Phái đoàn Liên minh châu Âu và các cơ quan đại diện ngoại giao một số nước phương Tây ở Hà Nội cũng như các luật sư trong nước vừa đưa ra lời kêu gọi tới chính phủ Việt Nam để dừng thi hành án tử hình ông Lê Văn Mạnh ngay trước thời hạn gia đình tử tù này được yêu cầu đăng ký nhận xác con mình.
Gia đình ông Mạnh nhận được quyết định thi hành án đối với ông hôm 18/9 bằng hình thức tiêm thuốc độc. Tòa án Nhân dân Thanh Hóa đưa ra thông báo hạn cuối nhận xác ông Mạnh cho gia đình là ngày 21/9. Mẹ ông Mạnh, bà Nguyễn Thị Việt hôm 19/9 cho VOA biết bà từ chối ký vào quyết định của tòa vì cho rằng con trai bà bị kết án oan.
Tất cả 27 cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên EU cùng các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Na Uy và Vương Quốc Anh hôm 20/9 đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi nhà chức trách Việt Nam ngừng thi hành bản án đối với ông Mạnh, người bị kết án tử hình vào năm 2005 vì tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em.”
“Chúng tôi cực lực phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình vào mọi lúc, mọi hoàn cảnh, loại hình phạt tàn án, vô nhân đạo, hèn hạ và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời ủng hộ Việt Nam tạm dừng mọi hình thức hành quyết,” tuyên bố chung của EU và 3 nước kể trên viết.
Phái đoàn EU cùng Canada, Na Uy và Anh hồi tháng 8 cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam ngừng thi hành án tử tù Nguyễn Văn Chưởng sau khi gia đình và hàng nghìn người khác thỉnh cầu đến Chủ tịch nước Việt Nam xin hoãn thi hành bản án mà họ cho là oan sai đối với ông Chưởng.
Lê Văn Mạnh và Nguyễn Văn Chưởng nằm trong số 3 tử tù, gồm cả Hồ Duy Hải, được các tổ chức xã hội dân sự yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu về các bản án tử hình “oan sai” đối với họ khi gặp các lãnh đạo Việt Nam. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm của ông tới Hà Nội ngày 10-11/9.
Trong một bức thư thỉnh cầu riêng biệt gửi tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các luật sư của Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long đề nghị bản án tử hình đối với ông Mạnh được xem xét lại cũng như yêu cầu Chủ tịch nước tạm đình chỉ việc thi hành án.
“Vụ án đặc biệt nghiêm trọng nêu trên đối với tử tù Lê Văn Mạnh đã được xét xử qua nhiều lần, nhiều cấp Tòa án với những lời kêu oan liên tục của bị cáo/bị án Lê Văn Mạnh,” các luật sư viết trong thư thỉnh cầu được Luật sư Lê Luân chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. “Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ (vào năm 2015), các Luật sư chúng tôi thực sự nhận thấy….các vấn đề được coi là sai sót, vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, bao gồm việc chứng minh và việc đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này.”
VOA đã gửi yêu cầu bình luận về các lời kêu gọi trên tới Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ông Mạnh bị kết tội giết hại sau khi hãm hiếp Hoàng Thị Loan, sinh năm 1991, rồi vứt xác xuống sông ở xã Yên Thịnh thuộc huyện Yên Định ở Thanh Hóa vào ngày 21/3/2005. Bà Việt nói với VOA rằng con trai bà hôm đó cùng bà đi chuyển nhà cho em gái nên không thể là người gây ra án mạng.
Trong 7 phiên tòa từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm, ông Mạnh đều nói mình vô tội. Tòa án Nhân dân Thanh Hóa đã kết tội ông dựa trên lời khai nhận giết người mà ông nói rằng ông bị tra tấn và bức cung để phải nhận tội mà ông không làm.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi năm 2015 đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam cho tiến hành một cuộc điều tra độc lập trước các cáo buộc về việc ông Mạnh bị tra tấn và bức cung để phải nhận tội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau đó đã ký lệnh tạm hoãn thi hành án tử hình ông Mạnh. Quyết định thi hành án ông Mạnh mới được đưa ra hôm 18/9 là lần thứ hai.
“Không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm hiệu quả hơn hình phạt tù... Hơn nữa bất kỳ sai sót nào – điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào – đều không thể sửa chữa được,” các phái đoàn EU và 3 nước Canada, Na Uy và Anh nói trong tuyên bố và cho biết 2/3 số quốc gia trên thế giới theo chủ nghĩa bãi bỏ hình phạt tử hình trong luật hoặc trong thực tiễn. “Chúng tôi sẽ tích cực làm việc để thúc đẩy xu hướng chung hướng tới xóa bỏ hình phạt tử hình và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới xóa bỏ hình phạt này.”
Your browser doesn’t support HTML5