Kiến thức là gì?

Hình minh họa.

Kể từ khi Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam vào tháng Tư, gây hơn 11 ngàn tử vong cho đến nay, Bộ T Yế Việt Nam cho biết đã liên lạc với Mỹ và các nước khác tìm cách chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine mRNA. Ngày 20 tháng 7, theo Reuters thì Việt Nam đã đạt được thỏa thuận chuyển giao vaccine dùng công nghệ mRNA.

Có lẽ chưa thời kỳ nào thông tin, kiến thức, và khoa học kỹ thuật và y tế đóng vai trò then chốt, quyết định mọi mặt đời sống con người như hiện nay, nhất là khi phải đối diện với những tình huống nguy cấp như biến thể Delta của Covid-19. Cứ tưởng tượng nếu đại dịch Covid-19 xảy ra cách đây 20 năm, khi công nghệ thông tin chưa đủ phát triển để có thể làm việc tại nhà như bây giờ; khi mRNA hay các công nghệ khác chưa sẵn sàng để chế tạo vaccine hàng loạt để tiêm chủng cho hàng tỷ người; khi thông tin vẫn chưa đến mọi ngõ ngách trên địa cầu như hiện nay. Tôi không thể hình dung được tác hại của Covid-19 sẽ như thế nào!

“Kinh tế tri thức” (knowledge/knowledge-based economy) là phần quan trọng nhất trong nền kinh tế của các nước tiên tiến hàng đầu hiện nay. Nền kinh tế này dựa vào các yếu tố: vốn liếng con người, tức nguồn nhân lực trí tuệ; khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin; khả năng sáng tạo, tạo ra, chuyển nhượng (transfer) và tiêu thụ kiến thức mới. Kể từ thập niên 1970s, các nhà kinh tế học, nhất là tại Mỹ, nhận diện ra tính then chốt của thông tin và kiến thức trong nền kinh tế quốc gia, và khả năng toàn cầu của nó. Ngày hôm nay, vai trò của cuộc cách mạng công nghệ 4, như nanotechnology, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), tự động hóa (automation), robot, v.v… mang tính quyết định về khả năng cạnh tranh về kinh tế, và sức mạnh chính trị, quân sự. Cuộc chạy đua chiếm ưu thế hàng đầu giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, đang diễn ra gay gắt. Sự thành công phụ thuộc vào yếu tố: ai sẽ chế tạo ra được máy tính lượng tử (quantum computer) trước; và khả năng đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Các triết lý Đông Tây về kiến thức

Ngược thời gian, hơn hai ngàn năm trước, các triết gia Đông lẫn Tây đều bàn về kiến thức.

Niềm tin thật (true belief) sẽ đưa chúng ta đến đích, hay kiến thức? Đây là câu hỏi mà hơn hai ngàn năm trước, các triết gia như Socrates và Plato đã từng đặt ra.

Trong cuộc đối thoại giữa Theaetetus và Socrates, do Plato ghi lại trong tác phẩm “The Theaetetus”, Socrates đặt câu hỏi cho Theaetetus về bản chất của kiến thức chuyên môn, và điều này khiến ông đặt ra câu hỏi chính của cuộc đối thoại: “Kiến thức là gì?”. Theaetetus trả lời ba lần, “kiến thức là nhận thức”, “kiến thức là niềm tin thật”, và “kiến thức là niềm tin thật có chứng cớ”. Socrates không hoàn toàn bác bỏ mỗi lần Theaetetus trả lời, nhưng đặt vấn đề và nghi vấn cơ sở mà Theaetetus dùng cho các định nghĩa trên.

Về sau, qua thử nghiệm và trãi nghiệm, phần lớn triết gia Tây phương chấp nhận quan niệm rằng kiến thức là “niềm tin thật đã được xác nhận” (justified true belief). Kiến thức bao gồm ba yếu tố: 1) Niềm tin của con người về hiện trạng của vấn đề nào đó; 2) Nó chính xác phản ảnh những gì thật sự xảy ra; 3) được hợp thức hóa bởi các yếu tố logic và thực nghiệm.

Như đã trình bày trên, cụm từ “kinh tế tri thức” giờ đây được nhe quen tai. Nó bắt nguồn từ giáo sư Peter Drucker, trong Chương 12 của tác phẩm The Age of Discontinuity vào năm 1969. Nhưng Drucker ghi nhận ông lấy ý tưởng từ nhà kinh tế học Fritz Machlup. Machlup đã bắt đầu sử dụng từ “kỹ nghệ tri thức” (knowledge industry) trong tác phẩm “Sản xuất và phân phối tri thức tại Hoa Kỳ” (The Production and Distribution of Knowledge in the United States) vào năm 1962. Có thể nói chưa có ai viết nhiều, viết sâu và viết xa về kiến thức như giáo sư kinh tế học Fritz Machlup người Mỹ gốc Áo này. Tôi chỉ mới lướt qua vài chục trang trong cuốn sách Knowledge and Knowledge Production, tập 1, do Princeton University Press xuất bản năm 1980. Ông cho xuất bản thêm tập 2 và 3 năm 1981 và 1982. Thật là choáng ngợp lvới những thông tin, kiến thức tuy khô khan nhưng cũng thú vị này. Nhưng tiêu thụ nó cũng thật là vất vả.

Đông phương có Lão Tử và Khổng Tử cũng bàn về kiến thức.

Lão Tử không định nghĩa kiến thức là gì, nhưng để lại nhiều câu nói trong Đạo Đức Kinh thật là thâm sâu. Chẳng hạn, “Những ai hiểu được người khác là thông minh; những ai hiểu được chính mình là thông thái.” Hoặc “Biết mình không biết là thượng. Không biết mình không biết là bệnh. Thật sự những ai thấy bệnh là bệnh, sẽ tránh được bệnh.” V.v…

Trong cuốn “Chữ Nho và Đời Sống Mới, Thành ngữ Hán Việt Thông dụng” của Nguyễn Ngọc Phách, knowledge được dịch là kiến thức. Kiến là nhìn, thấy. Tri là biết. Nhưng chữ thức luôn tải một ý niệm hơn thế. Nó hàm ý có sự phân biệt đánh giá để hiểu sâu sắc, không chỉ là tiếp nhận thông tin thôi (real insight or discernment). Kiến thức là khả năng diễn giải hay cái nhìn thâm sâu qua tiến trình diễn giải. Ý thức là chữ gọi chung cho cả tri giác, tâm ý và tình ý, tiếng Anh là consciousness, discernment. Cho nên vô học có nghĩa là không có học, nhưng vô thức hoặc vô ý thức thì là ở ngoài ý thức của con người. Vì vậy học và thức khác nhau ở đó (trang 487, 488).

Giáo sư triết học Chienkuo Mi thuộc đại học Soochow, Đài Loan, trong bài luận văn đăng vào năm 2017, cho rằng Khổng Tử có nói câu: “When you know, to know (recognize) that you know; and when you do not know, to know (recognize) that you do not know; that is knowledge.” (Analects 2.17) Biết gì thì bảo là biết, không biết thì nói không biết, như thế mới thật là hiểu biết/kiến thức (Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã). Khổng Tử nói thêm: “There may be those who act without knowing why. I did not do so. Hearing much and selecting what is good and following it; seeing much and keeping it in memory—this is the second style of knowledge.” (Analects 7.28) Có thể có người hành động mà không biết tại sao. Tôi không làm vậy. Nghe nhiều và chọn lọc những gì tốt và làm theo nó; nhìn thấy nhiều và ghi nhớ nó - đây là kiểu kiến thức thứ hai.

Giáo sư Mi biện luận hai câu này thể hiện hai loại kiến thức, Shi, tức nhớ hay nhận ra, là kiến thức tầng 1. Nguồn của Shi là cảm giác và trí nhớ, và kiến thức này giúp nhận ra, xác định, phân biệt và biết về một số vấn đề nào đó. Zhi, là tầng 2, là đạt tới được khi kiến thức tầng 1 đã được phản ánh, qua đó được thẩm thấu, phát triển. Khổng Tử không quan tâm nhiều đến Shi. Tuy cần có khả năng tiếp thu, nhận định, tức là Shi, nhưng điều quan trọng là phải biết tại sao trong khi hành động, tức là Zhi. Mi gọi Zhi là kiến thức phản chiếu (reflective knowledge), tức phải qua quá trình gạn lọc.

Thông tin và kiến thức thời nay

Theo tự điển Oxford, kiến thức (knowledge) là sự kiện, thông tin và kỹ năng mà một người có được thông qua kinh nghiệm hoặc giáo dục; nó cũng là sự hiểu biết lý thuyết hoặc thực tế của một chủ đề. Điều này có nghĩa kiến thức là sự nhận thức hoặc quen thuộc có được nhờ kinh nghiệm về một thực tế hoặc tình huống. Knowledge đến từ chữ know, biết. Biết là do người/nguồn khác báo cho mình, hay do chính mình đi tìm. Biết cũng do từ sự suy nghiệm và thẩm thấu mà ra, nhờ hiểu được quy tắc vận hành của con người, vũ trụ v.v…

Trong khi đó, cũng theo tự điển Oxford, thông tin là những dữ kiện (facts) được cung cấp hoặc được học về một cái gì đó hoặc một người nào đó. Nó cũng có nghĩa những gì được truyền đạt hoặc diễn tả bởi một sự sắp xếp hoặc một chuỗi vấn đề cụ thể.

Định nghĩa nói gì về mối quan hệ giữa kiến thức và thông tin?

Thông tin có thể là kiến thức, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng vậy.

Xin đơn cử một thí dụ. Một viên cảnh sát Úc đang xử lý một người châu Á, không rõ quốc tịch là Mã Lai, Trung Quốc, Việt Nam hay công dân Úc. Người bị tình nghi này lái xe vượt đèn đỏ, nhưng không mang theo bằng lái, nên bị cảnh sát chặn lại. Khi đòi xem giấy tờ thì nghi can bảo có quốc tịch Mã Lai, nhưng công nhận mình là một thường trú nhân Úc, ở đây 10 năm rồi. Tuy nhiên anh ta không trưng ra bất cứ bằng chứng nào, từ hộ chiếu đến thị thực đều không có. Sau khi cảnh sát hỏi tên họ và ngày tháng năm sinh để kiểm chứng với hệ thống hồ sơ, cảnh sát nhận định rằng hoặc là anh này không khai báo sự thật, hoặc anh ta không phải là một công dân Úc, nên không hiện hữu khi truy tìm trong cơ sở dữ liệu của mình. Đến lúc này, cảnh sát thấy phải cần đến cơ sở dữ liệu khác, từ Bộ Di Trú, chẳng hạn. Bởi vì những thông tin về anh này không đủ để kết luận nhân thân anh ra sao, và quốc tịch anh ta là gì, và anh có phải là thường trú nhân hay công dân Úc. Khi chưa có tài liệu chứng minh hẳn hoi thì những giả định về quốc tịch chỉ mang tính cách nghi ngờ chính đáng (reasonable suspicion). Nó chưa thể được xem là kiến thức, cho đến khi được xác định thêm các dữ kiện khác. Từ nghi ngờ, đến niềm tin, đến nghi ngờ chính đáng, vẫn còn một khoảng cách xa đối với kiến thức, tức những điều có thể chứng minh được. Đây là nền tảng căn bản đối với hệ thống công lý mà cảnh sát liên bang và tiểu bang Úc, cũng như nhiều cơ quan hữu trách khác, dựa vào để thi hành luật. Nó đòi hỏi những người trách nhiệm phải xác định cơ sở căn bản là nghi ngờ chính đáng trở lên. Nếu chỉ bắt đầu với nghi ngờ, hay niềm tin, mà thiếu chứng cớ căn bản để hỗ trợ, thì sự lạm quyền và lộng quyền từ các cơ quan công quyền sẽ rất cao. Công lý sẽ bị chà đạp. Những điều rất căn bản này trong các chính thể dân chủ pháp quyền không nhất thiết hiện hữu trong các chính thể phi dân chủ nơi phần lớn sự áp dụng và thi hành luật mang tính cách tùy tiện.

Kiến thức có thể là thông tin, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Nó tùy thuộc vào trạng thái của kiến thức đó. Tự bản thân, kiến thức không phải là thông tin, cho đến khi nó được truyền đi qua một hay nhiều người khác, bằng truyền thông hay bằng phương tiện khác. Để nó trở thành thông tin, nó phải được cung cấp, được học về, được truyền đạt hay được diễn tả qua hình thức nào đó. Thí dụ, lời nói hay cuốn sách giá trị của một nhà thông thái nào đó, từ hàng ngàn năm trước, bị chôn vùi, thất lạc qua thời gian vì những biến cố lịch sử. Kiến thức này không phải là thông tin, cho đến khi nào nó được tái khám phá và được truyền đạt, trao đổi nhau. Nếu nó không đến được một người đầu tiên nào đó để từ đó lan tỏa ra thì nó không là thông tin. Thông tin, tiếng Anh là information, đến từ chữ inform, tức báo, thông báo, cho người khác cùng biết.

Quan hệ giữa thông tin và kiến thức là quá trình và phương tiện truyền thông: bên phát và bên nhận thông tin. Từ chỗ phát thông tin đi, máy hoặc con người (transmitter), cho dù nguồn có thể là kiến thức hoàn toàn, nhưng khi di chuyển, kiến thức ở trong thể loại thông tin. Khi nó đến người khác, nó cũng chỉ mang tính cách thông tin. Thông tin, hay số liệu, trong dạng âm thanh, hình ảnh, phim ảnh, ngôn từ, v.v…, về mặt điện tử, là tập hợp của hàng triệu, hàng tỷ, hay tỷ tỷ… của các con số 0 và 1. Về mặt giao tiếp/truyền thông, dù nó là thông tin thật, hay giả, hay là kiến thức, nó chỉ là những ký hiệu. Một câu nói đơn giản nhất của một ngôn ngữ mà người nhận không biết ngôn ngữ đó thì cũng bó tay. Thêm vào đó là tính chuyên môn. Những thông tin chuyên về y khoa trên mạng Internet thì một kỹ sư điện toán bình thường dù có thể đọc được hết nhưng chưa hẳn đã hiểu được, và chưa hẳn có thể phân biệt đó là kiến thức, hay tin giả. Ngược lại, những thông tin chuyên về điện toán trên mạng Internet thì một bác sĩ y khoa bình thường dù có thể đọc được hết nhưng chưa hẳn đã hiểu được, và chưa hẳn có thể phân biệt đó là kiến thức, hay tin giả.

Chỉ khi nào người nhận (receiver) tiếp thu nó, giải mã thông tin đó, tức suy nghĩ, phân tích thay vì tiếp nhận một cách thụ động, thì thông tin sẽ được đưa trở lại thành kiến thức, với giá trị của riêng nó.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao cùng một cuốn sách, như Thánh Kinh, hay đơn giản là cùng một bài báo, tin tức, sự kiện, v.v… nhưng khi nó đến người nhận thì mỗi người đều có cách hiểu và diễn giải khác nhau. Lý thuyết về truyền thông, theo nghĩa điện tử/tin học hay theo cách giao tiếp của con người, là vô cùng đa dạng. Cùng người gửi (sender) nhưng mỗi người nhận (receiver) sẽ giải mã theo cái nhìn mang tính cơ giới/máy móc, tâm lý, xã hội/chính trị, hệ thống hay phê phán, v.v… qua đó ảnh hưởng lên cách tiếp cận riêng của mỗi người.

Cho nên trong thời đại thông tin tràn ngập, chưa hẳn con người đã thật sự hiểu biết hơn, và trong lắm trường hợp, lại bị đánh lừa.

Thông tin để đánh lừa (misinformation) và thông tin để gây hại (disinformation) chắc chắn không phải là kiến thức. Chúng được gọi chung là tin giả. Tuy tin giả gây tác hại, những thông tin về tin giả lại là cần thiết để giúp người ta phân biệt giả thật.

Trong một môi trường tôn trọng khoa học và sự thật tại các nền dân chủ, những người và những cơ quan liên hệ thường có trách nhiệm kiểm chứng dữ kiện, ngay cả khi nó đến từ một giáo sư chuyên môn hay một chính trị gia uy tín. Con người, kể cả chuyên gia hàng đầu, có khi cũng lầm lỗi, và đó là điều bình thường. Vấn đề còn lại là người sử dụng thông tin mà không kiểm chứng xem nó có khả tín không, có phải là kiến thức không, thì trách nhiệm sau cùng thuộc về họ. Không ai có thể biện minh cho bất cứ lý do gì nếu dựa trên những điều không thật, không hoặc chưa kiểm chứng, chỉ vì sơ sót của mình. Điều này đặc biệt thích hợp trong các phiên tòa trong các nền dân chủ pháp quyền. Đây là nơi mà tiến trình đi tìm sự thật sẽ rất là rõ ràng, minh bạch và công bằng cho mọi bên.

Tóm lại, cuộc sống có nhiều mặt, con người cũng vậy, cho nên mặt trái mặt phải cũng đều là các mặt cần thiết. Phân biệt, để hiểu, và sau khi hiểu, để không còn phân biệt.

Vài suy nghĩ kết

Nhìn tỷ lệ rất cao của người Việt, trong lẫn ngoài nước, dễ dàng tin vào những tin giả, bị cuốn hút bởi các tin giật gân, mê tín dị đoan, kể cả những người có học, địa vị trong xã hội, làm tôi thật sự quan tâm. Đây là đề tài làm tôi trăn trở bấy lâu nay. Nạn nhân có thể là bất cứ ai, trong đó người mẹ thương yêu trọn đời của tôi.

Từ Đông sang Tây đều quan niệm kiến thức là một quá trình lĩnh hội, suy tư, lý luận/giải, đặt câu hỏi/vấn đề, 5W1H (who, when, where, what, why and how) v.v... Quá trình này còn gọi là tư duy phản biện, hay suy nghĩ phê phán (critical thinking). Rene Descartes: “I think therefore I am”, tôi suy nghĩ nên tôi là thế/hiện hữu. Không tự suy nghĩ, mà để cho người khác suy nghĩ thay mình, thì tất nhiên người ta quyết định sự sống của mình.

Tư duy phản biện nằm trong văn hóa Tây lẫn Đông. Tây đặt biệt nhấn mạnh nhiều hơn Đông, nhất là từ Thời đại Khai sáng của thế kỷ 18, nên đã phát triển vượt bực và không ngừng. Nhưng Đông vẫn có căn bản. Tây phương đã đi rất xa. Đông phương đang dần dần đi cùng hướng. Kiến thức là sức mạnh nội tại của mỗi người. Khi người dân càng hiểu biết thì sự tập trung quyền lực vào vài cá nhân, tổ chức, đảng phái, v.v… sẽ khó khăn hơn. Cho nên kiến thức là phương pháp tản quyền tốt nhất cho tập thể, quốc gia và quốc tế. Điều này dĩ nhiên không có lợi gì cho các triều đại phong kiến, quân chủ/phiệt, độc tài (cộng sản hay không cộng sản).

Chính trị, và văn hóa chính trị Việt Nam, kéo dài mấy ngàn năm, hết phong kiến đến cộng sản như thế, thì không thể mong thay đổi sớm muộn được, nhất là khi lãnh đạo quốc gia chọn hệ tư tưởng chính trị sai lầm. Nền giáo dục nhồi nhét, từ chương, trọng hình thức và thành tích hơn chất lượng và sáng tạo, không thật sự giúp người dân nhận thức cái gì hay để mà gạn lọc, học hỏi. Cho nên sẽ cần một hai thế hệ Việt Nam nữa, hay nhiều hơn, để thay đổi tư duy. Điều quan trọng là người dân Việt Nam hôm nay (không phải chính quyền, bởi họ chỉ muốn nắm quyền và kiểm soát), có sẵn sàng làm những gì cần thiết để xây dựng nền tảng vững vàng cho sự thay đổi tư duy của các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hay không!