GS Lân Dũng: Hồ Chí Minh từng đề nghị thay đổi chữ viết

Tác phẩm Đường Cách mệnh của Hồ Chí Minh, ấn hành lần đầu tiên tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1927, trong đó 'k' được dùng thay 'c'. Theo GS Lân Dũng, cố chủ tịch HCM từng đề nghị thay đổi 1 số chữ cái trong tiếng Việt như dùng 'z' thay cho 'gi.'

Cuộc tranh luận có nên thay đổi chữ viết hay không nổ ra sau khi một vị giáo sư ngôn ngữ học đưa ra đề xuất cải tiến bảng chữ cái hiện tại của tiếng Việt.

Lý do cần phải cải tiến chữ viết tiếng Việt, theo TS Bùi Hiền, là vì qua gần 1 thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý nên phải thay đổi để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng và tiết kiệm thời gian.

Ngoài một số người ủng hộ, trong đó có á hậu Vũ Hoàng My, nhiều người lại ‘ném đá’ đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt mà TS Bùi Hiền, nguyên hiệu phó trường ĐHSP Ngoại Ngữ Hà Nội, đưa ra trong cuốn sách dày 2.200 trang “Ngôn ngữ ở Việt Nam – Hội nhập và phát triển.”

Những người ‘ném đá,’ gồm cả những người thường và các giáo sư tiến sỹ, cho rằng sự cải tiến này xa rời thực tiễn, không có khả năng áp dụng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, hiện đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng nếu áp dụng thì “cả nước phải đi học lại là không hợp lý.”

"(GS Bùi Hiền) vạch ra những chỗ không hợp lý trong tiếng Việt nhưng anh ta quên rằng tiếng nước nào cũng có những chỗ không hợp lý. Nhưng sửa đổi những chỗ không hợp lý đó là không thực tế. Không thể nào bắt cả nước này đi học lại. Không thể nào mà in lại tất cả các tài liệu từ trước đến nay được. Vì vậy cho nên là không hợp lý."

Công trình nghiên cứu 20 năm của Phó giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hiền đưa ra trong bối cảnh người dân đã ‘quá nhạy cảm’ với những cải cách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Và Bác [Hồ] rất kiên trì. Trong các tài liệu Bác đều viết thành ‘z’ hết.
GS Nguyễn Lân Dũng

Giống như những dự án xa rời thực tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa ra gần đây gây tốn kém nhiều tỷ đồng mà lại không hiệu quả, nhiều người lo ngại rằng để thực hiện việc cải tiến chữ viết phải đầu tư thêm kinh phí lấy từ tiền đóng thuế trong dân. Cuộc cải cách chương trình dạy học và sách giáo khoa gần đây nhất đã gây nhiều rắc rối với hậu quả là trẻ em ngày càng viết chữ xấu và sai chính tả, theo nhận định của Facebooker có tên Nguyen Tan Hao.

Trong con mắt của một người làm chuyên môn, TS Nguyễn Ngọc Bình của khoa ngôn ngữ học trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn cho rằng đề xuất cải tiến của TS Bùi Hiền không phải là một “giải pháp hoàn thiện” nên nếu được áp dụng có thể làm “phát triển thụt lùi.”

Theo đề xuất mới, bộ chữ cái tiếng Việt chỉ còn 31 ký tự thay cho 38 ký tự như hiện nay. Trong ví dụ về chữ viết hiện tại và chữ viết cải tiến theo đề xuất này, “giáo dục” sẽ được viết thành “záo zụk.”

Việc đơn giản hóa chữ viết theo giọng phát âm chuẩn Hà Nội trong đề xuất mới là một “điều dở,” theo TS Bình. Một lập luận trong nghiên cứu của TS Hiền là làm cho các vùng miền đều phát âm như nhau nhưng TS Bình cho rằng điều này sẽ làm mất đi sự đa dạng và tước bỏ những yếu tố văn hóa, lịch sử trong ngôn ngữ tiếng Việt.

Nhưng TS Bùi Hiền không phải là người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ viết.

Theo TS Bình, trước đây nhiều nhà nghiên cứu của viện ngôn ngữ học, trong đó người đầu tiên là giáo sư Hoàng Phê, và nhiều những ý kiến riêng lẻ từ những năm 1960 đã đưa ra đề xuất thay đổi cách viết chữ cái tiếng Việt được nhà truyền giáo người Pháp Alexandre de Rhodes phát minh ra vào thế kỷ 17.

Theo GS Lân Dũng, cố chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng muốn thay đổi chữ cái tiếng Việt. Ông lấy ví dụ rằng ông Hồ đề nghị đổi ‘gi’ thành chữ ‘z’

"Mọi người thấy Bác cũng có lý vì người ta không phân biệt được ‘gi’. Nhưng không có lý ở chỗ là có nơi phân biệt được mà nói tất cả đều không phân biệt được. Và Bác rất kiên trì. Trong các tài liệu Bác đều viết thành ‘z’ hết."

Nhận định về cách sử dụng chữ viết của ông Hồ, TS Bình nói cố chủ tịch từng viết ‘k’ thay cho ‘c’ trong cuốn “Đường kách mệnh” (Đường cách mạng) và dùng ‘z’ thay cho ‘d’ và ‘gi.’ Vị tiến sỹ của Đại học KHXHNV cho biết dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng chữ viết theo cách riêng của mình nhưng điều này không làm thay đổi chữ cái tiếng Việt.

Trong khi cuộc tranh luận về việc cải tiến hay không theo đề xuất của TS Hiền thì một phần mềm ứng dụng trên mạng xã hội đã lan truyền nhanh chóng trong đó cho phép người dùng đổi tên mình theo bộ tiếng Việt mới đề xuất. Một người có tên “Nguyễn Trung Dũng” sẽ có tên mới là “Quyễn Cuq Zũq.”