Bệnh phổi mô kẽ (Interstitial Lung Disease)
Thính giả Lê Thị Quỳnh Trang hỏi về bệnh phổi mô kẽ:
“Thưa Bác sĩ,
Tôi tên Trang, hiện ở Nha Trang, xin Bác sĩ vui lòng tư vấn cho tôi thắc mắc sau.
Chồng tôi bị bệnh Viêm mô kẽ hạ đòn phổi phải (đã chụp X quang), uống thuốc được 1 tuần rồi nhưng vẫn còn ho nhiều, người mệt. Bác sĩ bên này cho 5 loại thuốc nhưng tôi chỉ biết tên kháng sinh là Clarithomycin, kháng viêm là Methylprednisolon 4mg mà thôi.
Thưa Bác sĩ, đây có phải là một bệnh về phổi không? Có nguy hiểm không? Có lây bệnh không? Kiêng ăn những thức ăn gì? Có cần uống thêm thuốc đặc trị nào nữa không?
Cảm ơn Bác sĩ nhiều."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Bệnh phổi mô kẽ (Interstitial Lung Disease)
Xin nói rõ là tôi không thể tư vấn cho một trường hợp cá biệt nào cả. Thêm một vấn đề nữa là tôi không hành nghề trong môi trường y khoa tiếng Việt, nên những danh từ khoa học (thuật ngữ) tôi dùng trong tiếng Anh hoặc tôi dịch qua tiếng Việt có thể không hoàn toàn tương ứng với thuật ngữ tiếng Việt mà quý thính giả nêu ra. Với những giới hạn đó, trong mục đích cùng học hỏi, tôi xin vào đề bàn về bệnh có tên là "interstitial lung disease" mà tôi xin tạm dịch làm "bệnh phổi mô kẽ".
- Thứ nhất “mô kẽ” phổi (interstitial tissue, interstitium) là gì?
Chúng ta biết rằng trong phổi có hàng triệu (chừng 500 triệu) túi nhỏ chứa không khí và gọi là phế nang (phế =phổi, nang là cái túi) (alveoli). Không khí từ ngoài hít vào căng các phế nang và đem oxy vào máu, thán khí (CO2) được thải vào phế nang và đi theo hơi thở ra ngoài. Những mô nằm giữa các phế nang gọi là mô kẽ (interstitial tissue), theo nghĩa nằm xen kẽ giữa các phế nang.
- Có trên 200 bệnh khác nhau được gom vào trong nhóm bệnh 'viêm mô kẽ phổi" (interstitial lung disease), tuy nhiên chúng có những điểm chung như sau:
(1) Bệnh nhân ho và hụt hơi, khó thở (short breath).
Ngoài ra có thể có những biến chứng ảnh hưởng đến hệ tim mạch, mạch máu trong phổi: cao huyết áp (hypertension), cao huyết áp trong phổi (pulmonary hypertension), suy tim (heart failure). Các đầu ngón tay có thể to tròn, móng tay cong xuống, như đầu đũa đánh trống (clubbed fingers).
(2) Có những triệu chứng được quan sát trên hình quang tuyến, chụp hình phổi hay CT scan (cắt lát kỹ thuật số). Ví dụ bác sĩ quang tuyến có thể thấy những vết "nám": "đặc" (consolidation) hay “như mặt kính mờ đục” (ground glass appearance), thường cả hai bên phổi, nằm ngoại biên phổi (bilateral, peripheral lesions). (Trường hợp bệnh nhân ở đây, chỉ một vùng phổi dưới xương đòn gánh bị bệnh, chúng ta không thể bàn riêng trường hợp này được)
(3) Cơ năng phổi (ví dụ: đo lượng không khí lúc thở ra thở vào, lúc thở hết sức mạnh (spirometry), đo áp suất Oxy trong máu (oximetry)
(4) Sinh thiết (thử thịt, biopsy) cho thấy hiện tượng viêm và xơ trong mô bao quanh các phế nang. (có thể lấy mẫu tế bào trong phổi bằng cách soi cuống phổi và "rửa" cuống phổi [lavage] hay giải phẫu mở lồng ngực lấy mẫu mô ra thử)
- Những nguyên nhân gây bệnh:
Các chất độc, ô nhiễm không khí;
- Bụi silica: Một số thợ dùng cát phun mạnh vào các thân tàu để lột lớp sơn cũ, hay để mài nhẵn các dụng cụ, nữ trang..; những người đục đá, mài đá, kỹ nghệ xi măng, gạch, dễ bị tác dụng của silica dạng tinh thể (crystalline silica) trên phổi của mình, gọi là bệnh silicosis.
- Asbestos (tiếng Pháp amiante, dùng trong công nghệ, nhà máy, kỹ nghệ xây cất; Việt : amiăng). Được dùng nhiều cho đến khoảng thập kỷ 1970's (ở Mỹ, sau đó bị giới hạn lại), nhất là trong các vách cản nhiệt (nhà máy, tàu bè); người ta ước tính ở Mỹ mỗi năm vẫn còn cả 10.000 người chết vì những bệnh như ung thư, xơ mô kẽ phổi liên hệ tới asbestos.
- Phân chim (bird droppings): thuộc loại viêm kẽ phổi do "nhạy cảm quá độ" (hypersensitivity pneumonitis), phổi người nuôi chim phản ứng với các chất kháng nguyên (allergen) trong phân gà, ngỗng, chim két.
- Bụi các kho lúa, mễ cốc. Những nghề nông nghiệp như xay lúa, trồng nho ((nấm mọc trên trái nho), tiếp xúc với chất rơm rạ (mulch) đều có thể bị hypersensitivity pneumonitis.
- Bồn nước nóng trong nhà (indoor hot tubs): phổi phản ứng với antigen trong vi trùng nhiễm nước bồn tắm.
Trị liệu bằng quang tuyến (ví dụ bệnh nhân ung thư vú có thể có những vùng viêm phổi kẽ ở chỗ chiếu quang tuyến), hoá trị liệu.
Nói một cách dễ hiểu, do nhiều lý do khác nhau, mô thẹo (sẹo) (scar tissue) dần dần thay thế mô kẽ, làm các phế nang khó giãn nở như bình thường, giảm cơ năng phổi, gây ho và khó thở.
- Chữa trị:
Bệnh viêm kẽ ở phổi thường không đảo ngược được. Thuốc corticoid có thể được dùng để ngăn chặn cơ chế viêm hoặc làm chậm lại nhưng có thể không hữu hiệu lắm, và nhất là không thể có kết quả nhanh chóng được. Corticoid như prednisone lúc đầu dùng liều cao, bệnh nhân giảm triệu chứng thì giảm liều từ từ cho đến khi bớt hẳn. Tuy nhiên, khó thay đổi tiến trình của căn bệnh (progression of the disease).
Người bệnh dễ mắc những bệnh nhiễm trùng như lao, nhưng bệnh viêm phổi kẽ không phải là bệnh truyền nhiễm. Những biện pháp phòng ngừa như tránh các chất kháng nguyên, thay đổi môi trường làm việc, mang các máy thở lọc không khí (respirator; che kín mũi miệng và gồm những cartridge lọc không khí, không phải khẩu trang thường), cải thiện thoáng khí nơi làm việc có thể có ích nhưng lắm khi khó áp dụng.
Tóm lại, câu hỏi của vị thính giả đặt ra cho chúng ta cơ hội để tìm hiểu và học hỏi về một bệnh quan trọng liên hệ nhiều đến các yếu tố về môi sinh, nhất là về ô nhiễm kỹ nghệ cũng như bàn về những cơ nguy nghề nghiệp có thể xảy ra trong nông nghiệp cũng như công nghệ. Có lẽ bệnh nhân nên trở lại bác sĩ của mình để bác sĩ theo dõi tiếp, khám sát thêm, điều chỉnh liều thuốc nếu cần, và để có dịp cho bác sĩ trả lời những thắc mắc có thể có.
Những biện pháp khác:
- Bỏ hút thuốc lá nếu bệnh nhân hút thuốc là biện pháp quan trọng nhất đối với việc bảo vệ sức khoẻ. Nên tránh những nơi có hút thuốc lá do người khác hút, có nhiều khói xe, ô nhiễm không khí.
- Bệnh nhân có thể vì mệt, hay vì thiếu phương tiện, không muốn ăn và uống đầy đủ và thiếu những thực phẩm tươi như rau cải, trái cây. Nên duyệt với bác sĩ hay chuyên viên dinh dưỡng xem mình cần uống thêm các thuốc bổ như vitamin, dầu cá ("Fish oil" chứa omega 3 fatty acid hay không).
- Chích ngừa bệnh cúm (inluenza), bệnh viêm màng óc, bệnh viêm phế cầu trùng (pneumococcal vaccine như Pneumovax (PPVS23), Prevnar 13) nếu bác sĩ thấy cần.
- Cần cơ hội liên lạc với bác sĩ, điều dưỡng, người trong gia đình hay bạn bè để giải quyết những lo âu và chia sẻ ưu tư của người bệnh.
Xin nhắc lại, đây là thông tin chung cho bệnh interstitial pneumonitis. Bệnh nhân cần hỏi riêng bác sĩ của mình, không thể tự định và chữa bệnh được.
Tham khảo:
1) Mayo Clinic: Interstitial Lung Disease
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/interstitial-lung-disease/basics/causes/con-20024481
2) American Thoracic Society. Interstitial Lung Disease
3) Cơ quan Mỹ về Sức Khoẻ và An Toàn Nghề Nghiệp (OSHA)
https://www.osha.gov/OshDoc/data_General_Facts/crystalline-factsheet.pdf
4) Merck Manuals: Hypersensitivity Pneumonitis
5) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/14512270
Chúc bệnh nhân may mắn,
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
----------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là (202) 205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi bằng điện thư đến địa chỉ Vietnamese@voanews.com.