Khói thuốc

  • Nguyễn Hoàng

Khói thuốc

Ở phòng họp, mấy đồng nghiệp của tôi đang bàn tán về sự vắng mặt của Ký, Sum, và Tích. Sum phụ trách môn Sử Địa, người mập mạp tròn trịa, vui nhộn. Khi nghe có tiếng cười ở đâu biết là có Sum ở đó. Tích dạy Pháp văn, vừa mới đổi về trường được năm nay. Ký, tác giả nhiều bài thơ tôi từng được đọc khi còn trung học, hiện dạy Việt văn. Anh là tay nhậu đóng đô thường trực ở Chợ Đủi. Chợ Đủi? Những buổi chiều ngồi với Ký, Lộc và Nghĩa, với những thùng bia dưới chân chắc rồi đây sẽ không bao giờ còn nữa. Ký đóng Đại Úy, còn Sum và Tích mang cấp Trung Úy. Cả ba đều bị gọi đi học tập cải tạo. Ở góc phòng, cô giáo Sâm, người luôn luôn có cặp kiếng đen trên khuôn mặt lạnh lùng đang nói chuyện với cô Thiên Hương về việc mua nhu yếu phẩm. Tôi đã bắt đầu quen nhìn cái cảnh chiều chiều ra sân sau, các thầy các cô chia nhau mấy con cá, con tôm, bó rau muống. Gần đó là Duy, một trong những thầy giáo dạy toán giỏi nhất cấp Trung học Saigon, cựu giám học nhà trường, trước Bảy Lăm bị tù vì tội tiết lộ đề thi Tú Tài, nay vừa trở về trường cũ, đang ngồi chụm đầu nói chuyện với Trần Nguyên, người nằm vùng và Vũ Anh Tuấn, người tập kết từ miền Bắc mới về. Y luôn miệng nói giáo viên ngoài Bắc nghỉ giữa giờ chỉ ăn cam chứ không thèm uống nước trà. Và học sinh miền Bắc luôn đứng đầu trong các kỳ thi toán quốc tế.

Tôi kéo ghế ngồi xuống cạnh Minh và Danh. Minh là Hiệu trưởng cuối cùng của ngôi trường này trước khi Saigon thất thủ. Anh có dáng người hơi thấp nhưng da thịt đen nâu chắc nịch. Danh, dạy Đức ngữ của Trung Tâm Văn Hóa Đức, đồng thời cũng phụ trách một số giờ Triết của trường. Danh đang là đề tài tranh luận tại các trường học sau ngày Ba Mươi. Mới tuần trước, nhà trường tổ chức buổi họp bất thường. An ninh chặt chẽ. Cổng trước, cổng sau, công an bộ đội đóng chặt không kẽ hở. Khách đến thăm được giới thiệu là một Ủy viên Bộ Chính Trị, nhưng khi vào phòng họp người ta biết là ông Tổng Bí Thư đảng. Sau phần nói chuyện về cái gọi là tình thương và thù hận trong việc giáo dục học đường, ông ta mời mọi người phát biểu.

Chính trong lúc không ai chờ đợi, Danh đưa tay xin nói. Lê Hiên ngó Danh. Tôi thấy y có cái nhìn đầy lo ngại. Y đã chuẩn bị cho Nguyên sẽ là người phát biểu đầu tiên và sau đó là Vạn, một giáo sư “ngụy” nhưng “giác ngộ sớm”. Nhưng thật là bất ngờ, Danh đã đứng dậy:

“Từ hồi giải phóng tới giờ, đây là lần đầu tiên, tôi được gặp một người Cộng Sản thứ thiệt…”

Cả phòng “ồ” lên. Minh lo lắng nhìn tôi. Tôi lo sợ nhìn Danh. Hiên ngồi yên cắn ngón tay trỏ, ngó lên bàn chủ tọa. Danh vẫn tự nhiên như không. Anh nói “cho tôi xin được phép phát biểu hai điều”. Trước hết anh nhắc đến quan niệm giáo dục của nhà triết học Đức Emmanuel Kant. Anh nói giáo dục trước hết là tình thương, nếu không có tình thương người ta không thể đào tạo được con người tốt cho xã hội. Tình thương không phải chỉ là vũ khí chinh phục một tâm hồn, nó còn là điều kiện thiết yếu để xây dựng một tâm hồn. Thứ hai, Danh tiếp, một số bạn bè tôi hiện đang nằm trong các trại học tập cải tạo cùng với các sĩ quan, công chức chế độ cũ. “Tôi nghĩ đó là một việc làm vô ích. Tôi không tin rằng công việc cải tạo này đem lại kết quả. Bởi vì nó thiếu tình thương, thiếu cái hòa hợp hòa giải dân tộc.” Tôi nhớ in hình như lúc đó người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam nói rằng: Ông là người mác xít và người duy vật mác xít không chia sẻ được lập trường duy tâm của Kant là một lẽ đương nhiên. “Còn những người bạn của đồng chí”, ông ta gọi Danh là đồng chí. Tôi không hiểu tại sao, “ai bảo đảm rằng họ không phải là CIA? Tôi có một người cháu đeo lon Đại úy Ngụy và hiện nó đang học tập ở Phan Thiết. Tôi cho rằng đó là một biện pháp cần thiết của chế độ khi lấy được chính quyền trong tay.”

Sau vụ này, người hiệu trưởng mới không nói gì với Danh. Lê Hiên lúc nào cũng vẫn là người thâm trầm, kín đáo.

“Có gì lạ không ông?” Tôi hỏi Danh.

“Sao không? Ông không biết à? Bây giờ tôi phụ trách việc sửa tất cả bàn ghế hư của nhà trường.”

“Sao? Ông làm thợ mộc?”

“Tại sao không chớ! Không chừng sắp đến lượt ông mà ông không hay!”

Minh rót trà vào ly, uống một ngụm, ngó ra sân. Anh nói nhỏ:

“Tôi nghĩ là mấy ông ít nói đi thì hay hơn.”

Tôi ngó ra cửa lớn nối liền hành lang với phòng hành chánh. Lê Hiên đang bước rất chậm về phía bàn nước. Y khẽ gật đầu chào chúng tôi, xong từ tốn kéo ghế ngồi xuống. Nhấc điếu thuốc ra khỏi môi, đặt lên cái gạt tàn, Hiên rót nước trà, uống chậm rãi. Tôi chờ Hiên nói, sau cùng đốt gần tàn điếu thuốc, Hiên mở lời:

“Tôi muốn gặp anh Thăng có chút việc riêng. Anh có rảnh không?”

Tôi nhìn Minh và Danh. Không ai nói gì.

Tôi gật đầu.

“Xin lỗi hai anh.” Hiên đứng dậy. Tôi bước theo.

Tới trước cửa phòng giáo sư, Hiên đi chậm lại chờ tôi cùng bước song song.

“Ông bà Phan liên hệ thế nào với anh?”

“Ông bà Phan?” Tôi giật mình.

“Phải, ông Phan. Lâu nay anh có được tin tức gì của ổng không?”

“Không. Tại sao tự nhiên anh hỏi chuyện ông Phan?”

“Anh Thăng nên nhớ là không có việc gì trên đời này mà cách mạng không biết. Anh là người có cuộc sống như thế nào trước khi cách mạng về, chúng tôi đã rõ. Hôm qua tôi có được gặp đồng chí Mười Tân.”

Hiên nhắc ông Mười Tân làm tôi nhớ câu nói của Quân hôm đến nhà tôi. “Anh Mười Tân là con ông bác tao. Ảnh làm lớn lắm. Tao làm việc cho ảnh từ hồi Hòa đàm Paris tới giờ. Sao? Mày thấy tao có giống cán bộ không?”

“Tại sao hồi đó anh ở trong nhà ông Phan?” Lê Hiên hỏi tiếp. “Đâu có phải ai cũng vào nhà ông Phan ở được phải không?”

“Nếu anh muốn biết chuyện ông Phan thì đó là một câu chuyện dài.”

“Không. Biết thì cách mạng đã biết hết rồi. Nhưng vấn đề ở đây là tôi muốn anh thành khẩn kể ra.”

“Anh muốn tôi kể ra hay viết ra?”

“Theo tôi, anh nên viết thì tốt hơn.”

Tôi nhìn kỹ Hiên. Y có gương mặt xanh mướt, hai gò má nhô xương, đôi mắt thỉnh thoảng nhấp nháy như người sợ ánh sáng, hai cánh tay dài lòng thòng. Cách phát âm từng chữ từng tiếng chậm rãi nhẹ nhàng của Hiên làm tôi sợ.

“Còn một điều nữa, tôi muốn nói với anh.”

Hiên nhìn thẳng vào mắt tôi. “Tôi biết anh đang gặp khó khăn về việc đứng lớp. Xin anh cứ nói thẳng để tôi tìm cách giải quyết.”

Tôi không ngạc nhiên gì về điều Hiên nói. Anh ta phải biết điều đó thôi.

“Cảm ơn anh. Tôi muốn xin anh giúp một điều.”

“Anh cứ nói. Điều gì có thể làm được tôi sẽ không từ chối.”

“Tôi muốn xin nghỉ dạy. Tôi muốn tìm một nghề khác để sống.”

Hiên nhìn tôi, bàn tay trái của y giơ lên gãi gãi mép tai.

“Tại…sao? Mà tại sao mới được chớ?”

“Tôi thấy quay một vòng tới một trăm tám mươi độ khó quá!”

“Tôi không nghĩ như vậy đâu. Cách mạng sáng rỡ như mặt trời. Có gì mà quay đến một trăm tám mươi độ. Đọc Sử, anh không biết Ngô Thì Nhậm sao? Không ai nói Ngô Thì Nhậm quay tới một trăm tám mươi độ. Ngô Thì Nhậm là một kẻ sĩ thức thời…”

Y làm tôi chán ngán. Tôi giơ tay xem giờ.

“Xin lỗi. Có lẽ tôi phải xuống lớp.”

“Chuông chưa reo mà!” Hiên nói, “Nhưng thôi, cũng được.”

Khi tôi bước chân ra tới cửa, Hiên gọi giật lại:

“Anh Thăng, dù sao anh cứ viết đơn. Tôi sẽ chuyển cho anh?”

“Xin cảm ơn!” Tôi trả lời như một cái máy.

Trên hành lang trở về phòng họp, tôi đi như một người bị thương. Mùi khói thuốc của Hiên theo đuổi tôi tận chỗ ngồi giữa Danh và Minh.

Bụi Và Rác – Chương bốn


* Blog của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.