Lợi nhuận bất hợp pháp từ lao động cưỡng bức lên đến 150 tỉ USD một năm

Nhiều nạn nhân của nạn buôn người cố gắng để thoát khỏi điều kiện lao động cưỡng bức hoặc bóc lột tình dục trong các trại giam di dân không có điều kiện trợ giúp pháp lý, tư vấn, hoặc chăm sóc y tế.

Một báo cáo mới cho thấy những kẻ buôn lậu, chủ thuê mướn và tổ chức tội phạm thu vào 150 tỉ USD một năm từ việc hoạt động mua bán tình dục và khai thác kinh tế cưỡng bức. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho VOA từ buổi công bố phúc trình của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) ở Geneva.

Lao động cưỡng bức bị chính quyền trừng trị vẫn xảy ra, nhưng Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết phúc trình của họ tập trung vào mảng tư nhân.

Dữ liệu của bản phúc trình đầu tiên về kinh tế trên lao động cưỡng bức đã được thu thập trong suốt thời gian 10 năm. Nó bao gồm hơn 7.000 trường hợp lao động cưỡng bức và lời khai từ các nạn nhân.

Báo cáo cho biết hoạt động khai thác tình dục thương mại chiếm 2/3 trong khoản ước tính 150 tỉ USD lợi nhuận bất hợp pháp. Báo cáo cũng cho biết 1/3 kết quả là từ khai thác kinh tế cưỡng bức, bao gồm làm việc nhà, nông nghiệp, sản xuất, xây dựng, đào mỏ và các ngành phục vụ công cộng.

Người phụ trách Chương trình Hành động Ðặc biệt của ILO để Chống Lao động Cưỡng bức, Beate Andrees, cho biết lợi nhuận hang năm từ hoạt động thương mại bất hợp pháp này cao nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vì một số lớn nạn nhân đến từ đó.

“Ước tính lớn thứ nhìn là ở các nền kinh tế phát triển, bao gồm các nước thành viên của EU và điều này có thể được giải thích bằng giá trị gia tang trên mỗi lao động ở các nước đó. Lợi nhuận hằng năm trên mỗi nạn nhân đạt cao nhất ở các nền kinh tế phát triển, tiếp theo là Trung Ðông và thấp nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Phi”.

Phúc trình ước tính có 21 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em có liên quan đến lao động cưỡng bức, hầu hết là trong lĩnh vực tư nhân. Báo cáo cho biết có 5,5 triệu trẻ em và 2,2 triệu là nạn nhân của lao động cưỡng bức được chính quyền cho phép.

Một trong số những nạn nhân chính của lao động cưỡng bức là trẻ em.


Bản nghiên cứu cũng cho thấy có hơn phân nửa số người bị lao động cưỡng bức là phụ nữ và các bé gái, chủ yếu là trong hoạt động khai thác tình dục thương mại và làm việc nhà, trong khi đàn ông và các bé trai chủ yếu bị buộc phải làm việc về nông nghiệp, xây dựng và đào mỏ.

“Những phát hiện cho thấy các hộ gia đình cực kỳ nghèo khổ, họ rất khó khăn khi phải giải quyết những sự kiện chấn động bất ngờ về thu nhập nên cần phải vay mượn tiền để chi tiêu tạm thời, họ chính là những người có nguy cơ cao bị lao động cưỡng bức hơn những người khác. Ðây là trường hợp rất thường xuyên và rồi toàn bộ cả gia đình bị liên lụy vào. Vì vậy, chúng tôi không chỉ nói về các bậc phụ huynh mà còn là những đứa trẻ cuối cùng cũng bị rơi vào tình trạng lao động cưỡng bức”.

Phúc trình cho biết có những yếu tố khác đẩy các cá nhân vào lao động cưỡng bức bao gồm thiếu giáo dục, mù chữ, giới tính và tình trạng nhập cư.

ILO thực hiện những khảo sát thí điểm ở 8 quốc gia và thấy rằng những hình thức truyền thống của lao động cưỡng bức gồm cả gia đình phải lao động để trả nợ, làm việc như nô lệ và gánh nặng nợ nần rất phổ biến ở Nepal, Niger và Guatemala. ILO cũng làm khảo sát ở Bolivia, Bờ Biển Ngà, Armenia, Moldova và Georgia, nơi những hình thức hiện đại hơn của nô lệ được áp dụng.

Hội nghị hằng năm của ILO vào cuối tháng này bắt đầu xây dựng các tiêu chuẩn mới để giải quyết tình trạng lao động cưỡng bức. Tổ chức này đang kêu gọi nới rộng các biện pháp bảo vệ xã hội cho người nghèo, đầu tư vào giáo dục và huấn luyện kỹ năng, và quảng bá quyền của người lao động nhập cư.