Kháng cự, bỏ chạy hay lẩn trốn: Ông Gadhafi sẽ chọn giải pháp nào?

Lãnh tụ Libya, Ðại tá Moammar Gadhafi

Với cuộc tấn công kinh hoàng vào thủ đô Tripoli, các lực lượng đối lập ở Libya tuyên bố họ sắp đánh bại chính quyền của Đại tá Gadhafi. Nhưng cuộc giao tranh lại bùng ra ở thành phố này cho thấy nhà lãnh đạo Libya sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền bính mà ông nắm giữ suốt 42 năm qua. Thông tín viên Henry Ridgwell tường trình cho đài VOA về tương lai của nhà lãnh đạo Ả rập nắm quyền lâu nhất này.

Người ta vẫn nghe thấy những tiếng súng và tiếng nổ tại một số khu vực của Tripoli, khiến khí thế của lực lượng đối lập giảm bớt, trong khi tràn vào trung tâm thủ đô ngày hôm qua, giữa những lời tuyên bố đã bắt giữ một trong những người con trai của nhà lãnh đạo Libya là Saif al-Islam.

Nhưng sự xuất hiện sau đó của al-Islam trước những ủng hộ viên reo mừng đêm thứ Hai là một dấu hiệu cho thấy những thách thức mà phe đối lập vấp phải trong khi tìm cách lật đổ gia đình nắm quyền ở Libya.

Các Diễn Biến Quan Trọng Của Cuộc Nổi Dậy Libya

  • 15 tháng 2, 2011: Nổi dậy ở thành phố Benghazi được khơi nguồn từ cuộc cách mạng Mùa Xuân A-rập ở Tunisia và Ai Cập.
  • 26 tháng 2, 2011: Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt lên ông Moammar Gadhafi và gia đình, kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra cuộc đàn áp những người nổi dậy.
  • 19 tháng 3, 2011: Được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm; Hoa Kỳ, Anh và Pháp không kích Libya để chận đà tiến của lực lượng Gadhafi.
  • 26 tháng 3, 2011: Phe nổi dậy chiếm được thành phố quan trọng Ajdabiya.
  • 30 tháng 3, 2011: Ngoại trưởng Moussa Koussa đào thoát sang Anh. Một số giới chức Libya cao cấp khác noi gương.
  • 30 tháng 4, 2011: Tên lửa của NATO giết chết người con út và 3 cháu nội của ông Gadhafi.
  • 7 tháng 6, 2011: Ông Gadhafi tuyên bố trên đài truyền hình sẽ không bao giờ đầu hàng.
  • 27 tháng 6, 2011: Tòa án Hình sự Quốc tế ra trát bắt giam ông Gadhafi, người con trai Seif al-Islam, và Giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi, về tội ác chống nhân loại.
  • 15 tháng 7, 2011: Hoa Kỳ công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là chính phủ hợp pháp của Libya.
  • 28 tháng 7, 2011: Cựu Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younes, chạy sang phe nổi dậy hồi tháng 2 và làm tư lệnh quân sự cho phe này, bị giết chết.
  • 14 tháng 8, 2011: Phe nổi dậy tuyên bố chiếm được thị trấn chiến lược Zawiyah, nhưng tiếng súng dữ dội vẫn còn.
  • 20 tháng 8, 2011: Phe nổi dậy mở cuộc tấn công lần đầu tiên vào thủ đô Tripoli, có phối hợp với NATO.

Bà Jane Kinninmont là chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu làm việc cho chương trình Bắc Phi tại Chatham House, tổ chức phân tích có trụ sở ở London.

Bà Kinninmont nói: “Thành thực mà nói, chúng tôi cũng không biết là mức độ ủng hộ đối với Đại tá Gadhafi còn là bao nhiêu, vì Libya đã chịu cảnh đàn áp quá lâu rồi. Libya khác xa so với Ai Cập và Tunisia, vì tại cả hai nước này quân đội quốc gia là một thể chế rất mạnh. Về cơ bản, cuối cùng, quân đội ở hai nước này đã rút lại sự ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo. Tại Libya, tình thế hết sức khác biệt. Gadhafi chưa bao giờ cho phép quân đội trở nên quá mạnh, chính là bởi vì ông ta là người hết sức khôn ngoan, biết nhiều chiêu thức để duy trì quyền lực.”

Những ngày gần đây, các lực lượng đối lập đã giành được các vùng lãnh thổ đáng kể, chiếm lĩnh thị trấn duyên hải chiến lược Zawiyah trước khi mở cuộc tấn công vào thủ đô. Cùng với những người ủng hộ trong cộng đồng quốc tế, họ cho rằng tuy giao tranh vẫn tiếp tục, quyền lực của nhà lãnh đạo Libya giờ chỉ còn đếm bằng ngày.

Trong khi đó, Đại tá Gadhafi thề quyết sẽ chiến đấu cho tới chết.

Bà Kinninmont nói rằng các lựa chọn của ông ta là bỏ chạy hay lẩn trốn.

Bà Kinninmont nhận xét: “Có thể ông ta lựa chọn ở lại và lẩn trốn ở Libya, nhưng cũng có các tình huống không mấy hấp dẫn đối với ông ta, giống như trường hợp của Saddam Hussein, là lẩn trốn một thời gian dài nhưng rốt cuộc cũng bị bắt. Hay tình huống như của ông Hosni Mubarak, khi ông này quyết định không rời Ai Cập, vì có thể đã nghĩ rằng sẽ được quân đội bảo vệ, nhưng cuối cùng lại phải ra tòa. Mặt khác, nếu ông Gadhafi thực sự muốn đi sống lưu vong ở nước ngoài, ông sẽ phải đối mặt với hai nguy cơ. Ông có thể bị truy tố ở tầm quốc tế thông qua ICC, hay cũng có thể bị tấn công trả thù.”

Tòa án Hình sự Quốc tế, hay ICC, hồi tháng Sáu vừa qua đã ra trát bắt đối với ông Gadhafi cùng hai người con là Saif al-Islam và Abdulla Al-Senussi, nhân vật được cho là đứng đầu lực lượng tình báo quân sự Libya.

Ông Fadi El Abdallah là giới chức liên hệ luật pháp của ICC ở La Haye.

Ông Fadi El Abdallah nói: “ICC không có lực lượng cảnh sát hay quân đội nên chúng tôi chỉ có thể trông chờ vào sự hợp tác của các quốc gia. Theo Nghị quyết 1970 được các thành viên Hội đồng bảo an LHQ nhất trí thông qua, hiện giờ giới hữu trách Libya có nghĩa vụ phải tiến hành lệnh bắt, tức là bắt và trao các nghi can. Nếu các nghi can sang một quốc gia khác là thành viên của đạo luật Rome, thì họ có các nghĩa vụ về mặt pháp lý tương tự như trên nhằm bắt các nghi can và trao các nghi can này cho ICC.”

Nếu các lực lượng đối lập đạt được thành quả lật đổ Đại tá Gadhafi, thì vẫn còn chưa chắc chắn ai sẽ lên nắm quyền.

Sau đây vẫn là nhận xét của bà Kinninmont thuộc tổ chức phân tích Chatham House.

Bà Kinninmont nói: “Một trong các thách thức lớn đối với phe đối lập hiện giờ là phải làm sao tìm cách thu phục lòng tin của người dân, hoặc tìm cách khai triển một đội ngũ lãnh đạo mang tính đại diện và bao gồm nhiều thành phần hơn.”

Bà Kinninmont nói rằng động lực của cuộc nổi dậy ở Libya phức tạp hơn nhiều so với những cuộc cách mạng tại các nơi khác thuộc thế giới Ả rập. Thế nên, kết quả cuối cùng vẫn khó mà tiên liệu được.

Các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Gadhafi