơn ở Việt Nam.Anh Dennis Chau nói về cha mình, ông Châu Văn Khảm.
“Một điều tàn khốc là hiện nay tôi không thể biết được khi nào cha con chúng tôi có thể gặp nhau và liệu rằng cha tôi có thể sống đến khi mãn án tù 12 năm.
Anh Dennis hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục lên tiếng cho trường hợp của cha anh và nhấn mạnh rằng EU không nên xem trọng lợi ích của Hiệp định EVFTA mà bỏ qua việc vi phạm nhân quyền của Hà Nội.
Các nhà quan sát nhân quyền đề xuất rằng EU nên thiết lập văn phòng chuyên trách nhân quyền tại Việt Nam bên cạnh việc lập các nhóm giám sát độc lập của châu Âu để theo dõi tình trạng vi phạm nhân quyền, thăm tù nhân lương tâm tại Việt Nam; hỗ trợ và đảm bảo sự hiện diện của các công đoàn độc lập, và tổ chức điều trần về nhân quyền Việt Nam mỗi 6 tháng.