Ngay sau khi Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un dang tay ôm Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông đến sân bay Bình Nhưỡng hôm 19/6, hai nhà lãnh đạo chia sẻ “những tâm tư dồn nén sâu kín nhất” và đồng ý phát triển quan hệ hai nước, truyền thông nhà nước Triều Tiên loan tin.
Ông Putin đáp máy bay xuống lúc rạng sáng và đang có chuyến thăm đầu tiên tới thủ đô của Triều Tiên sau 24 năm, một chuyến thăm có thể sẽ định hình lại mối quan hệ Nga-Triều trong nhiều thập kỷ vào thời điểm cả hai nước đều phải đối mặt với sự cô lập quốc tế.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA nói rằng quan hệ đối tác giữa hai nước là “động cơ thúc đẩy việc xây dựng một thế giới đa cực mới” và chuyến thăm của ông Putin thể hiện sự bất khả chiến bại cũng như sự bền vững của tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước.
Nga đã tận dụng mối quan hệ nồng ấm hơn với Triều Tiên để làm Washington tức tối, trong khi Triều Tiên - vốn bị bị trừng phạt nặng nề - đã giành được sự ủng hộ chính trị và những lời hứa hỗ trợ kinh tế và thương mại từ Moscow.
Hoa Kỳ và các đồng minh nói rằng họ lo ngại Nga có thể cung cấp viện trợ cho các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, vốn bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời cáo buộc Bình Nhưỡng cung cấp tên lửa đạn đạo và đạn pháo mà Nga sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Moscow và Bình Nhưỡng phủ nhận việc chuyển giao vũ khí này.
Ông Kim chào ông Putin, bắt tay, ôm và nói chuyện bên cạnh chuyên cơ của nhà lãnh đạo Nga. Sau đó, hai ông đi trên cùng một chiếc xe limousine đến nhà khách chính phủ Kumsusan.
“Đi qua những con phố rực rỡ ánh đèn ở Bình Nhưỡng vào ban đêm, hai nhà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi những tâm tư bị dồn nén sâu kín nhất và mở mang tâm trí để phát triển mối quan hệ Triều Tiên-Nga một cách chắc chắn hơn”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tường thuật.
Chương trình nghị sự hôm 19/6 bao gồm các cuộc thảo luận trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, cũng như một buổi hòa nhạc, tiệc chiêu đãi, duyệt đội danh dự, ký kết văn bản và tuyên bố với giới truyền thông, hãng tin Interfax của Nga dẫn lời ông Yury Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin, cho biết.
Trong một tín hiệu cho thấy Nga, thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đang đánh giá lại toàn bộ cách tiếp cận của mình với Triều Tiên, ông Putin đã ca ngợi Bình Nhưỡng trước khi ông đến vì đã chống lại điều mà ông gọi là áp lực kinh tế, hành xử kiểu tống tiền và đe dọa của Mỹ.
Trong một bài báo đăng trên trang nhất tờ báo của đảng cầm quyền Triều Tiên, ông hứa sẽ “phát triển các cơ chế thay thế về thương mại và giải quyết giao dịch chung mà phương Tây không kiểm soát được” và “xây dựng một kiến trúc an ninh bình đẳng và không thể chia rẽ ở Á-Âu”.
Bài báo của ông Putin ngụ ý rằng có cơ hội phát triển kinh tế của Triều Tiên trong khối kinh tế chống phương Tây do Nga dẫn đầu, đây là một thông điệp có thể hấp dẫn ông Kim Jong Un, bà Rachel Minyoung Lee, nhà phân tích của chương trình 38 North ở thủ đô Washington, nhận định.
“Nếu Bình Nhưỡng coi Nga là một đối tác lâu dài khả thi để cải thiện nền kinh tế của mình - điều này có vẻ phi lý đối với một số người - thì họ thậm chí càng có ít động lực hơn để cố gắng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ”, bà Lee viết.
Ông Putin cũng ra một sắc lệnh tổng thống trước chuyến thăm nói rằng Moscow đang tìm cách ký một “hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện” với Triều Tiên. Ông Ushakov cho biết sắc lệnh đó sẽ bao gồm các vấn đề an ninh.
Ông Ushakov nói biết thỏa thuận này sẽ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác nhưng sẽ “vạch ra những triển vọng hợp tác hơn nữa”.