“Cậu Thăng! Cậu còn nhớ em không?”
Cô gái đứng trước mặt tôi đặt cái bọc lớn xuống thềm nhà, lột chiếc khăn rằn quàng cổ cầm tay.
“Tám phải không? Em đi đâu mà biệt tăm biệt tích vậy?”
Tôi nhận ra ngay cô gái ở Cái Sắn từng giúp việc nhà cho chúng tôi gần một năm trời từ khi Quỳnh về sống chung với tôi ở khu Mã Lạng này. Tôi không nhớ ai đã giới thiệu Tám cho Quỳnh, chỉ biết một hôm ở sở về, tôi thấy một cô gái nhỏ nhắn, sạch sẽ đang dọn cơm. “Anh, em mới mượn được Tám đến phụ em.” Quỳnh giới thiệu. “Chào cậu.” Cô gái nhỏ thó mặt tròn bầu, hai con mắt sáng, lễ phép. “Chào Tám.” Tôi chào và có phần ngạc nhiên vì trước đó không hề nghe Quỳnh có ý mượn người giúp. Vả lại, nhà nhỏ như một ngón tay út thế này thì còn chỗ đâu cho một người nữa. “Tám ở dưới Cái Sắn. Bà Sáu xóm trong thấy em nặng nhọc nên tìm giùm em. Dì Út của Tám là bạn của bà Sáu.” Quỳnh tóm tắt mấy nét về lai lịch của cô gái nhỏ này. Tôi không hiểu gì mấy ngoài bà Sáu có bà bạn là bà Út, dì của một cô bé tên là Tám.
Đối với tôi, Tám là một người giúp việc sạch sẽ gọn gàng, ngăn nắp. Tôi coi Tám như một đứa em trong nhà. Bởi vì công việc không có chi nhiều ngoài việc giặt giũ, nấu nướng và sắp xếp cho khỏi luộm thuộm trong một căn nhà nhỏ, quá nhỏ, của hai người vừa mới lấy nhau, nên Tám có nhiều thì giờ rảnh rỗi. Thỉnh thoảng tôi thấy Tám đọc sách, những cuốn mà đám bạn tôi ký tặng mỗi khi in xong. Nhiều lần tôi hỏi Tám có muốn đi học lớp đêm không, cô gái từ chối. Suốt trong thời gian đó, tháng nào Tám cũng nhờ tôi hoặc Quỳnh mua giùm thuốc tây nhiều loại, đặc biệt là trụ sinh, nói là gửi về dưới quê vì có người nhà bị bệnh cần. Tôi còn nhớ đâu vào khoảng gần Tết ta, đầu năm Bảy Lăm, Tám nhờ Quỳnh mua một số lượng thuốc trụ sinh khá lớn, nói là nhân dịp về quê ăn Tết mang một lần cho bõ công. Sau đó không bao giờ Tám quay lại. Chúng tôi không biết tin tức gì, mà hỏi bà Sáu thì bà cũng mù tịt nói không biết đâu mà lần.
“Cậu, cô có khỏe không?”
“Vào đây Tám. Cô có em bé rồi!” Tôi mở rộng cánh cửa cho Tám vào.
“Em mang gạo lên cho cô và cậu.” Tám ngăn khi tôi cúi xuống kéo cái bọc. “Đừng, cậu để em.”
“Trời ơi! Tám đó hả?”
“Cô Quỳnh!”
Hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau.
“Cô có khỏe không? Em bé tên gì vậy cô? Em dễ thương quá!” Tám ẵm bé lên, áp má mình vào má bé.
“Trời ơi, nó giống cô cách gì!”
“Tám lên đây hồi nào?” Quỳnh hỏi.
“Em vừa mới lên. Em cứ sợ cô cậu đã đi mất tiêu rồi. Em mừng thấy cô cậu vẫn còn ở đây.”
“Vậy chớ Tám tưởng là tụi này đi đâu?” Tôi làm bộ hỏi.
“Em tưởng cô cậu đã đi Mỹ. Trên này nhiều người đi Mỹ lắm mà!”
“Ừ, thì cũng có người đi, cũng có người không.” Bỗng nhiên tôi khựng lại. Tôi cảm thấy có gì khác lạ nơi cô gái nhỏ nhắn này.
Sau ngày Saigon thất thủ, nhiều gia đình không còn người giúp việc. Bà tổ trưởng dân phố trong một buổi họp nói rằng chế độ này không chấp nhận cảnh “người bóc lột người”, “không có chủ và tớ”, không còn “chủ nhân và nô lệ”, muốn ăn thì phải lăn vô bếp, không ai được phép ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón sai khiến người khác. Bà tổ trưởng nhà ở đầu xóm, cũng là dân Saigon, trước đây làm nghề móng tay.
“Tám ở trên này chơi với em bé mấy bữa được không?” Quỳnh hỏi.
“Dạ!” Cô gái ngập ngừng, “em cũng muốn lắm, nhưng bà chị em làm việc ở dưới quận Năm bắt em phải về với chỉ.” Tám nói nhỏ nhẹ.
“Bà chị của Tám làm việc gì ở quận Năm?” Quỳnh hỏi lại giọng ngạc nhiên.
“Chị Hai em làm chủ tịch quận. Với lại em cũng không ở trên này lâu được. Em có việc ở dưới quê. Nghỉ lâu lúc này không được. Em sợ bị kiểm điểm lắm!”
“Như vậy Tám cũng là cán bộ?” Tôi biết mình hỏi một câu hỏi thừa.
“Dạ… Em… đem gạo lên cho cô cậu. Gạo ngon lúc này hiếm. Chắc lâu lâu khi nào có dịp em sẽ lên thăm em bé.” Tám nói lảng sang chuyện khác. “Mà cậu vẫn đi dạy phải không?”
“Không. Tôi đã nghỉ dạy lâu rồi.”
“Vậy cậu có tính làm gì không?”
“Chưa. Bây giờ thì chưa, nhưng có lẽ đầu tháng này tôi sẽ đi Sóc Trăng. Tôi sẽ làm việc ở một công trường dưới đó.”
“Còn cô? Cô mà đi làm nữa thì ai coi em bé?”
“Tôi chưa tính được. Nhưng có lẽ cũng phải kiếm việc chi làm, chớ ở không thế này cũng đâu có được.” Quỳnh nói.
Tám đặt bé xuống nôi, lấy gạo trong bao ra trút vào khạp.
“Trời ơi, khạp không còn một hột gạo. Cô chưa mua gạo lấy gì nấu cơm?” Tám ngạc nhiên kêu lên.
“Thì tôi cũng định đi chợ sáng nay đó chớ. Từ hồi cậu nghỉ dạy đâu còn mua được nhu yếu phẩm của cơ quan nữa.”
“Em thấy cô có vẻ mệt. Để em nấu cơm cho cô một bữa. Chiều em xuống chị Hai cũng được.” Tám nói nhanh nhẹn.
Tám làm cơm giỏi, chỉ một loáng là đâu ra đó. Tôi biết bữa ăn đạm bạc đâu có gì phải nấu nướng lâu lắc chi, nhưng dù sao “con bé này giỏi thật”, tôi nghĩ vậy.
Trong suốt bữa ăn, Tám ngồi xới cơm và kể chuyện dưới quê. Hồi còn giúp việc nhà cho Quỳnh, Tám vẫn ăn cơm cùng lượt với chúng tôi, chớ không mâm trước mâm sau gì cả.
“Em làm cán bộ mà tới chức gì lận?” Quỳnh ngừng đũa hỏi Tám.
“Ối, không có gì đâu cô”, Tám có vẻ mắc cỡ “thì mấy chú, mấy bác, mấy ảnh biểu sao em làm vậy mà. Em có biết ất giáp gì đâu.”
Tôi cố tin là Tám nói thật. Cô bé chưa kịp lớn để có một suy nghĩ độc lập, tất cả những gì Tám làm là cho “mấy ảnh, mấy chú, mấy bác” sắp đặt.
“Chừng nào cậu đi Sóc Trăng?” Tám vừa xới cơm cho Quỳnh vừa hỏi.
“Chưa biết, có thể đầu tháng tới.”
“Mà cậu sẽ làm cái gì ở dưới đó?”
“Tôi lái xe ủi đất ở công trường An Biên.”
“Cậu mà lái xe ủi đất?” Tám hỏi giọng ngạc nhiên.
“Ừ, lái xe ủi đất thì đâu có gì khó.”
“Nhưng mà… sao cậu không tìm cái việc gì khác trên này mà làm, thiếu giống gì việc làm, sao lại đi lái xe ủi đất?”
“Thôi đừng bàn chuyện đó nữa.” Quỳnh cắt ngang “Tám nhất định không chịu ở chơi vài bữa phải không?”
“Không được đâu cô! À, mà có tiếng ai gõ cửa kìa cô!” Tám đứng dậy bước ra phòng khách. Tôi cũng có nghe tiếng động như có ai bước hẳn vào trong nhà.
“Xin lỗi ông hỏi ai?”
“Tôi muốn biết đây có phải nhà ông Thăng không?” Giọng một người đàn ông.
“Dạ phải. Xin mời ông ngồi.”
Tám quay vào bàn ăn. Không cần hỏi khách là ai, gặp tôi có chuyện gì. Tám nói.
“Cậu có khách, cậu à?”
“Ai vậy?” Quỳnh hỏi.
“Em không rõ.”
Tôi đặt bát cơm xuống, đứng dậy, bước ra. Tự nhiên cảm thấy có một cái gì nôn nao khác lạ.
“Chào ông!” Tôi nói với người khách lạ.
“Ông là ông Thăng?” Khách hỏi.
“Dạ phải, tôi là Thăng!” Tôi nhìn khách.
Đó là một người đàn ông gầy ốm, khuôn mặt nhô xương, quần áo đúng là của bộ đội, màu vàng do bị nắng và mưa làm phai nhạt đi, mép áo đã sờn. Ông cầm chiếc nón cối trên tay, xoay qua xoay lại. Cả quần lẫn áo đều nhăn nhúm. Đôi dép ông mang làm bằng một thứ nhựa trong màu vàng đục.
“Tôi tên là Phú.” Khách tự giới thiệu.
“Chào ông Phú.” Tôi nhắc lời chào thêm một lần nữa và vẫn chưa hiểu khách là ai. “Xin mời ông ngồi.”
Tám tự động mang bình trà và rót hai ly để trên bàn. Khách đã yên chỗ.
Tôi chờ đợi.
“Tôi là bạn của anh Thúc.” Khách nói.
Thúc là anh tôi.
Năm Bảy Hai, anh Thúc tôi bị thương nặng trong một trận đụng độ ở Đông Hà. Ở Tổng Y viện Cộng hòa ra, anh được lệnh giải ngũ. Anh Thúc ngồi xe lăn, không nói được, muốn trò chuyện với ai phải ra dấu hoặc viết xuống mặt giấy, mà phải viết bằng tay trái, chữ lăn quăn rất khó đọc. Bạn bè đồng đội anh khá đông. Nhiều người đến thăm anh. Phần lớn tìm cách giúp chị và các cháu. Sau Bảy Lăm, con trai lớn anh đóng lon đại úy, bị bắt đi học tập cải tạo. Thằng kế đóng lon trung úy, cũng bị đưa đi trại tập trung. Anh liệt giường, thuốc men lúc có lúc không. Đôi khi có thuốc thì không đủ tiền mà mua.
Khi chạy vạy được tiền thì thuốc không có. Chị Thúc vừa nuôi chồng, vừa bới xách quà thăm nuôi hai đứa con trai ở hai trại cách xa nhau hàng mấy trăm cây số. Chị đầu tắt mặt tối, tất tả ngược xuôi như một bà già, mặc dầu tuổi tác chị chưa đến nỗi nào như vậy. Tháng trước chị biên thư cho tôi nói bịnh tình anh Thúc bây giờ hết thuốc chữa. Anh đau đớn lắm. Cả nửa thân người tê liệt, trăn trở không được, da thịt bị tấy lên, hôi thối. Cả nhà thương anh và khổ vì anh. Anh nói anh chỉ muốn chết cho xong, không phải phiền lụy ai. Tôi có bàn với Quỳnh có lẽ mình phải về quê một chuyến thăm anh chị Thúc.
“Anh là bạn anh Thúc?” Tôi hỏi lại.
“Vâng, tôi là bạn học của anh Thúc từ hồi nhỏ kia. Tôi tập kết ra Bắc năm Năm Tư…” Khách nói, mắt chiếu thẳng vào mắt tôi. “Hơn hai mươi năm tôi mới gặp lại anh ấy. Tôi vừa đi thăm anh Thúc trên đường vào Saigon. Chị Thúc nhờ tôi đến gặp chú.” Khách đổi cách xưng hô, “cho chú hay là cô chú cố gắng thu xếp về thăm anh Thúc một lần cuối.” Khách ngập ngừng, “có lẽ anh Thúc không qua khỏi.”
Tôi ngồi nghe, lặng người. Tôi biết tình trạng sức khỏe của anh tôi kéo dài từ Bảy Hai đến nay đã là những ngày nằm chờ chết. Có lẽ anh đã chết từ những ngày Sài Gòn vừa mất, khi các con anh bị bắt đi học tập cải tạo, và cả chính anh cũng bị chính quyền mới cho người đến tận nhà điều tra xem bệnh thật hay giả, có đủ sức đi học tập cải tạo không.
“Tôi nói vầy sợ không phải, nhưng chú nên hiểu, anh Thúc thế là may. Nếu anh ấy không bị bán thân bất toại, nằm chờ chết trong nhà bên cạnh vợ con, thì có lẽ anh ấy cũng nằm chờ chết trong một trại cải tạo nào đó ngoài Bắc.”
Tôi nhìn khách, không rõ lắm ý anh ta. Anh nói như vậy là đứng từ góc độ nào ngó về cái sống và cái chết của anh Thúc. Bệnh tình như chỉ mành treo chuông, không biết đứt lúc nào mà vẫn còn may (?). Hóa ra có những cái còn tồi tệ hơn cái chết sao.
“Tại sao chú không đi?” Khách đột ngột hỏi. Và đó là lần thứ hai trong ngày tôi nghe câu hỏi này.
Tôi chưa biết trả lời sao. Tôi chưa hề quen người khách lạ này, mặc dù tôi biết rõ chắc chắn một trăm phần trăm khách là cán bộ. Chiếc nón cối đã cũ, vải bị tưa ra ở mép, bộ quần áo vàng bạc màu, đôi dép nhựa trong, khách đã có sẵn nơi anh ta tấm lá chắn mà người Sài Gòn phải dội lại khi trò chuyện.
“Tôi có người em tên Quý, nó mang cấp bậc đại úy Hải quân, đã đi được rồi. Cũng may, nếu nó còn kẹt lại, coi như vô phương cứu chữa.”
Tôi cố hiểu ý nghĩa thật lời nói của người khách. Tôi bưng ly trà lên uống một ngụm. Khách cũng bưng ly nước lên môi. Và tôi nhìn kỹ ông ta một lần nữa. Ông khá gầy, người nhỏ thó, xương hàm bạnh ra, hai gò má hóp. Tôi thấy ông ngó chăm về phía trái tôi, phía có một kệ sách. Sau vụ gọi là tịch thu “văn hóa phẩm phản động và đồi trụy” của chế độ cũ, tôi còn giữ lại được một số sách, loại khảo cứu. Thật ra lúc đến xét nhà, những người Ba Mươi Tháng Tư đồng loạt tịch thu hết, bất cứ ấn loát phẩm nào do Sài Gòn in lẫn sách của Tây phương, nhưng do trong nhóm này có một học sinh cũ của tôi, tôi được cho lại một số. Những cuốn sách này tôi vừa muốn giữ lại vì tiếc nuối, vừa muốn thải đi vì thân mình còn không giữ được nói gì những cuốn sách.
“Kệ sách của chú hơi trống nhưng chú có nhiều sách quý quá!”
Khách vừa nói vừa đứng dậy bước gần kệ, mắt dán sát vào các gáy sách. Ngón tay rà lên từng đề tựa, thỉnh thoảng dừng lại ở một cuốn. Bất thình lình, khách rút ra một quyển, lật từng trang, ngó chăm chú vào một tấm ảnh rồi xếp sách lại, đặt vào chỗ cũ.
“Anh có thích những cuốn này không?” Tôi hỏi.
“Có nhiều cuốn tôi thích lắm. Quyển tự điển những nhà văn Pháp viết bằng tiếng Pháp, đây là quyển tôi rất cần.”
“Nếu anh muốn xin anh cứ tự nhiên.” Tôi nói
“Chú cho tôi mượn được chừng bao lâu?”
“Anh cứ lấy hết những cuốn nào anh cần và giữ luôn cũng được.” Tôi nói dửng dưng.
“Cảm ơn chú Thăng! Cảm ơn chú Thăng! Trời ơi, tôi định đi chợ trời kiếm mấy cuốn này đấy. Xin cảm ơn chú!”
Phòng khách tôi vốn đã quá nhỏ, cái kệ sách choán hết chỗ, có lẽ dọn quách đi trống chừng nào đỡ chừng đó, để còn có chỗ cho con bò quanh quẩn.
Có tiếng đứa bé khóc. Tôi nghe tiếng Quỳnh lắc lắc chiếc nôi. Tôi sực nhớ bữa cơm ăn dở chừng. Tôi nói với khách.
“Gặp bữa, xin mời anh dùng cơm với tụi này.”
“Cảm ơn chú. Tôi cũng đang đói quá. Đi bộ từ ga xe lửa tới đây. Tôi chưa kịp ăn gì.” Khách tự nhiên.
Tôi xấu hổ vì quên mời khách. Tôi đứng dậy, khách đứng lên theo.
“Em, đây là anh Phú, bạn của anh Hai. Và đây là Quỳnh nhà tôi.” Tôi giới thiệu khách.
“Chào cô! Cô chú có căn nhà xinh xắn quá!”
“Không dám. Xin chào anh.” Quỳnh ngẩng đầu lên, tay vẫn không ngừng lắc lắc chiếc nôi cho thằng bé ngủ.
Khách ngồi xuống ghế.
Tám dọn bàn ăn, đặt bát đũa mới cho chúng tôi.
“Hình như cô Quỳnh có ông anh là đồng chí Mười Tân?” Khách hỏi, mắt hướng về phía Quỳnh.
“Dạ phải. Anh Mười Tân là con của ông bác tôi.” Quỳnh trả lời bình thường, không hăng hái lắm.
“Đồng chí Mười Tân là người trong Mặt Trận, một cán bộ lãnh đạo cao cấp lắm, cô chú có biết không?”
“Không. Tụi em đâu biết gì. Hôm trước ảnh có ghé thăm lần đầu, nhưng bọn em không nghe ảnh nói gì.” Quỳnh nói.
“Ở ngoài Hà Nội, chúng tôi thỉnh thoảng có đọc bài của đồng chí Mười Tân. Theo tôi, đồng chí ấy là một người rất sâu sắc và rất … rất cực đoan” khách ngừng một lúc, ngó tôi rồi tiếp “đồng chí Mười Tân là một người không biết đi lui…”
Cả Quỳnh và tôi bỗng rụt lại, im lặng chờ nghe khách nói.
“Trung ương không đánh giá cao đồng chí Mười Tân. Tính cực đoan quá khích của đồng chí ấy khiến nhiều khi cánh cửa của Trung Ương vừa mới mở ra định cho đồng chí ấy vào, đã phải đóng lại.”
“Tôi không hiểu gì hết.” Tôi nói, tay cầm đũa lên mời khách.
“Rồi cô chú sẽ hiểu thôi. Liên hệ ruột thịt với đồng chí Mười Tân có thể là cái may, cũng có thể là cái rủi, dù cô chú sống ở đâu.” Khách tiếp “Mời chú!” Khách cầm đũa lên.
Khách ăn tự nhiên, ăn nhiều, món nào khách cũng khen ngon.
“Chú tính bao giờ thì về quê thăm anh Thúc?” Khách ngừng đũa.
“Tình hình này chắc tôi phải đi ngay. Quỳnh có cháu bé chắc đi xe lửa không tiện. Tôi sẽ đi một mình.”
“Có lẽ em cũng phải đi, mang con theo. Nếu chẳng may anh Thúc qua đời, em sợ bị gia đình anh trách.” Quỳnh quay lại nói.
“Theo tôi cô chú nên đi về một chuyến. Nha Trang là thành phố có biển. Cũng tiện đôi ba bề.” Khách nhắc nhở một câu mà tôi cho là đầy ẩn ý.
Tôi cầm đũa tiếp khách, nhưng không cách nào nuốt nổi chén cơm. Chỉ trong một ngày tôi tiếp hai người. Một cô bé nằm vùng, cứ cho là như vậy đi, và một ông cán bộ tập kết. Người nào cũng hỏi một câu tại sao không đi, tại sao chưa đi. Đi hay ở? Ở lại trong sự ngột ngạt. Ra đi trong sự mơ hồ. Ở khắp nơi người ta gạt gẫm nhau. Toàn là những người quen hoặc có quen biết chút ít gạt mình chứ đâu có ai xa lạ. Màu áo vàng của người công an khu phố luôn luôn là một ám ảnh tôi. Tiếng gõ cửa ban đêm làm vỡ toang lồng ngực. Những giọt nước mắt của Kiệt báo tin cho tôi biết là ba cậu đã tự tử vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của tôi. Đi đâu khi mà đứa bé chưa đầy tuổi tôi, thuốc men thiếu thốn. Biển cả mênh mông, ghe thuyền như hạt cát, công an đầy dẫy như ruồi muỗi. Hôm qua, tôi nhớ, gặp Tâm – Khô Khốc Thiền Sư - ở quán nước bên chái nhà bà luật sư Đại, thấy bạn gầy càng gầy hơn. Hai con mắt sâu hoắm, yết hầu lộ ra, những ngón tay vàng khói thuốc, nhìn tôi như nhìn vào khoảng không. Hai đứa uống với nhau ly nước trà để giữ lại, - không, đúng hơn là để đánh tan cái “hậu” của cà phê đã bắt đầu pha trộn cơm rang và nước vỏ măng cụt. Đắng nghét như cuộc sống trước mặt. Nhật đã bị bắt đi mất tích. Lộc đã nằm trong trại cải tạo. Đình và Phùng phải xuống hội Văn nghệ học tập, một hình thức cải tạo tại chỗ. Định Thủy quân Lục chiến, sau ngày bị chế độ mới tống ra khỏi Tổng Y viện Cộng hòa với vết thương ở chân chưa điều trị xong cũng đã phải chống gậy đi tập trung cải tạo. Xung quanh tôi là một bầu không khí đầy những “hơi gió” nghi ngờ. Mặt nạ! Mặt nạ! Mặt nạ!
“Tại sao không đi?”
Trước những câu hỏi loại đó giữa một bầu không khí ngờ vực, người ta thường phải làm bộ trả lời, “đi chi, đi đâu, đất nước đã hòa bình thống nhất, ở lại xây dựng tổ quốc chớ”, hoặc “tôi xuống tàu rồi mà trở lên vì thấy dầu sao quê nhà vẫn hơn”… vân vân và vân vân. Mà trong lòng thì trời ơi, tôi muốn đi biết là chừng nào, nhưng không tìm ra lối. Những nơi đi được thì đã nghẹt người, đành quay lại. Tôi đã chờ trước tòa đại sứ Mỹ suốt một ngày trời. Tôi đã leo lên sân thượng của một ngôi nhà bỏ trống mà người ta đồn là sẽ có máy bay trực thăng của Đệ thất Hạm đội đáp xuống. Tôi đã chạy quanh chạy quẩn như con chuột chạy trong một cái hộp. Tôi đã làm mọi cách, nhưng vô ích, nơi nào tôi ghé vào tạt qua cũng gặp một rừng người chen chúc xô đẩy nhau, đạp lên nhau. Đó là lúc Quỳnh đi đứng nặng nề, chờ giây phút sanh nở. Giá mà Quỳnh không có cái bụng bầu. Ừ, giá mà Quỳnh không có cái bụng bầu thì dễ cho tôi biết là bao nhiêu. Có lẽ chúng tôi đã xuống tàu, đã lên máy bay, đã ở một nơi nào khác không phải ở đây. Không phải ở lại đây, để thở một bầu không khí lo sợ, ngột ngạt, để chờ đợi một điều không may đổ ụp xuống bất cứ lúc nào, để như một người mua vé số hồi hộp chờ đợi cái lô độc đắc là một chỗ tại một nông trường cải tạo. “Giá mà”… không, không giá với hành gì hết. Ý nghĩ ấy dù chỉ thoáng qua óc tôi thôi, tôi cũng không đáng giá một đồng xu teng, chứ đừng nói chi một đồng bạc cắc. Sao tôi lại không nghĩ rằng giá mà không có tôi, có lẽ Quỳnh đã đi khỏi đất nước này từ lâu. Giá mà không có tôi, Quỳnh đã không xé cái tấm vé máy bay của hãng hàng không CAL ngay giữa một Sài Gòn giới nghiêm, một Sài Gòn chênh vênh bên bờ vực của một cuộc chiến sắp hạ màn?
Bụi và Rác – Chương Bảy
* Blog của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.