HRW: Miến Ðiện thanh tẩy sắc tộc Hồi giáo Rohingya

Chính phủ Miến Ðiện bị tố cáo can dự vào chiến dịch thanh tẩy sắc tộc nhắm vào người Hồi giáo Rohingya.

Tổ chức Human Rights Watch cáo buộc chính quyền ở Miến Ðiện về các tội ác chống nhân loại và thanh tẩy sắc tộc trong các vụ bạo động phe phái ở bang Rakhine miền tây. Bản phúc trình mới được đưa ra vào lúc Liên hiệp châu Âu dự trù bãi bỏ các biện pháp chế tài đối với Miến Ðiện. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Tổ chức Human Rights Watch nói chính phủ Miến Ðiện và nhà cầm quyền địa phương tham gia vào một chiến dịch thanh tẩy sắc tộc nhắm vào người Hồi giáo Rohingya.

Trong một bản phúc trình công bố hôm nay tại Bangkok, tổ chức này nói nhà cầm quyền đã tích cực tìm cách dời cư những người Rohingya ở bang Rakhine miền Tây sau những vụ bạo động phe phái giữa người Hồi giáo và những ngưòi theo Phật giáo ở bang Rakhine.

Ông Matthew Smith là một nhà nghiên cứu về Miến Ðiện thuộc tổ chức Human Rights Watch. Ông nói các giới chức và nhân viên an ninh để cho các chính trị gia và các nhà sư cực đoan xúi giục những tin đồn đại chống Hồi giáo ở bang Rakhine, cón gọi là Arakan. Ông nói họ không tiến hành các biện pháp để ngăn chặn đổ máu.

Theo ông Smith không những không can thiệp mà lực lượng an ninh chính phủ và chính quyền còn phá hủy các đền Hồi giáo, ngăn chặn cứu trợ nhân đạo đến với các khối dân Rohingya và nhiều khi còn cùng với người Arakan cưỡng bách dời cư người Hồi giáo. Lực lượng an ninh bố ráp nhà cửa và làng mạc Hồi giáo và có khi còn nổ súng vào dân làng, cướp bóc nhà cửa và cơ sở kinh doanh, vây bắt dân thuộc mọi lứa tuổi, kể cả thanh thiếu niên và trẻ em mới có 8 tuổi.

Bản phúc trình có tựa là “Chỉ biết cầu nguyện,” dựa vào các cuộc phỏng vấn hơn 100 người Hồi giáo Rohingya và Phật tử ở Rakhine, nhiều người là nhân chứng.

Một số vụ việc tệ hại nhất gồm vụ thảm sát 70 người Rohingya vào ngày 23 tháng 10 ở xã Yan Thei. Bất chấp lời cảnh báo trước về một vụ tấn công, nhân viên an ninh đã tước gậy gộc và vũ khí thô sơ của người Rohingya và sau đó không chịu bảo vệ họ chống lại các đám đông Phật giáo. Trong số này có 28 trẻ em bị chém chết, phân nửa số em này chưa đầy 5 tuổi.

Tổng số thương vong trong 2 vòng bạo động hồi tháng 6 và tháng 10 lên tới khoảng 200 người và hơn 100,000 người bị mất hết nhà cửa - đại đa số là người Hồi giáo Rohingya.

Theo các số liệu chính thức, tổng số thương vong trong 2 vòng bạo động hồi tháng 6 và tháng 10 lên tới khoảng 200 người và hơn 100,000 người bị mất hết nhà cửa - đại đa số là người Hồi giáo Rohingya.

Nhưng tổ chức Human Rights Watch cho biết đã phát hiện bằng chứng về ít nhất 4 ngôi mồ tập thể đã được nhân viên an ninh địa phương lập ra hay trông coi, gây ra những quan ngại rằng số tử vong có thể còn cao hơn nữa.

Ông Phil Robertson là phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức có trụ sở ở New York này. Ông nói tổ chức đang đề nghị mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập và yêu cầu chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Ông Robertson nói không có dấu hiệu cho thấy chính quyền điều tra một cách nghiêm túc hay tìm cách buộc tội những kẻ chịu trách nhiệm hoạch định, tổ chức hay tham gia vào các cuộc bạo động. Lực lượng an ninh chính phủ hoặc tham gia hoặc không có biện pháp gì ngăn cảnh bạo lực.

Không tiếp xúc được với một phát ngôn viên của chính phủ Miến Ðiện để ghi nhận phản ứng trước những lời cáo buộc vừa kể, nhưng nhà chức trách vẫn từng phủ nhận việc lực lượng an ninh tham gia vào các vụ tấn công. Các giới chức nói họ bị choáng ngợp vì bạo động của đám đông và đã hạ giảm tầm quan trọng của các vụ tấn công, cho rằng chúng mang tính cách cộng đồng hơn là chống Hồi giáo một chiều.

Bản phúc trình được đưa ra vào lúc Liên hiệp châu Âu họp bàn về việc bãi bỏ các biện pháp chế tài kinh tế nhắm vào Miến Ðiện. EU và các nước khác, kể cả Hoa Kỳ, đã đình chỉ các biện pháp chế tài hồi năm ngoái để tưởng thưởng Miến Ðiện về các cải cách dân chủ.

Ông Robertson nói còn quá sớm để bãi bỏ các biện pháp chế tài vì chưa hội đủ các tiêu chuẩn tiến bộ và việc bãi bỏ sẽ giảm thiểu ản hưởng của EU.

Theo ý của ông Robertson, các nước thành viên EU đang bãi bỏ các biện pháp đã huy động tiến bộ hiện thời về nhân quyền và chấp nhận rủi ro về thiện chí của chính phủ và quân đội Miến Ðiện là họ sẽ giữ lời hứa đi đúng hướng cải cách.

Liên Hiệp Quốc xem người Hồi giáo Rohingya là một trong những sắc dân thiểu số bị ngược đãi nhất trên thế giới.

Người Rohingya không được thừa nhận là công dân ở Miến Ðiện và đưọc Liên Hiệp Quốc xem là một trong các sắc dân thiểu số bị ngược đãi nhất trên thế giới. Hàng ngàn người Rohingya đã bỏ trốn khỏi Miến Ðiện trên những chiếc thuyền gỗ đầy nghẹt người trôi dạt vào Thái Lan, Malaysia và Indonesia, trong khi hàng trăm ngưòi khác bị chết đuối trong khi tìm cách bỏ trốn sau các vụ bạo động năm ngoái.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono sắp đi thăm Miến Ðiện trong tuần này.

Ông Robertson nghĩ rằng tổng thống Indonesia và thủ tướng Malaysia cùng các nước khác đang nhận nhiều người Rohingya đến bằng tàu thuyền, đóng một vai trò quan trọng trong việc giao tiếp với Miến Ðiện và nói với Miến Ðiện rằng đây là điều không thể chấp nhận được, rằng những người này là công dân của Miến Ðiện. Họ phải được coi như thế và việc Miến Ðiện tiếp tục theo đuổi các chính sách khích lệ dân chúng bỏ trốn trên những chiếc thuyền ọp ẹp ra đại dương và đổ bộ lên các nước láng giềng là điều không thể chấp nhận được.

Các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á sẽ họp thượng định tại Brunei trong tuần này nhưng bởi vì họ chỉ hành động trên sự đồng thuận nên theo dự kiến sẽ không thảo luận về vấn đề này.

Ông Robertson nói ASEAN gần như giữ im lặng về vấn đề Rohingya và ông kêu gọi nhóm này xét lại việc liệu Miến Ðiện có còn là một nước chủ trì thích hợp cho các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vào năm 2014 hay không.