Khoảng 27% kết quả kiểm tra giày dép và quần áo mà Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ thực hiện vào tháng 5 cho thấy có dính dáng đến cotton từ khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, vốn đã bị cấm do lo ngại về lao động khổ sai, theo các tài liệu mà Reuters có được.
Các kết quả này, trước đây chưa từng được công bố, cho thấy rõ những thách thức trong việc tuân thủ luật pháp Mỹ nhắm đến không cho nhập vào Mỹ cotton có dính đến lao động khổ sai ở Trung Quốc. Quy định này yêu cầu cắt đứt khu tự trị ở viễn tây Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng hàng may mặc.
Để giúp thực thi điều luật này, các quan chức hải quan đã dùng cách xét nghiệm đồng vị, có thể cho biết cotton đến từ vùng cụ thể nào bằng cách phân tích nồng độ các nguyên tố ổn định như carbon và hydro có trong cây bông và môi trường trồng bông, các chuyên gia cho biết.
10 trong số 37 sản phẩm may mặc được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) thu thập hồi tháng 5 cho kết quả ‘tương ứng’ với Tân Cương, hồ sơ cho thấy. Cho đến nay, các quan chức Mỹ đã tịch thu ít nhất ba lô giày dép và quần áo nằm trong nỗ lực thực thi pháp luật của họ, theo hồ sơ của chính phủ được cung cấp cho Reuters.
Tính chung, 13 trong tổng số 86 lần xét nghiệm, tương đương 15%, được coi là ‘ăn khớp’ với Tân Cương.
Phần lớn các thông tin khác trên hồ sơ này đã bị xóa, bao gồm cả nhãn hiệu của hàng may mặc được kiểm tra. Mô tả mặt hàng trong hồ sơ nêu ra một loạt các loại trang phục, từ quần cộc, quần jean và áo sơ mi đến váy và đồ trẻ em. Tất cả đều có cotton, và trong một số trường hợp pha trộn với các loại sợi khác như spandex và rayon.
Bà Laura Murphy, giáo sư nhân quyền và nô lệ đương đại tại Đại học Sheffield Hallam, Anh, nhận xét rằng phạm vi và tỷ lệ mẫu có cotton cao cho thấy sự khó khăn của việc thực thi lệnh cấm.
“Lượng cotton từ Tân Cương vào Mỹ cần phải ở mức zero”, bà nói. “Vì vậy, bất cứ sản phẩm nào ở mức trên 0% đều là lời cảnh báo thực sự.”
Xét nghiệm đồng vị chưa phải là ‘quy trình kiểm tra thường xuyên’ của Hải quan Hoa Kỳ, Eric Choy, trưởng ban phòng vệ thương mại và thực thi pháp luật của CBP, nói với Reuters hồi tháng 6. Ông nói thêm rằng các quan chức tại các cảng riêng rẽ của Mỹ có thể yêu cầu kiểm tra nếu họ nhận được cáo buộc về các lô hàng cụ thể hoặc nghi ngờ hàng hóa có liên quan đến Tân Cươg.
Nhiều nhà bán lẻ cũng đã chuyển sang xét nghiệm đồng vị trong nỗ lực giữ cho chuỗi cung ứng của họ không có cotton dính đến lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Hàng hóa được sản xuất một phần hoặc toàn bộ ở Tân Cương bị cấm ở Mỹ.
Phúc trình liên bang công bố hồi năm ngoái ước tính cotton từ Tân Cương chiếm khoảng 87% sản lượng của Trung Quốc và 23% nguồn cung toàn cầu vào năm 2020 và 2021.
Các nước, trong đó có Việt Nam, Campuchia và Bangladesh – những nước sản xuất quần áo sợi cotton và hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới – vẫn nhập khẩu số lượng lớn vải thành phẩm từ Trung Quốc. Sau đó, số vải thành phẩm này được may thành quần áo ở các nước này rồi xuất đến Mỹ, phúc trình cho biết.