Đã bốn tháng kể từ khi cuộc di cư của người Rohingya bắt đầu, tiếp theo sau những tin tức về các cuộc tấn công do quân nổi dậy thực hiện nhắm vào các tiền đồn của quân đội ở biên giới Myanmar. Phóng viên Steve Sandford của VOA phỏng vấn những người tị nạn và các nhân viên cứu trợ để tìm hiểu về hoàn cảnh của hơn 650.000 người tị nạn Rohingya.
Mùa đông đã đến và hơn 650.000 người tị nạn Rohingya đã trốn chạy để thoát chiến dịch đàn áp tàn bạo của các lực lượng Myanmar trong bốn tháng qua, sẽ phải chống chọi với giá rét.
Các nguồn cung cấp lương thực phẩm và lều tạm trú đang dần dà được tổ chức, nhưng dòng người xếp hàng chờ nhận hàng cứu trợ thì rất dài trong khi nguồn lương thực ít ỏi, không đủ ăn cho những gia đình hơn tám người.
Cô Fatima Noor, một người tị nạn mới đến, nói:
"Họ cấp cho chúng tôi từ 10 - 12 kg gạo, nhưng không đủ ăn. Đó lẽ ra là số lượng gạo cấp cho chúng tôi mỗi tháng. Nhưng cho đến nay tôi chưa bao giờ nhận được hơn 10 kg."
Chương trình Lương thực Thế giới đã phân phối hơn 20.000 tấn gạo cho 185.000 hộ gia đình, nhưng tổ chức này nói số lượng đó vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.
Bà Shelly Thakral thuộc Chương trình Lương thực Thế giới, nói:
"Chúng tôi đang xem lại chính sách hỗ trợ cho các gia đình có nhân khẩu cao cho chính xác hơn. Chúng tôi đang cứu xét để tăng khẩu phần cho các hộ gia đình có 4 người lên thành 6 người, và lương thực dành cho các hộ gia đình có trên 8 người sẽ tăng gấp đôi. Chúng ta cần giải quyết nhu cầu của người tị nạn dựa trên những gì họ nói, như “Chúng tôi đang đói, chúng tôi không có có đủ thức ăn."
Một cuộc khảo sát do Tổ chức Y sĩ Không Biên giới (Medecins Sans Frontieres) thực hiện hồi gần đây nói có ít nhất 6.700 người Rohingya bị sát hại trong các cuộc tấn công ở Myanmar, và hình ảnh vệ tinh cho thấy 40 ngôi làng bị phá hủy trong tháng 11, nâng tổng số các ngôi làng bị phá hủy lên đến 354 làng.
Giữa lúc ngày càng có nhiều chứng cớ về tình cảnh của họ, quan điểm nói chung của các nhân viên cứu trợ có nhiều kinh nghiệm là họ không mấy ngạc nhiên.
Ông Aservatham Floring, thuộc Lực lượng Hòa Bình Bất Bạo động, nói:
"Khi đã trải qua tất cả những tình huống đau thương như vậy, chứng kiến anh chị em, cha mẹ bị giết hại, hãm hiếp ngay trước mặt họ, thì quan điểm của cộng đồng là đây không phải là thời điểm thích hợp để trở về ngay trong lúc này."
Tính cho đến tháng 12 năm 2017, tổng số người tị nạn trong các trại đã tăng tới gần 860.000 người, gồm cả những người đã bỏ trốn trước cuộc đàn áp gần đây nhất. Và những người tị nạn như ông Muhamid Amar, không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào là họ đang chuẩn bị để hồi hương.
Ông Muhamid nói: "Chúng tôi sẽ không dễ dàng trở về Myanmar, trừ phi chúng tôi được hưởng các quyền của mình. Nếu chúng tôi về đó, họ sẽ chém giết chúng tôi và bắn chết chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi chưa trở về được."
Chính phủ Myanmar từ lâu đã bác bỏ những cáo buộc về những hành vi tàn bạo xảy ra đối với người tị nạn Rohingya, nhưng vẫn chưa rõ khi nào, hoặc liệu nhóm thiểu số Hồi giáo này sẽ có thể trở về quê hương.
Trong khi chờ đợi, cuộc khủng hoảng nhân đạo trong các trại tị nạn có nhiều khả năng còn kéo dài trong năm 2018.