Nhật Bản đề cao cảnh giác trước vụ phóng hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên

  • Miguel Quintana

Tên lửa đất đối không Patriot-3 (PAC-3) ​​được triển khai tại Bộ Quốc phòng ở Tokyo, ngày 7/4/2012. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã bố trí nhiều bộ nghênh cản phi đạn ở quận Okinawa vùng cực nam, sẵn sàng bắn bất kỳ mảnh hỏa tiễn nào có thể rơi xuống lãnh

Giới hữu trách Nhật Bản bày tỏ sự quan ngại trong khi các nước ở châu Á chờ vụ phóng hỏa tiễn theo hoạch định của Bắc Triều Tiên. Vào lúc ngày đầu trong khung thời gian 5 ngày qua đi mà không xảy ra sự kiện nào, Thủ tướng Nhật Bản nhắc lại lời kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ các kế hoạch phóng một vệ tinh vào quỹ đạo. Từ Tokyo, thông tín viên VOA Miguel Quintana gửi về bài tường thuật sau đây.
  • Hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên

  • Bắc Triều Tiên bắt đầu các nỗ lực nghiên cứu hạt nhân vào thập niên 1960, khi nhận được một lò phản ứng cỡ nhỏ của Liên bang Xô Viết cũ, và bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân vào thập niên 1980.


  • Sau đây là trình tự theo thời gian về các diễn biến đáng kể nhất trong lịch sử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.


  • 1985: Tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân (NPT) sau khi phát hiện một lò phản ứng tái chế biến hạt nhân ở Yongbyon.


  • 1994: Ký Khung Thỏa thuận với Hoa Kỳ, theo đó đồng ý ngưng chương trình hạt nhân và nhận các nhà máy năng lượng hạt nhân nước nhẹ.


  • 2002: Tái khởi động các sinh hoạt tại Yongbyon và trục xuất các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA sau khi bị đối đầu về một chương trình bí mật tinh chế uranium.


  • 2003: Cùng với 5 nước khác ở Bắc Kinh tham dự 3 vòng đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của họ.


  • 2005: Ký một thông cáo chung tái khẳng định Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa và đồng ý từ bỏ mọi chương trình hạt nhân hiện hữu.


  • 2006: Loan báo thử nghiệm thành công một thiết bị nổ hạt nhân.


  • 2007: Đóng cửa cơ sở hạt nhân ở Yonbyon và cho phép thanh sát viên IAEA trở lại.


  • 2009: Phóng phi đạn tầm xa qua không phận Biển Nhật Bản, bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khuyến cáo.


  • 2009: Rút ra khỏi các cuộc Đàm phán 6 bên và vài tuần sau loan báo thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ nhì.


  • 2012: Đồng ý với lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân và đình chỉ hoạt động tinh chế uranium ở Yongbyon, và ngưng phóng các phi đạn tầm xa.


  • 2012: Loan báo kế hoạch phóng một vệ tinh thời tiết trong một hành động bị giới chỉ trích coi là một cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố Nhật Bản đang theo dõi tình hình trong sự hợp tác chặt chẽ với các nước khác. Ông nói Nhật Bản sẽ đáp lại một cách mà ông gọi là “bình tĩnh và thích đáng.”

Thủ tướng Nhật Bản nói việc Bắc Triều Tiên thực hiện vụ phóng là một hành động khiêu khích và một mối đe dọa nghiêm trọng, không những cho Nhật Bản, mà cho cả nền hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông nói sẽ tiếp tục hối thúc miền Bắc kiềm chế, không xúc tiến vụ phóng này.

Giới hữu trách ở Tokyo coi vụ phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên như một mưu toan lần thứ 3 thử nghiệm một phi đạn đạn đạo liên lục địa, tiếp theo các vụ phóng tương tự vào những năm 2006 và 2009.

Phú tá bộ trưởng ngoại giao Noriyuki Shikata mô tả các mối quan ngại của Nhật Bản về kế hoạch này.

Ông Noriyuki nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, việc Bắc Triều Tiên phóng một phi đạn vi phạm các nghị quyết hiện hành của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, và hành động này sẽ đưa tới việc gây phương hại cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã tìm cách kêu gọi Bắc Triều Tiên đi đến quyết định chớ nên làm như thế.”

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã bố trí nhiều bộ nghênh cản phi đạn ở quận Okinawa vùng cực nam, sẵn sàng bắn bất kỳ mảnh hỏa tiễn nào có thể rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Ông Shikata nói việc này được tiến hành như một biện pháp đề phòng.

Ông Noriyuki nói tiếp: “Chúng tôi đã thông tin cho dân chúng rằng trong tình huống bình thường, chúng tôi không trông đợi các thiệt hại xảy ra tại Nhật Bản, nếu phi đạn được phóng đi theo như lời loan báo.”

Ông Shikata nói có một lý do khác nữa để tiếp tục theo dõi sát tình hình.

Tiếp theo những vụ phóng phi đạn tầm xa vào năm 2006 và 2009 là những vụ thử nghiệm hạt nhân dưới đất lần đầu tiên của Bắc Triều Tiên. Có những mối quan ngại rằng Bình Nhưỡng lại một lần nữa tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân sau vụ phóng vệ tinh.



http://www.youtube.com/embed/x1htsOIbdBA