Mấy hôm nay dư luận vẫn xôn xao chưa ngớt chuyện Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng tính đến chuyện bán nhà để chạy chữa cho con. Ai cũng bất ngờ “phó tổng thống của cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ lại nghèo đến mức đó sao?”
Không phải là chuyện hiếm hoi
Thật ra phần đông dư luận dường như đã quá quen với hình ảnh những quan chức nhà nước với nhà xe rủng rỉnh, tiền bạc phủ phê, thậm chí sở hữu những căn biệt thự mà cả hàng triệu người có mơ cũng không bao giờ có được. Báo chí truyền thông, luật pháp nhà nước đã đề cập và xử lý không biết bao nhiêu trường hợp quan chức tham nhũng, sở hữu tài sản bạc tỷ trong khi mức lương nhà nước vẫn khiến hàng triệu công chức, viên chức kêu ca mỗi lần nhắc đến. Thế nên với nhiều người ở Việt Nam, quan chức không giàu có thì quả thật là chuyện lạ. Tuy rằng vẫn có quan chức nghèo, nhưng họ vẫn là thiểu số so với những người có chức có quyền nói chung.
Cách nhau nửa vòng trái đất, có sự khác biệt đáng kể trong cách các quan chức được đãi ngộ. Người Việt Nam quen với chuyện con em quan chức được ưu tiên, thậm chí được đặt chỗ sẵn trong các cơ quan công quyền; được đi du học tự túc bằng tiền gia đình hoặc các suất học bổng của nhà nước. Số lượng con em quan chức được ra nước ngoài học không cần đến học bổng của các trường nước ngoài hay các tổ chức nước ngoài có lẽ, nếu liệt kê ra, chắc chắn đáng lưu tâm. Ông bà xưa từng nói “con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Câu tục ngữ ấy không phải tuyệt đối chính xác trong bối cảnh đất nước Việt Nam có nhiều cải cách đáng ghi nhận, nhất là việc áp dụng các mô hình thi tuyển công viên chức gần đây; nhưng hiện tượng ấy vẫn còn đáng kể.
Trong khi đó, với quan chức tại Mỹ hay nhiều nước châu Âu, họ rạch ròi giữa “đời bố và đời con”. Họ dấn thân vào chính trị bằng sự minh bạch và tư thế sẵn sàng công khai mọi thứ để dân chúng tin tưởng, tín nhiệm; quan trọng nhất là để tăng sự đồng thuận về chính trị, từ đó huy động được sức mạnh toàn dân. Ở Việt Nam ai cũng bất ngờ chuyện Phó Tổng thống Joe Biden thiếu tiền chạy chữa cho con, nhưng tại Mỹ có lẽ không có nhiều người bất ngờ như vậy, họ cũng quen với sự thật này rồi. Trong một hệ thống quản lý minh bạch, những gì thuộc về tài sản chung không được động đến. Người thân hay ngay cả con cái trong gia đình bị ốm đau, Phó Tổng thống phải tự bỏ tiền chi trả. Không có bệnh viện nào chữa chạy miễn phí cho con của một người chỉ vì ông ta là Phó Tổng thống. Như một bài báo Việt Nam nhận định, với lương 230 ngàn đô la/năm, ông Biden khó mà đủ tiền trả viện phí cho con, nếu như biết rằng mỗi lần chạy xạ tốn kém từ 5.000 đến 10.000 đô la tùy ca bệnh. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng “Tiền thuế của dân không thể dùng cho mục đích cá nhân, không thể là cái kho vàng để các quan chức khai thác”. Hay ngay như Tổng thống Mỹ Barack Obama, người được chú ý nhiều nhất thế giới với nhất cử nhất động, người nắm trong tay quyền lực hàng đầu thế giới, cũng chỉ đeo chiếc đồng hồ không quá 250 USD, thậm chí là rẻ hơn rất nhiều. Gia đình ông ấy vẫn phát đồ ăn cho nhân viên và cùng ăn với họ vào những dịp lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh, Năm mới,... Hình ảnh giản dị cùng cách sống mộc mạc, không xa xỉ của Obama là hình ảnh điển hình của hầu hết quan chức Tòa Bạch ốc nói riêng hay trong bộ máy điều hành đất nước Mỹ nói chung.
Chắc nhiều người vẫn còn nhớ cựu Tổng thống Uruguay, ông Mujica, người được mệnh danh là “tổng thống nghèo nhất thế giới” với mức thu nhập mỗi tháng chưa đến 800 USD. Ông hiến 90% mức lương cho các hoạt động thiện nguyện, chấp nhận một cuộc sống bình dân đến mức khó khăn để vừa tạo động lực cho bản thân, vừa tạo động lực cho người dân cùng cố gắng cải cách và hoàn thiện nến kinh tế, giảm nợ công, gia tăng phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục... cho người dân.
Học được gì từ Obama hay Biden?
Phải thừa nhận một sự thật rằng văn hóa chính trị và văn hóa ứng xử cá nhân giữa đông và tây là rất khác nhau, tuy nhiên trong một thế giới hội nhập có sự giao thoa giữa hai nền văn minh đông và tây, thì việc tiếp cận, học hỏi và hoàn thiện cách ứng xử chính trị của nhau là điều mà các nước nên lưu ý, trong đó có Việt Nam.
Thứ nhất, chuyện bán nhà chữa bệnh cho con của Phó Tổng thống Biden cho thấy cần có sự rạch ròi trong quan hệ và lợi ích của người làm quan chức và gia đình của họ. Tất nhiên, gia đình của các quan chức cũng được tạo những điều kiện và ưu đãi nhất định, ở đâu cũng vậy; nhưng nguyên tắc quan trọng nhất là phải minh bạch và rõ ràng, công khai và không sử dụng những gói tiền thuế mà người dân cần lao đóng góp. Ví dụ: Chính phủ sẵn sàng bỏ tiền cho con em quan chức đi du học, nhưng người đó phải xứng đáng với các tiêu chuẩn rõ ràng, được công khai và quan trọng hơn phải có sự cạnh tranh công bằng trong phạm vị xã hội chứ không phải chỉ được triển khai trong nội bộ với nhau.
Thứ hai, trong bối cảnh nguồn lực hữu hạn, nợ công cao nhưng nhu cầu của con người – một cách tự nhiên – vẫn là vô tận. Chiếc đồng hồ của Obama, ý định bán nhà chữa bệnh cho con của Biden, cuộc sống khó khăn của Mujica cho thấy quan chức Việt Nam phải vì dân mà tiết chế chi tiêu công quỹ, trong đó có những khoản tiêu dùng nhà nước cấp cho các vị. Ở tầm chính sách vĩ mô hơn, thiết nghĩ nên giảm bớt các chương trình hội hè, chè chén, gây tốn kém không cần thiết làm thiệt hại ngân sách quốc gia. Đã từng có thời gian dư luận Việt Nam dậy sóng, báo chí quốc tế cũng đưa tin và hình ảnh về nhà cửa, tài sản, hay đơn giản chỉ là căn phòng tiếp khách của một số quan chức hàng đầu nhà nước, chính phủ, bộ ban ngành khi còn tại chức cho đến lúc đã về hưu. Những hình ảnh đó không chỉ khiến xã hội hoài nghi, mất phần nào niềm tin về sự đồng cảm giữa quan chức và dân chúng mà còn khiến một bộ phận không nhỏ dân chúng cần lao chỉ biết thở dài, bởi họ làm lụng khổ nhọc cả đời để đóng thuế cho một bộ phận nhỏ người khác hưởng thụ. Làm lãnh đạo là để lo cho dân, chứ đâu phải để cho dân lo.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.