Thông tín viên đài VOA có dịp đi theo một toán chuyên viên đi đo mực nước trên sông Mekong. Họ dùng loại sào đặc biệt đặt bên sườn tàu để chọc xuống lòng sông. Các tín hiệu dội ngược từ lòng sông được phản ánh lên cây sào giúp các chuyên viên biết được mực nước sâu bao nhiêu.
Ông Nappon Nampon, chuyên gia thăm dò nước sông Mekong từ 36 năm nay, và nói rằng chưa năm nào ông thấy mực nước đã xuống mức thấp như năm nay.
Ông Nampon cho biết: “Có nhiều tàu thuyền Trung Quốc bị mắc cạn ở đây, và khi có sự cố này xảy ra, người Trung Quốc ở thượng nguồn xả ra một số nước để các tàu này có thể ngược dòng trở về.”
Các viên chức Hải quan Thái nói rằng năm nay thương nghiệp trên sông Mekong đã giảm hơn phân nửa vì Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất trên con sông này, và những chiếc tàu hàng lớn của họ không còn lưu thông được trên dòng nước cạn.
Mùa khô năm nay bắt đầu sớm hơn thường lệ rất nhiều khiến nước sông hạ thấp nhất từ nhiều thập niên gây tổn hại cho hàng triệu người sinh sống dọc theo con sông.
Tại làng Pak-Ing cũng như một làng khác ven sông Ing, một phụ lưu của Mekong, nông dân thường bơm nước từ sông Ing để tưới ruộng.
Anh nông dân Suwandee nói con sông này bình thường sâu từ 1 tới 2 mét, thì bây giờ chưa được nửa mét. Hậu quả là mùa vụ của anh chỉ được 1/3 so với những năm trước.
Anh Suwandee nói: “Chúng tôi bơm nước uống từ sông Mekong mà bây giờ mực nước cực kỳ thấp. Không những mùa màng thất bát mà cá tôm cũng chẳng còn để mà đánh bắt.”
Nhiều dân làng nghi những con đập thủy điện ở thượng nguồn của Trung Quốc làm nước cạn.
Ông Roykaew, Chủ Tịch của một liên minh các nhóm bảo vệ tài nguyên sông Mekong nói rằng họ mong Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về những con đập của họ.
Ông Roykaew nói: “Họ xây một, hai, ba rồi bốn con đập. Họ chẳng cung cấp thông tin gì về những con đập đó. Họ cũng chẳng nói với ai là đang làm gì với những con đập đó.”
Ông Jeremy Bird, đứng đầu Ủy ban sông Mekong, lại nói rằng nạn hạn hán không phải do những con đập của Trung Quốc. Ông cho biết các chuyên gia cho rằng nước sông cũng sẽ không cao gì hơn nếu không có đập tại Trung Quốc.
Ông nói, một khi Trung Quốc xây xong đập và phát điện xong, họ sẽ phải xả nước ra trong mùa khô. Bởi vì muốn phát điện, nước phải được xả đều đặn qua đập. Lượng nước tăng trong mùa khô có thể giúp các quốc gia ở hạ nguồn có thể tưới tiêu, phục vụ các nhà máy công nghiệp hoặc các thành thị.
Tuy nhiên, ông cũng nói những con đập có thể gây ra một vấn đề khác:
“Có những lo ngại liên quan đến việc hạ giảm khối lượng trầm tích trong con sông. Và những lớp trầm tích, nghĩa là lớp cặn dưới đáy sông, có nhiều chất bổ dưỡng. Chính nó nuôi sống vùng châu thổ này.”
Lãnh đạo các nước trong Ủy Ban sông Mekong - gồm có Kampuchea, Lào, Thái và Việt Nam sẽ họp tại Thái Lan trong những ngày tới đây cùng với đại diện từ Trung Quốc và Miến Điện.
Họ sẽ cùng bàn thảo về nạn hạn hán và cách chia sẻ nguồn tài nguyên của con sông để tất cả những người sống dọc theo sông Mekong đều hưởng lợi.
Hội nghị cũng sẽ yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về những con đập của họ, cũng như các cách sử dụng khác của họ đối với con sông này.