Janet Yellen, bộ trưởng tài chánh Mỹ, có một lợi thế là khi bà nói gì người ta tin rằng bà nói thật. Trong việc ngoại giao, có người nghĩ tính thành thật là một nhược điểm. Nhưng nói thật cũng là cho người nghe biết rằng: Tôi không đe dọa, không dụ dỗ, tôi không lảng tránh, tôi tin điều tôi nói là đúng sự thật dù anh mất lòng hay vừa lòng. Đó cũng là một ưu điểm.
Trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi, một câu tuyên bố của bà Yellen khiến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh rất hài lòng. Bà nói rằng: Hai cường quốc kinh tế số một và số hai trên thế giới không thể nào cắt đứt việc giao thương. Nếu muốn đe dọa thì người ta sẽ nói: Chúng tôi sẵn sàng ngưng mua bán với các ông! Ngay lập tức! Trên thế giới không thiếu gì các nước muốn mua, bán với Mỹ! Nói hùng hổ như vậy cũng đúng, nhưng đã bỏ qua không nghĩ tới hậu quả là một vụ đoạn tuyệt kinh tế sẽ rất tốn kém, dân chúng hai nước sẽ chịu thiệt thòi.
Năm ngoái, Janet Yellen cũng nói thật như vậy khi gặp phó thủ tướng Cộng sản Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng, 何立峰), trước khi ông Joe Biden gặp Tập Cận Bình tại San Francisco. Bà để mở “lá bài tẩy,” nói ngay rằng nước Mỹ không muốn cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Nhưng tháng Tư năm nay, bà Yellen cũng làm cho Cộng sản Trung Quốc nổi giận khi phản đối chính sách ưu đãi và trợ cấp cho “công nghiệp xanh.” Đó là các công ty sản xuất pin điện dùng lithium, xe ô tô chạy điện, khung “điện mặt trời” gắn trên mái nhà. Trung Cộng sản xuất nhiều quá, bán tống bán tháo với giá rẻ để tràn ngập thế giới, giết chết công nghiệp các nước khác!
Bà Yellen nhắc lại kinh nghiệm mươi năm trước, khi Trung Quốc bán tháo thép khắp thế giới với giá rẻ, nhiều công ty nước khác phải đóng cửa, các công nhân mất việc làm. Hồi đó là thép, bây giờ có thể là ô tô chạy điện. Bà nói thẳng: “Chúng tôi không thể chấp nhận nữa.”
Không riêng nước Mỹ mà khối Liên hiệp Âu châu (EU) cũng cảnh cáo chính sách sản xuất thặng dư để tràn ngập thế giới. Guồng máy điều hành EU tại Brusseles đã mở cuộc điều tra về việc trợ cấp hai công ty chế tạo các bàn sản xuất điện mặt trời của Trung Quốc. Các nước Mexico và Brazil cũng đang phản đối Trung Quốc về vấn đề này.
Trên nguyên tắc, kinh tế tư bản mạnh nhờ cạnh tranh tự do. Khi chính phủ trợ cấp cho một xí nghiệp hay một ngành công nghiệp thì cuộc cạnh tranh không còn tự do nữa. Trong thực tế, chính phủ Mỹ cũng đang khuyến khích các công ty trong ngành “công nghiệp xanh” qua đạo luật IRA (Inflation Reduction Act) nhưng mục tiêu là cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước Mỹ chứ không nhắm để xuất cảng; và số tiền trợ cấp rất nhỏ so với Bắc Kinh.
Một điều các nhà ngoại giao thường làm là nhắc nhở những gì nước mình đã “làm ơn” cho các quốc gia khác, và những gì mình đã vì họ mà chịu thiệt hại. Ít nhất, để chứng tỏ hai bên không nhất thiết là thù địch mãi mãi. Trong chuyến đi Trung Quốc đầu tháng Tư vừa rồi, Janet Yellen nhắc lại năm 2001 chính phủ Mỹ đã mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO (World Trade Organization). Kể từ năm đó, hai triệu công việc làm trong các ngành chế tạo ở nước Mỹ đã biến mất! Hai triệu người Mỹ mất việc, bị các công nhân Trung Quốc thay thế vì họ nhận đồng lương thấp hơn. Đó là một sự thật cần nhắc nhở Cộng sản Trung Quốc, mặc dù chính công nhân Mỹ không muốn làm những công việc đó nữa, và hàng chục triệu người đã tìm việc làm mới, chế tạo hay dịch vụ, với đồng lương cao hơn.
Lối nói năng thẳng thắn và nói sự thật của Janet Yellen đã gây được cảm tình với dư luận dân Trung Hoa. Năm ngoái, bà tới Bắc Kinh sau ngoại trưởng Antony Blinken, mọi người thấy ngay hai hình ảnh khác biệt; một lạnh lùng, tính toán; một thân mật, đầm ấm. Năm nay, khi tiếp đón bà ở Đại sảnh Nhân Dân, thủ tướng Trung Cộng Lý Cường công nhận chuyến đi của bà “được tất cả mọi người chú ý,” giới truyền thông theo dõi, tường thuật rất nhiều.
Các báo, đài Trung Quốc đặc biệt theo dõi và kể lại những lần bà Yellen thưởng thức các món ăn Trung Hoa, các lãnh tụ Cộng sản cũng phải chú ý! Bà đã thưởng thức Vịt Bắc Kinh với ông thị trưởng Ân Dũng (Yin Yong, 殷勇), và đến thăm nhà làm rượu bia Kinh A, do Alex Acker, một người Mỹ cùng một người Trung Hoa thành lập năm 2012. Bà uống thử hớp bia làm bằng hu blông, hops, nhập cảng từ Mỹ. Báo, đài loan tin lời bà khen bia ngon nhiều không khác gì các lời phàn nàn về chính sách kinh tế của nhà nước cộng sản!
Các mạng xã hội Trung Quốc đã chiếu đoạn phim video chụp cảnh bà Yellen đi ăn với Đai sứ Nicholas Burns, ngay buổi tối đầu tiên, tại quán Đào Đào Cư (陶陶居), một tiệm ăn nổi tiếng ở Quảng Châu, thành lập từ năm 1880. Ngày hôm sau, trên mạng Weibo, nhiều người khen bà cầm đũa rất khéo! Khi gặp vị viện trưởng Đại học Bắc Kinh, ông cũng nhắc đến các bản tin bà đến Trung Quốc, bà nói ngay: “Họ coi cách tôi cầm đũa.”
Trong quán ăn Đào Đào Cư có nhiều phòng riêng được ngăn cách kín đáo cho các thực khách quan trọng, nhưng Yellen chọn ngồi trong căn phòng lớn chung với mọi người. Bà cũng không phải là người lúc nào cũng “kén ăn.” Năm ngoái, khi tới phi trường San Francisco đón Tập Cận Bình bay tới dự cuộc họp thượng đỉnh với Joe Biden, bà cũng vội vàng ghé trước vào quán In-N-Out ăn cho lẹ. Cảnh tượng này cũng được đưa lên các mạng xã hội.
Trong chuyến đi Trung Quốc đầu tiên của Yellen, các báo đài đua nhau loan tin bà Yellen có thể bị trúng độc sau khi ăn một món nấm ở quán Nhất Tọa Nhất Vong (Yi Zuo Yi Wang, 一坐一忘) ở Vân Nam. Nếu nấu không đúng phương pháp cổ truyền, nhiều người ăn thứ nấm này rồi có thể sinh ảo giác. Bà thú nhận, “Món nấm ăn ngon tuyệt! Tôi không biết rằng nó có thể gây ảo giác, ăn xong mới nghe nói!
Nếu bà Yellen làm bộ trưởng ngoại giao thì bà sẽ nói chuyện với giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc dễ dàng hơn ông Antony Blinken! Thực ra, khi được ông Biden mời làm vị bộ trưởng tài chánh thứ 78 của nước Mỹ, bà đã không muốn nhận. Gia đình bà đã thuyết phục bà đổi ý; trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.
Janet Yellen còn là phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch Quỹ Dực Trữ Liên Bang (Fed), là Ngân Hàng Trung Ương của nước Mỹ, cũng là phụ nữ đầu tiên chủ tọa Hội đồng Cố vấn Kinh tế chính phủ Mỹ (CEA). Từ khi tham dự hội đồng lãnh đạo Fed, từ năm 2004, cho đến nay, bà là người đóng vai trò cố vấn kinh tế cho các chính phủ Mỹ lâu nhất, chỉ thua ông Alan Greenspan. Ông chồng bà, George Akerlof, giải Nobel năm 2001, là người đặt nền tảng cho các phân tích về thông tin bất cân xứng (asymmetric information) trong kinh tế học với một bài viết từ năm 1970 về thị trường xe hơi cũ, “The Market for Lemons.”
Bà Yellen cảnh cáo về các món trợ cấp “công nghiệp xanh” là tín hiệu cho thấy chính phủ Mỹ sẽ trả đũa. Tân Hoa Xã của Bắc Kinh mới nhắc nhở rằng xe chạy điện và phụ tùng xuất cảng sang Mỹ đã bị đánh thuế rất nặng, từ thời Tổng thống Trump. Họ chỉ không nói thêm rằng các công ty Trung Quốc đã tránh được các món thuế đó khi mở các cơ xưởng lắp ráp xe ở nước khác, được coi là từ Việt Nam hoặc Mexico bán qua Mỹ. Sang năm, dù ông Donald Trump hay Joe Biden làm tổng thống, Mỹ cũng sẽ tăng thuế trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Họ không thể than trách rằng Janet Yellen không báo trước!