Phỏng vấn TS Nguyễn Nhã về bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa

Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Cô Ngọc Giao và ông Joe Ruzicka, Trợ lý lập pháp của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain

Tiến sĩ Nguyễn Nhã là một chuyên gia về lịch sử Biển Đông. Thời còn là Chủ Nhiệm kiêm Chủ bút Tập san Sử Địa tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn trước 1975, Tiến sĩ Nhã đã ấn hành một số “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa”, được đánh giá rộng rãi là một tài liệu có giá trị. Năm 2003, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học “Quá trình Xác lập Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”, luận án này hệ thống hóa nhiều bằng chứng lịch sử minh xác chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc và một số quốc gia khác trong khu vực.

Trong Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách tuần này mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa Tiến sĩ Nguyễn Nhã với Ban Việt Ngữ Đài VOA, nhân dịp ông tới Washington để phổ biến hồ sơ về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa đến các nhà lập pháp và Hội Địa Lý Quốc gia Mỹ (National Geographic).

VOA: Ðược biết Tiến sĩ sang Hoa Kỳ lần này mang theo một tập hồ sơ trong đó có những bằng chứng lịch sử xác minh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa để phổ biến đến các vị dân biểu Mỹ, cũng như đến Hội Địa Lý Quốc gia của Hoa Kỳ. Xin tiến sĩ cho biết nội dung của tập hồ sơ đó?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Thưa cô và thưa thính giả, độc giả, hồ sơ mà tôi mang theo kỳ này gồm có một bức thư mà tôi đem để gửi cho Quốc hội Mỹ và Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic). Còn hồ sơ thì gồm có 3 phần, phần thứ nhất gồm có bản phân tích tình hình chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1960, quân đội Mỹ ở Thái bình dương cũng ghi rất rõ là năm 1816, Hoàng Sa và Trường Sa chính thức sát nhập vào Việt Nam, khoảng thời Vua Gia Long, rồi có những đoạn trích của 37 cuốn sách địa lý hay là du ký của người phương Tây, từ thế kỷ 19 trở về trước, đó là phần thứ nhất. Phần thứ hai là những bài tham luận của tôi ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Phần thứ 3 là toàn văn cái luận án tiến sĩ của tôi. Luận án của chúng tôi nói về quá trình xác lập chủ quyền, qua từ đầu thế kỷ thứ 17, thì đến năm 1816 thì những hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải đã được cử ra Hoàng Sa để khai thác. Một điều nữa là quá trình của Thủy quân triều Nguyễn, đã được lệnh, với sự hỗ trợ của dân binh Hoàng Sa đi xác lập chủ quyền chính thức, tức là cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền.

VOA: Xin Tiến sĩ điểm qua một vài bằng chứng lịch sử cụ thể có thể giúp Việt Nam chứng minh chủ quyền của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa? Và dựa vào đâu chúng ta có thể khẳng định là những bằng chứng ấy rõ ràng không thể tranh cãi?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tôi đưa ra những sử liệu của Việt Nam, của phương Tây và cả của Trung Quốc, cho thấy những bằng chứng rất cụ thể để minh chứng các hoạt động đó. Sau đó, Việt Nam vẫn tiếp tục thực thi chủ quyền của mình, từ đó, từ thời Pháp thuộc cho đến hiện nay. Phải nói là nó có quá nhiều những bằng chứng rất là cụ thể, những sự kiện đã được chính sử cũng như các văn bản của nhà nước nói rất rõ về những hoạt động xác lập chủ quyền đó, trong đó có rất nhiều những năm tháng, niên đại. Đặc biệt hồi năm 1816, nhà Nguyễn đã sai thủy quân đi xác lập chủ quyền và các tài liệu phương Tây thì nói rằng là bắt đầu từ đó thì Vua Gia Long sai người đi cắm cờ, cắm cột mốc chủ quyền Hoàng Sa. Cụ thể hơn nữa, năm 1836, thì rất nhiều những văn bản, châu bản, cũng như các sách sử, sách địa lý của Việt Nam cũng ghi rất rõ là Vua Minh Mạng lúc đó đã xuất đội thủy quân, mỗi một thuyền mang đi 10 cột mốc. Mỗi cột mốc ghi rõ kích thước thế nào, ghi thế nào để cắm mốc chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong toàn văn luận án, chúng tôi đã photo những văn bản một cách cụ thể, hiện nay đang tàng trữ tại các thư viện.

VOA: So sánh với những bằng chứng đó, Trung Quốc đã đưa ra những luận cứ nào. Lập luận của họ có cơ sở dựa trên công pháp quốc tế hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tôi đã đọc tất cả những nghiên cứu của Trung Quốc thì không hề có một cái văn bản của nhà nước, cũng như trong sử sách ghi sự kiện cụ thể như là Việt Nam cả, thì tôi đưa ra tất cả những luận điểm, bằng chứng, bằng cứ để phản bác lại tất cả những gì mà người Trung Quốc cho là thuộc về Trung Quốc từ lâu đời, khi thì nói đời Đường, khi thì đời Minh, thường thì nói là đời Hán. Năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng sa, thì lúc bấy giờ Trung Quốc mới đưa ra luận điểm là Trung Quốc phát hiện sớm nhất, quản hạt sớm nhất, rồi kinh doanh sớm nhất, thế nhưng mà tất cả các luận chứng đưa ra thì không có cơ sở nào cả, mà tất cả đều là ngụy tạo hoặc suy diễn mà thôi.

VOA:
Một số dư luận trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, phần lớn là những người tỵ nạn cộng sản, tỏ ý nghi ngờ chuyến đi của Tiến sĩ sang Mỹ lần này. Họ cho rằng có thể nó có một hậu ý nào đó...Trong một cuộc họp gần đây với cộng đồng, một số người đã chất vấn giáo sư qua đây với tư cách gì, được ai tài trợ...có phải để tuyên truyền cho nhà nước Cộng sản hay không, thì tiện đây, chúng tôi muốn tạo cơ hội để tiến sĩ trả lời những thắc mắc đó?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tôi nghĩ rằng là một người khoa học như chúng tôi thì ai cũng biết rồi, không phải chỉ ngày hôm nay mà là cả nửa đời người đấy, hơn 40 chục năm rồi, khi tôi là chủ biên của Tập san Sử Địa ở Saigon trước đây, đã ra cái số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa số 29 đó, để kỷ niệm một năm ngày thất thủ Hoàng Sa, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Ngay cả thời gian đó, cũng có người can tôi là không nên làm bởi vì làm như vậy mang tính chính trị, nhưng mà tôi nghĩ rằng là với một người nghiên cứu như tôi thì dù có ai nói gì thì cái sự thực mình cứ việc làm theo cái tâm của mình, quan trọng là cái tâm của mình.

VOA: Xin Tiến sĩ cho biết có phải trận hải chiến giữa Trung Quốc với Việt Nam Cộng hòa năm 1974 đã thôi thúc Tiến sĩ đi vào con đường nghiên cứu về vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Ðúng vậy, khi xảy ra cái biến cố Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa thì khi nghe như vậy tôi đã quyết định ngay tại thời điểm đó, khi bàn với ban biên tập, rất nhiều người khuyên tôi, họ nói rằng Tập san Sử Địa rất có uy tín rồi, bây giờ tôi mà làm không ra gì thì mang tiếng, nhưng mà tôi cứ tiếp tục làm thôi. 3 tháng sau thì chúng tôi hoàn thành xong nhưng mà tôi cũng để tới một năm sau mới phát hành, và đã tổ chức một cuộc trưng bày tư liệu minh chứng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa tại Thư viện Quốc gia, được đánh giá là có tầm vóc quốc tế. Khi khai mạc trong tư cách trưởng ban tổ chức, thì phải nói là tôi rất là xúc động, không cầm được nước mắt.

VOA: Vâng, số đặc khảo đó vẫn là một tài liệu quý giá.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tôi biết là năm 1979, khi xảy ra cuộc chiến với Việt Nam, Trung Quốc đã dịch toàn bộ cái tập san đó, hồi đó chính quyền Việt Nam cũng đã sử dụng để viết Sách Trắng, căn cứ vào công trình mà chúng tôi đã nghiên cứu.

VOA: Xin cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã chia sẻ tâm tư với thính giả, độc giả VOA. Xin chúc Tiến sĩ thành công trong việc phổ biến công trình nghiên cứu của mình về Hoàng Sa và Trường Sa.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Xin cám ơn, tôi mong rằng nghiên cứu của tôi được phổ biến rộng rãi và tôi cũng mong rằng sự thực lịch sử của một nhà nghiên cứu như tôi được quan tâm tới, và xử lý thế nào cho đúng sự thực đó thì trật tự thế giới, hòa bình thế giới mới vững bền được.

Chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, mời quý vị đón nghe chương trình này, được phát thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy mỗi tuần. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin mới nhất, xem phóng sự video, bình luận và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý thính giả, độc giả và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

http://www.youtube.com/embed/W2mUNN4HqBk