Kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV khi người tiêu dùng tăng chi tiêu cho hàng hóa, nhưng đà tăng dường như đã chậm lại đáng kể vào cuối năm, khi lãi suất cao hơn làm xói mòn nhu cầu.
Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý cuối cùng năm ngoái đã tăng với tốc độ 2,9% so với cùng kỳ năm trước, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra ước tính về tăng trưởng của quý IV hôm 26/1. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 3,2% trong quý III. Các nhà kinh tế được Reuters vấn ý đã dự báo mức tăng GDP là 2,6%.
Đó có thể là quý cuối cùng mà nền kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng vững chắc trước khi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ những năm 1980 bắt đầu có tác động sau một khoảng trễ. Hầu hết các kinh tế gia dự đoán sẽ có suy thoái vào nửa cuối năm nay, mặc dù nhẹ hơn so với các đợt suy thoái trước đó.
Doanh số bán lẻ đã suy giảm mạnh trong hai tháng qua và ngành sản xuất dường như đã suy thoái cùng thị trường nhà đất. Mặc dù thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ, tâm lý kinh doanh tiếp tục xấu đi, và điều này cuối cùng có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tuyển dụng.
Tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm đã bù lại cho mức giảm 1,1% trong 6 tháng đầu năm. Trong toàn bộ năm 2022, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,1%, giảm so với tốc độ tăng 5,9% được ghi nhận vào năm 2021.
Fed hồi năm ngoái đã nâng lãi suất chính sách thêm 425 điểm cơ bản từ gần 0 lên mức 4,25%-4,50%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ, là động lực tăng trưởng chính, chủ yếu phản ánh sự gia tăng chi tiêu hàng hóa vào đầu quý. Chi tiêu tiêu dùng đã được củng cố bởi khả năng chống chịu của thị trường lao động cũng như tiền tiết kiệm tích lũy trong đại dịch COVID-19.
Nhưng nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất lâu dài, chủ yếu được mua bằng thẻ tín dụng, đã giảm và một số hộ gia đình, đặc biệt là hộ thu nhập thấp, đã cạn tiền tiết kiệm. Chi tiêu kinh doanh cũng suy giảm phần nào khi quý bốn kết thúc.
Bất chấp những dấu hiệu rõ ràng về khởi đầu yếu ớt của nền kinh tế khi bước sang năm 2023, một số nhà kinh tế vẫn lạc quan thận trọng rằng nền kinh tế sẽ tránh khỏi tình trạng suy thoái tức thời, thay vào đó, sẽ bị suy thoái dần dần, khi mà các khu vực kinh tế lần lượt giảm thay vì tất cả khu vực giảm cùng một lúc.
Họ lập luận rằng chính sách tiền tệ hiện có độ trễ ngắn hơn so với trước đây vì những tiến bộ trong công nghệ và tính minh bạch của ngân hàng trung ương Mỹ, điều mà họ cho rằng khiến thị trường tài chính và nền kinh tế phản ứng đón đầu các đợt tăng lãi suất.
Một báo cáo riêng rẽ của Bộ Lao động Mỹ hôm 26/1 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiểu bang lần đầu đã giảm 6.000 đơn xuống còn 186.000 đơn trong tuần lễ kết thúc vào ngày 21/1 sau khi được điều chỉnh theo mùa.