Nền kinh tế của những con chim cuối đàn

Những người nông dân đang lên thành phố bán sức lao động tại Hà Nội. (Hình: Nguyễn Đình Hà)

“Người nghèo” lại được các viên chức hữu trách nhắc tới như đối tượng hàng đầu trong hoạch định và thực thi chính sách, song sự quan tâm cũng vẫn chỉ dừng lại trên chót lưỡi và đầu môi.

***

Hồi trung tuần tháng 8, sau khi giới thiệu kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) dự trù sẽ thực hiện từ đầu năm 2019 (nâng tỉ lệ của các sản phẩm, dịch vụ đang chịu thuế VAT từ 5% lên 6%, thu 12% đối với các mặt hàng đang chịu thuế VAT là 10%), ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, thuộc Bộ Tài chính, nhấn mạnh rằng, dự tính tăng thuế VAT sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo vì 60% chi phí của nhóm này dành cho các sản phẩm, dịch vụ (thực phẩm, giáo dục, y tế) thuộc loại không bị tính VAT.

VAT là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của sản phẩm, dịch vụ suốt quá trình từ sản xuất, phân phối đến sử dụng và người cuối cùng trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ là đối tượng gánh khoản thuế này. Tăng tỉ lệ VAT đồng nghĩa với việc buộc tất cả mọi người phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm phải mua, dịch vụ phải dùng thành ra dự tính tăng tỉ lệ VAT trên đa số hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam bị công chúng phản đối kịch liệt.

Có thể vì vậy nên hai tuần sau, vào hạ tuần tháng 8, bà Vũ Thị Mai, một Thứ trưởng của Bộ Tài Chính, thỏ thẻ với công chúng, xin điều chỉnh lại chút xíu rằng, kế hoạch tăng VAT có ảnh hưởng đến người nghèo nhưng mức độ không nhiều! Dẫu bà Mai đã nói lại cho rõ nhưng công chúng vẫn không ưng và đã có rất nhiều người giải thích tại sao họ bất bình. Trong số này có ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam.

Ông Anh vừa đem lý thuyết cơ bản của kinh tế học ra nhắc các viên chức Bộ Tài chính (tỉ lệ thu nhập dành cho tiêu dùng của người nghèo luôn cao hơn người giàu, thành ra gánh nặng VAT mà họ phải mang sẽ có tỉ lệ cao hơn so với thu nhập của họ, tăng VAT chắc chắn sẽ làm giới có thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn) vừa dẫn một tài liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) để chứng minh các viên chức Bộ Tài chính đã “nói lấy được”. WB từng tính toán và kết luận rằng, năm 2014, mức đóng VAT của 20% gia đình thuộc nhóm giàu nhất Việt Nam cao hơn mức đóng VAT của 20% gia đình thuộc nhóm nghèo nhất Việt Nam 4,5 lần. Theo ông Anh, nếu tính toán vừa kể của WB đúng thì so với 20% gia đình thuộc nhóm giàu nhất Việt Nam, gánh nặng VAT/thu nhập của nhóm 20% gia đình nghèo nhất sẽ gấp hai lần.

***

Để bảo vệ dự tính tăng VAT, Bộ Tài chính dẫn các quốc gia trong cộng đồng châu Âu (EU) như bằng chứng, dù nâng tỉ lệ VAT ở Việt Nam thêm từ 1% đến 2% thì vẫn chưa thấm vào đâu so với EU, tại EU người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ phải trả VAT tới 20%.

Ông Sebastian Eckhardt, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Chi nhánh Việt Nam của WB, tán thêm là đề nghị cải cách chính sách thuế của Bộ Tài chính Việt Nam vừa quan trọng, vừa kịp thời để bảo đảm tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Vũ Thành Tự Anh lập tức đáp trả, các chuyên gia kinh tế quốc tế vẫn ví người nghèo như những con chim ở vị trí cuối cùng của một đàn chim, tốc độ di chuyển của một đàn chim không phụ thuộc vào những con chim khỏe nhất, dẫn đầu mà phụ thuộc vào những con chim yếu nhất ở cuối đàn. Ông Anh chứng minh nếu muốn giảm nợ nần và cân đối được ngân sách thì phải giảm những khoản chi vô bổ chứ không phải là tăng thu.

Qua báo chí Việt Nam, ông Anh hỏi ông Eckhardt rằng, đại diện của WB tại Việt Nam tập tô hồng bức tranh kinh tế Việt Nam từ lúc nào, bất kể điều đó ngược hướng với lợi ích của người nghèo - đối tượng mà WB luôn muốn hỗ trợ? Chưa thấy ông Eckhardt phản hồi.

Nhìn một cách tổng quát, trấn an của ông Phạm Đình Thi, giải thích của bà Vũ Thị Mai, ý kiến của ông Sebastian Eckhardt, nhận định của ông Vũ Thành Tự Anh đều phát xuất từ góc độ vĩ mô và học thuật, còn đời thường thì sao?

Hà Hùng, một công dân Đức gốc Việt, sống ở thành phố Mainz, bang Rheinland-Pfalz đã cười sằng sặc khi nghe người viết bài này đề nghị nhận định về so sánh của Bộ Tài chính Việt Nam về thuế suất VAT ở châu Âu với Việt Nam.

Hùng – người mà công việc đòi hỏi phải liên lạc thường xuyên với hệ thống công quyền của Đức bảo rằng, giống như Việt Nam, VAT ở Đức được chia thành hai mức, một mức là 7% đối với tất cả các loại sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho cả đời sống vật chất lẫn tinh thần (như sách). Những sản phẩm, dịch vụ còn lại phải trả VAT là 19%.

Tuy nhiên khác với Việt Nam, sau khi nộp thuế, bao gồm cả VAT, dân Đức được hưởng chế độ giáo dục miễn phí hoàn toàn từ mẫu giáo cho đến hết đại học. Mọi người đều có bảo hiểm y tế. Đãi ngộ trong khám bệnh – chữa bệnh giữa người tự trả tiền bảo hiểm y tế cho mình với người nhận trợ cấp của chính phủ là giống hệt nhau.

Hùng nói thêm rằng, không giống Việt Nam, các viên chức trong hệ thống công quyền Đức rất ít đề cập đến người nghèo, công bằng xã hội,…

Tại Đức, nếu nghèo, người ta đương nhiên được hưởng trợ cấp gia cư. Luật buộc hệ thống công quyền phải bảo đảm chỗ ở của đối tượng nhận trợ cấp gia cư phải đủ diện tích qui định/người, cùng với các tiện nghi tối thiểu như bếp, TV, tủ lạnh. Những người nhận trợ cấp gia cư còn được nhận trợ cấp thực phẩm và luật buộc hệ thống công quyền phải bảo đảm họ luôn đủ ăn. Rồi trợ cấp quần áo riêng cho mùa Hè và mùa Đông để bảo đảm họ đủ mặc, đủ ấm. Nghèo chỉ là trạng thái nên hệ thống công quyền phải thỏa mãn những nhu cầu chính đáng khác của một công dân như nghỉ hè thành ra người nghèo có cả trợ cấp nghỉ hè (10 ngày/năm).

Rất khác với Việt Nam, ở Đức thu – chi nguồn tiền có được từ thuế bị buộc phải công khai. Ngoài việc được một cơ quan độc lập giám sát chặt chẽ, chuyện thu – chi nguồn tiền có được từ thuế còn bị các tổ chức dân sự theo dõi, chất vấn.

Sau cuộc trò chuyện với Hùng, người viết bài này đã thử liên lạc với một số thân hữu đang sống tại vài quốc gia khác ở châu Âu để hỏi thêm về VAT cũng như chi dụng ngân sách tại những quốc gia đó nhưng không thành công, thành ra chỉ dám suy đoán, cùng là thành viên cộng đồng châu Âu, cùng chia sẻ và vun bồi các giá trị chung, có lẽ thu thuế – chi ngân sách tại những quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu không khác Đức nhiều lắm.

So với Việt Nam, VAT ở Đức rõ ràng là gần gấp đôi. Bộ Tài Chính Việt Nam thích yếu tố đó và chỉ muốn đề cập đến yếu tố đó mà thôi. Việt Nam còn lâu mới như Đức và nhiều quốc gia khác vì tại Việt Nam, quản trị - điều hành quốc gia vẫn thế, vẫn chỉ đề cao nghĩa vụ của công dân, còn bổn phận của nhà nước đối với công dân thì không phải miễn bàn mà là không được bàn.

Đâu phải tự nhiên mà Việt Nam vẫn khăng khăng giữ cả “tuyên truyền chống nhà nước” lẫn “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, công dân” khi ban hành bộ luật Hình sự mới.