Hải quân Mỹ thách thức hạn chế ‘bất hợp pháp’ do Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan áp đặt ở Biển Đông

Tàu khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Preble (DDG 88) thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đi qua Biển Đông trong một hoạt động thường lệ hôm 6/12/2024.

Hải Quân Mỹ tuyên bố rằng một tàu khu trục của họ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải tại quần đảo Trường Sa và cho rằng Việt Nam, Trung Quốc cùng Đài Loan đã “vi phạm luật pháp quốc tế” khi đưa ra những hạn chế đối với việc thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 6/12, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết tàu USS Preble (DDG 88) đã thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo có tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

Tuyên bố nói rằng việc tàu USS Preble, một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, thực hiện hoạt động này là nhằm thách thức các hạn chế đối với “quyền đi lại vô hại” do Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan áp đặt qua các yêu sách đối với quần đảo Trường Sa.

Các nước trong khu vực – bao gồm cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan – đều có tuyên bố lãnh hải chồng chéo trên Biển Đông. Nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn khu vực lãnh hải tranh chấp này dù một tòa trọng tài quốc tế ở The Hague vào năm 2016 đã bác bỏ là vô căn cứ.

“(Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) PRC, Việt Nam và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Quần đảo Trường Sa, trong khi Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể ở quần đảo Trường Sa gần địa điểm của (hoạt động tự do hàng hải) FONOP này,” Hải quân Mỹ nói trong tuyên bố. “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố phải xin phép hoặc phải thông báo trước khi một tàu quân sự hoặc tàu chiến tham gia ‘đi lại vô hại’ qua lãnh hải của họ, vốn là vi phạm luật pháp quốc tế.”

Các thực thể tranh chấp nhiều nhất trên Biển Đông là xung quan quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei đều có các yêu sách chủ quyền và mức độ chiếm đóng khác nhau.

Hải quân Mỹ cho rằng “việc đơn phương áp đặt bất kỳ yêu cầu ủy quyền hoặc thông báo trước nào đối với quyền đi lại vô hại là bất hợp pháp.”

“Bằng cách thực hiện hoạt động đi lại vô hại mà không thông báo trước hoặc xin phép bất kỳ bên nào trong số các bên có yêu sách chủ quyền, Hoa Kỳ đã thách thức những hạn chế bất hợp pháp do Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Đài Loan và Việt Nam áp đặt.”

Tuyên bố của Hải quân Mỹ còn nói rằng các yêu sách hàng hải phi pháp và toàn diện ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và quyền tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven biển ở Biển Đông.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Đại diện của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhiều lần nói rằng Việt Nam luôn kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, trong đó có Trường Sa. Người phát ngôn của Bộ trong nhiều dịp khác nhau cũng cho biết rằng Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông “trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước (quốc tế) và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển.”

Căng thẳng tăng cao ở khu vực Biển Đông, nơi có tuyến đường thủy chiến lược trị giá hàng nghìn tỷ USD giao thương mỗi năm, giữa những lo ngại về các yêu sách mở rộng của Trung Quốc chồng lấn vào các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia láng giềng, gồm cả Việt Nam.

Nhưng tình trạng thù địch trong vùng biển tranh chấp đã leo thang một cách đáng báo động trong thời gian qua, đặc biệt giữa Trung Quốc và Philippines khi tàu của hai nước này thường xuyên đụng độ quanh Bãi cạn Scarborough, một ngư trường truyền thống mà ngư dân nhiều nước khai thác.

Tuyên bố của Hạm đội 7 được đưa ra cùng thời điểm Hải quân Mỹ, Nhật và Philippines tổ chức tập trận chung bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila, hai ngày sau cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh Bãi cạn Scarborough.

Một quan chức Hải quân Mỹ cho USNI News biết rằng tàu USS Preble đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của bãi Đá Hoa Lau. Theo dữ liệu của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS ở Washington, Đá Hoa Lau thuộc quần đảo Trường Sa và do Maylaysia chiếm giữ đầu tiên vào năm 1983.

Theo Điều 19 của Công ước Luật biển của LHQ, một tàu chiến có thể di chuyển trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ biển của một quốc gia khác “miễn là không gây phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển đó.”

Hải quân Mỹ cho biết họ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trên toàn cầu, bao gồm cả ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông.

“Chừng nào một số quốc gia còn tiếp tục tuyên bố chủ quyền và khẳng định giới hạn về các quyền vượt quá thẩm quyền của họ theo luật pháp quốc tế, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và quyền tự do trên biển được đảm bảo cho tất cả mọi người,” tuyên bố nói. “Các hoạt động này chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ di chuyển trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép – bất kể vị trí của các yêu sách hàng hải quá mức và bất kể các sự kiện đang diễn ra.”

Your browser doesn’t support HTML5

Hải quân Mỹ thách thức hạn chế do Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan áp đặt ở Biển Đông