Đường dẫn truy cập

Myanmar vẫn im lặng về tung tích 2 phóng viên Reuters


Hai nhà báo của Reuters, Wa Lone (trái) và Kyaw Soe Oo, bị còng tay trong bức ảnh do Bộ Thông tin Myanmar công bố tuần trước. Không ai biết nơi họ đang bị giam giữ ở đâu.
Hai nhà báo của Reuters, Wa Lone (trái) và Kyaw Soe Oo, bị còng tay trong bức ảnh do Bộ Thông tin Myanmar công bố tuần trước. Không ai biết nơi họ đang bị giam giữ ở đâu.

Đã 1 tuần kể từ khi 2 nhà báo của Reuters bị giam giữ ở Myanmar, mà vẫn không có lời nào từ nhà chức trách nước này cho biết nơi giam giữ họ. Theo Reuters, 2 nhà báo đang bị điều tra xem họ có vi phạm Đạo luật Bí mật đã có từ thời thuộc địa.

Nhà báo Wa Lone, 31 tuổi, và đồng nghiệp Kyaw Soe Oo, 27 tuổi, bị bắt vào tối 12/12 sau khi họ được mời ăn tối với cảnh sát ở ngoại ô Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.

Trong một tuyên bố kêu gọi Myanmar hãy trả tự do ngay lập tức cho 2 nhà báo, Chủ tịch Reuters và cũng là Tổng biên tập Stephen J. Adler nói: "Chúng tôi và gia đình vẫn bị chặn, không cho tiếp cận hai nhà báo, chúng tôi không được biết cả những thông tin cơ bản nhất về tình trạng sức khỏe họ ra sao, hoặc nơi họ bị giam cầm."

Ông Adler nhấn mạnh: "Wa Lone và Kyaw Soe Oo là những nhà báo đóng một vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ các tin tức gây quan tâm trên toàn cầu, họ vô tội và không làm điều gì sai trái.”

Wa Lone và Kyaw Soe Oobị bắt theo điều 3 của luật Bí mật có từ thời thuộc địa của Myanmar trong khi đang tác nghiệp tại cho Reuters. (Ảnh chụp màn hình trang Frontier Myanmar)
Wa Lone và Kyaw Soe Oobị bắt theo điều 3 của luật Bí mật có từ thời thuộc địa của Myanmar trong khi đang tác nghiệp tại cho Reuters. (Ảnh chụp màn hình trang Frontier Myanmar)

Tổng Thống Myanmar Htin Kyaw, một đồng minh thân cận của lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi, cho phép cảnh sát tiến hành vụ kiện chống các phóng viên, theo một phát ngôn viên cấp cao của chính phủ cho biết hôm 17/12.

Cần có sự chấp thuận của Văn phòng Tổng thống trước khi có thể bắt đầu các thủ tục tố tụng trong những trường hợp được xử theo Đạo luật Bí mật, mức phạt cao nhất nếu bị kết tội theo đạo luật này, là 14 năm tù.

Trước khi bị bắt, hai nhà báo của Reuters tường trình về cuộc khủng hoảng đã đẩy 655.000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy đi lánh nạn, để tránh một chiến dịch trấn áp quân sự khốc liệt nhắm vào thành phần chủ chiến ở bang Rakhine, nằm về phía Tây Myanmar.

Một số chính phủ, kể cả Hoa Kỳ, Canada và Anh, và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, cũng như nhiều nhà báo và các nhóm bênh vực nhân quyền, chỉ trích vụ bắt giữ các nhà báo như là một cuộc tấn công vào tự do báo chí. Họ kêu gọi Myanmar hãy thả ngay 2 nhà báo.

Lên tiếng hôm thứ Hai 18/12, người chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini, nói vụ bắt giữ hai nhà báo "thực sự đáng quan ngại".

Người phát ngôn của bà Mogherini nói: "Tự do báo chí và truyền thông là cơ sở và nền tảng của bất kỳ nền dân chủ nào."

Myanmar đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của các phương tiện truyền thông độc lập kể từ khi chế độ kiểm duyệt dưới chính quyền quân nhân được xóa bỏ vào năm 2012.

Các nhóm nhân quyền đã hy vọng quyền tự do báo chí sẽ được mở rộng sau khi bà Aung San Suu Kyi, Khôi nguyên giải Nobel hòa bình, lên nắm quyền hồi năm ngoái trong cuộc chuyển tiếp từ chế độ hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội, khiến bà Suu Kyi từ một tù nhân chính trị trở thành một nhà lãnh đạo dân cử.

Tuy nhiên, các nhóm vận động nói rằng quyền tự do ngôn luận đã bị xói mòn kể từ khi bà Suu Kyi nhậm chức, với nhiều vụ bắt bớ các nhà báo, những hạn chế tại bang Rakhine và việc sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước để kiểm soát hoạt động của các phóng viên.

Ông Myo Nyunt, Phó Giám đốc Thông tin của Myanmar, nói với Reuters rằng trường hợp của các nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo không có liên quan gì đến tự do báo chí, ông tuyên bố các nhà báo được "tự do viết và nói".

Tuần trước, Bộ Thông Tin nói 2 nhà báo của Reuters đã "thu thập thông tin bất hợp pháp với ý định chia sẻ thông tin với các phương tiện truyền thông nước ngoài", sau đó Bộ công bố một bức ảnh chụp hai nhà báo bị còng tay.

Một luật sư nói với Reuters là từ khi bị bắt, các giới chức chính quyền không cho phép các nhà báo liên lạc với gia đình.

Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) kêu gọi nhà chức trách Myanmar hãy lập tức cho biết 2 nhà báo hiện đang ở đâu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG