Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ yêu cầu giải tỏa 1.5 tỷ đôla cho phe đối lập Libya


Phe nổi dậy phóng rocket về hướng các tay súng bắn tỉa của lực lượng Gadhafi taạ Tripoli, ngày 24/8/2011
Phe nổi dậy phóng rocket về hướng các tay súng bắn tỉa của lực lượng Gadhafi taạ Tripoli, ngày 24/8/2011

Hoa Kỳ đã đề xuất một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đề nghị giải tỏa 1,5 tỷ đôla trong các tài sản của Libya cho nhu cầu nhân đạo khẩn cấp. Ngân khoản này sẽ được giao cho Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia, do các đối thủ của lãnh tụ Moammar Gadhafi đứng đầu. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc, thông tín viên VOA Margaret Besheer gửi về bài tường thuật sau đây.

Hoa Kỳ khởi đầu cuộc vận động giải tỏa một phần trong hàng tỷ đôla tài sản của Libya ở các ngân hàng Mỹ vào ngày 8 tháng 8 qua ủy ban chế tài của Hội đồng Bảo an là cơ quan giám sát các biện pháp này. Nhưng ủy ban đó đòi hỏi có sự đồng thuận của tất cả 15 nước thành viên để đưa ra quyết định, và thành viên Nam Phi chống đối việc giải tỏa một phần trong các ngân khoản đó, khiến cho ủy ban không thể giải tỏa toàn bộ ngân khoản.

Vì vậy, hôm qua Hoa Kỳ đã có hành động đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an dưới hình thức một nghị quyết, theo đó chỉ cần có 9 phiếu thuận và không có nước nào phủ quyết.

Các Diễn Biến Quan Trọng Của Cuộc Nổi Dậy Libya

  • 15 tháng 2, 2011: Nổi dậy ở thành phố Benghazi được khơi nguồn từ cuộc cách mạng Mùa Xuân A-rập ở Tunisia và Ai Cập.
  • 26 tháng 2, 2011: Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt lên ông Moammar Gadhafi và gia đình, kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra cuộc đàn áp những người nổi dậy.
  • 19 tháng 3, 2011: Được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm; Hoa Kỳ, Anh và Pháp không kích Libya để chận đà tiến của lực lượng Gadhafi.
  • 26 tháng 3, 2011: Phe nổi dậy chiếm được thành phố quan trọng Ajdabiya.
  • 30 tháng 3, 2011: Ngoại trưởng Moussa Koussa đào thoát sang Anh. Một số giới chức Libya cao cấp khác noi gương.
  • 30 tháng 4, 2011: Tên lửa của NATO giết chết người con út và 3 cháu nội của ông Gadhafi.
  • 7 tháng 6, 2011: Ông Gadhafi tuyên bố trên đài truyền hình sẽ không bao giờ đầu hàng.
  • 27 tháng 6, 2011: Tòa án Hình sự Quốc tế ra trát bắt giam ông Gadhafi, người con trai Seif al-Islam, và Giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi, về tội ác chống nhân loại.
  • 15 tháng 7, 2011: Hoa Kỳ công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là chính phủ hợp pháp của Libya.
  • 28 tháng 7, 2011: Cựu Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younes, chạy sang phe nổi dậy hồi tháng 2 và làm tư lệnh quân sự cho phe này, bị giết chết.
  • 14 tháng 8, 2011: Phe nổi dậy tuyên bố chiếm được thị trấn chiến lược Zawiyah, nhưng tiếng súng dữ dội vẫn còn.
  • 20 tháng 8, 2011: Phe nổi dậy mở cuộc tấn công lần đầu tiên vào thủ đô Tripoli, có phối hợp với NATO.

Dự thảo nghị quyết đề nghị giải tỏa tới 500 triệu đôla cho các tổ chức nhân đạo quốc tế và để tài trợ cho lời kêu gọi nhân đạo của Liên Hiệp Quốc. Dự thảo nghị quyết cũng đề nghị giải tỏa tới 500 triệu đôla để mua nhiên liệu sản xuất điện, cung cấp cho các nhà máy nước và bệnh viện, cũng như các mặt hàng khác; và phần còn lại tới 500 triệu đôla dành cho các chi phí liên quan đến Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia, bao gồm giáo dục, y tế, trợ cấp thực phẩm và các nhu cầu nhân đạo khác.

Đại sứ Nam Phi tại Liên Hiệp Quốc, ông Baso Sangqu nói với các phóng viên rằng Pretoria không phản đối việc giải tỏa phần ngân khoản dành cho các cơ quan nhân đạo quốc tế và để đáp lại lời yêu cầu nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, nhưng chính phủ Nam Phi có những quan ngại về số 1 tỷ đôla còn lại thông qua Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia TNC để mua nhiên liệu và dành cho các chương trình khác.

Ông Sangqu nói: “Điều quan trọng là các khoản tiền của Libya, ngân quỹ của Libya phải được giao cho những sở hữu chủ đích đáng của Libya, cho những người đích đáng của Libya.”

Hôm nay, Hội đồng An ninh và Hòa bình của Liên hiệp châu Phi sẽ thảo luận vấn đề Libya và đại sứ Sangqu nói rằng Pretoria muốn biết ý kiến của họ trước khi có quyết định bởi vì Libya là một thành viên của Liên hiệp châu Phi. Ông Sangqu nói thêm rằng mặc dù Nam Phi đã mở các cuộc họp với TNC, họ chưa thừa nhận hội đồng nào là đại diện duy nhất và hợp pháp của nhân dân Libya, và đó là một lý do khác khiến Pretoria ngần ngại không muốn giải tỏa ngân khoản vừa nói.

Ông Sangqu nói tiếp: “Tất cả chúng ta đều được dành cho cơ hội phải thận trọng đúng mức về việc khoản tiền này sẽ đi về đâu. Sẽ được dành cho ai? Những người nhận tiền có đáng tin cậy hay không? Điều quan trọng là họ có đáng tin cậy đối với nhân dân Libya hay không? Họ đã được nhân dân Libya ủy nhiệm để có thể thay mặt nhân dân mà hành động chưa? Đây là tất cả những câu hỏi mà tất cả chúng ta đã đặt ra. Theo quan điểm của chúng tôi, việc suy xét đó phải có sự can dự của Liên hiệp châu Phi, mà Libya tiếp tục là một thành viên, và phải cứu xét quan điểm của khối này.”

Một giới chức Hoa Kỳ cho hay Washington muốn giải quyết vấn đề bằng cách đồng thuận thông qua ủy ban chế tài và hy vọng rằng Nam Phi, là nước duy nhất chống đối, sẽ thay đổi lập trường. Nhưng nếu Nam Phi không làm như thế, thì Hoa Kỳ sẽ xúc tiến việc đưa nghị quyết ra trước một cuộc biểu quyết hoặc vào thứ năm, hoặc vào thứ sáu, để ngân khoản có thể được giải tỏa nhanh chóng nhằm chi trả cho các nhu cầu khẩn cấp.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG