Các nhóm nhân quyền và người thân của ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc gốc Việt, cho biết ông đã bị giam giữ ở Việt Nam trong 6 tháng qua mà không có luật sư bảo vệ, và họ bày tỏ lo ngại cho sức khỏe của người đàn ông 70 tuổi này.
Ông Khảm, một thành viên của Việt Tân, bị bắt ở TP HCM hồi tháng 1 năm nay khi tiếp xúc với một thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức bị nhà nước Việt Nam cấm hoạt động, theo đài truyền hình ABC của Úc.
Ông Khảm đang bị điều tra về tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo luật hình sự của Việt Nam vì đã nhập cảnh với giấy tờ giả.
Báo Công an Nhân dân hồi cuối tháng 1 nói rằng ông Khảm nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để “kiểm tra, đánh giá và tổ chức huấn luyện” cho các đối tượng nội địa, tiến hành các hoạt động chống phá.
Thông cáo của Việt Tân ra ngày 25/1 nói ông Khảm “trở về để thu thập dữ kiện và lượng định thực trạng nhân quyền tại quê nhà”, cho dù ông “biết việc đi về Việt nam sẽ có nhiều rủi ro và bị chế độ Cộng sản Việt Nam ngăn chặn.”
Việt Tân là một tổ chức vận động dân chủ có trụ sở ở Mỹ bị Việt Nam gán mác là “khủng bố.”
Theo thông tin của đài ABC từ tòa lãnh sự Úc ở TP HCM, mặc dù ông Khảm được phép nhận thuốc men, thực phẩm và thiệp chúc sinh nhật từ gia đình nhưng công dân Úc gốc Việt này sẽ chỉ được phép gặp luật sư biện hộ khi nào cuộc điều tra đã kết thúc vì lý do “bảo mật.”
Gia đình ông Khảm và tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) khẳng định rằng ông Khảm bị từ chối có luật sư biện hộ trong thời gian bị điều tra, và điều này có nghĩa là các thông tin về vụ án của ông rất hạn chế.
Theo ABC, nhà cầm quyền Việt Nam đã kéo dài thời gian điều tra cho tới tháng 9 và có thể gia hạn thêm nữa. Ông Khảm đang bị điều tra về tội danh có mức án tù lên tới 20 năm và thậm chí, tối đa là tử hình.
“Trường hợp của Châu Văn Khảm cho thấy sự vô lý của hệ thống tư pháp Việt Nam, nơi những người bị buộc tội vi phạm an ninh quốc gia không được tiếp cận luật sư,” một người phát ngôn của tổ chức Ân xá Quốc tế được The Guardian trích dẫn cho biết. “Mọi người đều có quyền được xét xử theo đúng quy trình và được biện hộ đầy đủ.”
Ông Khảm là thành viên đầu tiên của Việt Tân ở Úc bị bắt vì hoạt động cổ vũ dân chủ ở Việt Nam, theo ABC.
Carl Thayer, Giáo sư tại Học viện Quốc phòng của Đại học New South Wales, nói với ABC rằng những hành động “trấn áp” (người dân) đã trở thành một việc rất đỗi “bình thường” ở Việt Nam, dựa trên những điều luật mơ hồ trong bộ luật hình sự. Giáo sư Thayer mô tả các điều khoản trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam là: “Rất chính trị, mơ hồ và quá chung chung để kết tội bất cứ ai.”
Hệ thống truyền thông ABC của Úc dẫn lời Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu, Nguyễn Văn Bon, nói rằng việc vi phạm di trú của ông Khảm nên được giải quyết nhanh chóng và ông Khảm không thể bị trừng phạt theo luật an ninh quốc gia vì những sinh hoạt nhân quyền.
“Tôi đã yêu cầu Chính Phủ Úc nhanh chóng giải quyết sự việc và đưa ông Khảm về Úc vì ông ta đã không làm điều gì sai,” ông Bon nói.
Việc giam giữ ông Khảm là một trong rất nhiều trường hợp mà các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền mô tả là thể hiện tình trạng đàn áp ngày càng tồi tệ với những người phản kháng tại Việt Nam.
Tháng trước, một công dân Mỹ, ông Michael Nguyen, bị kết án 12 năm tù giam vì tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền.”
Tháng 5 năm nay, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cho biết có ít nhất 128 tù nhân lương tâm bị giam giữ trên toàn quốc - một sự gia tăng đột ngột so năm ngoái, chỉ có 97 người.
Theo nhóm “The 88 project” vận động cho quyền tự do phát biểu, thì có tới 266 nhà hoạt động đã bị giam giữ ở Việt Nam.