Trong những năm trước, các nước Bắc Âu đứng đầu với tỷ lệ gần 42% phụ nữ tại cơ quan làm luật. Các nước A-rập đứng cuối bảng sắp hạng; nhưng dù sao cũng có tiến bộ vì năm 1995 chỉ có 4,3% nhưng năm ngoái có 11,7%.
Tại châu Mỹ, Costa Rica đứng đầu vì có gần 39%, so với Hoa Kỳ chỉ có độ 17%.
Các nước châu Âu và châu Á có hơi thụt lùi trong khi các nước miền Nam châu Phi không mấy thay đổi.
Ông Anders Johnson, Tổng thư ký của Inter-Parliamentary Union, IPU, tổ chức thực hiện cuộc khảo sát nói rằng muốn thay đổi tỷ lệ này, cách hay nhất là áp dụng mức quota:
“Nếu có nhiều phụ nữ trong Quốc hội thì họ sẽ gây được ảnh hưởng nhiều hơn, phục vụ quyền lợi phụ nữ được nhiều hơn. Đó là lý do tại sao Liên Hiệp Quốc và IPU đang cố đặt mức quota vào khoảng 30%. Ngày càng có nhiều nước đạt mức đó.”
Cuộc khảo sát còn cho thấy nữ chính trị gia cũng ít được báo chí nhắc đến bằng phái nam, và khi tường thuật phụ nữ, báo chí thường nhấn mạnh các bà ăn mặc như thế nào, chưng diện ra sao, thay vì nói về lập trường chính trị.
Ông Johnson tin tưởng sẽ có nhiều bộ luật tốt hơn khi có nhiều phụ nữ vào Quốc hội vì phụ nữ có những đặc điểm mà phái nam không có, nhất là phụ nữ rất nhạy cảm trong các đề tài xã hội:
“Các luật mà Quốc hội phê chuẩn sẽ phù hợp với những nhu cầu xã hội hơn. Tại một số nước ta đã thấy một số luật giải quyết một số vấn đề đặc biệt của phụ nữ, ví dụ như bạo hành trong gia đình, quy định về chuyện cắt bỏ một phần trong bộ phận sinh dục của phụ nữ“
Vẫn theo lời ông Johnson, tổ chức IPU của ông đang theo dõi sát tình hình ờ Ai Cập và Tunisia, vì chưa thấy nhiều khuôn mặt phụ nữ xuất hiện tại hai cuộc nổi dậy này; nhất là tại Ai Cập chưa có phụ nữ nào trong ủy ban soạn Hiến pháp mới.
IPU định làm việc với Ai Cập và Tunisia để làm thế nào có bình đẳng giới tính, và có nhiều phụ nữ trong Quốc hội.
Một cuộc khảo sát nhân Ngày Phụ Nữ Quốc Tế cho thấy phụ nữ trên thế giới đạt một số thắng lợi về chính trị nhưng con số phụ nữ trong các quốc hội vẫn còn thấp. Năm 2005, phụ nữ chiếm 16,3% ghế Quốc hội; năm 2010 có 19%.