Melbourne

Melbourne

Năm nào cũng vậy. Cứ đến cuối năm là tôi lại bồn chồn muốn bay về Melbourne ăn Giáng Sinh, tất niên với gia đình, bè bạn. Tuy đây không phải là nơi tôi sinh ra nhưng nó là nơi tôi đã lớn lên và trưởng thành trước khi bôn ba với cuộc sống ở nhiều nơi, trên nhiều nước.

Ở một phương diện nào đó, Melbourne đã có nhiều thay đổi. Nếu như trong thập niên 1980, 1990, hầu như không có một ai sống ngay trong khu trung tâm thành phố thường được gọi tắt là CBD (Central Business District) thì trong những năm gần đây có đến trên 40,000 người chọn sống trong ngay khu phố xá CBD đông người qua lại này.

Cũng vì vậy mà mấy hôm nay đi vô city (nói theo kiểu người địa phương) tôi thấy Melbourne trông có vẻ như đông đúc, chật chội, ồn ào hơn. Mặc dù nó vẫn chỉ là thành phố lớn thứ hai của nước Úc (sau Sydney) với dân số khoảng độ chừng 4 triệu người. Nhưng nơi đâu, lúc nào cũng tấp nập người qua lại nhất là ở các tiệm ăn, quán uống của người Á Châu gần khu Chinatown ngay góc đường Little Bourke và Russell.

Không như những thập niên trước đến Chủ Nhật là hàng quán, shopping đều đóng cửa, thành phố vắng tanh chẳng có một ai thì bây giờ những ngày cuối tuần lại là lúc phố xá lên đèn rộn rịp nhất với đủ màu da, sắc tộc sinh hoạt, mua bán, sống chung đụng gần nhau.

Có thể nói bộ mặt của Melbourne CBD trong thập niên 2000 đã được hoàn toàn thay đổi.

Theo các sách báo cho biết những sinh viên du học và thành phần di dân trẻ có tay nghề cao là những người có công trong việc giúp cho thành phố Melbourne có một bộ mặt mới. Không biết các bạn có biết không nhưng từ lâu giáo dục đã trở thành một trong những kỹ nghệ lớn nhất của nước Úc với hàng trăm ngàn sinh viên đến du học từ khắp mọi nơi, nhất là từ Á Châu.

Trung bình mỗi sinh viên phải trả lệ phí học từ 30 đến 40 ngàn đô mỗi năm chưa kể tiền nhà, tiền ăn, sinh hoạt mỗi ngày. Riêng đối với những di dân đến nước Úc qua diện có tay nghề cao (skilled migration), đa số đều là những người có học thức cao, có nghề nghiệp vững chắc với bản chất cần cù, lương thiện. Họ chính là những người bươn chải nhất đã và đang giúp nước Úc phát triển ngày càng giàu mạnh. Nếu như mỗi năm nước Úc chỉ nhận khoảng 12,000 người di dân qua diện nhân đạo (trong đó bao gồm cả những người tỵ nạn) thì từ đầu thập niên 2000 cho đến nay, mỗi năm nước Úc cấp gần 200,000 visa cho phép những người có tay nghề cao sang nước Úc định cư vĩnh viễn. So với dân số của cả nước chưa đến 23 triệu người thì đây rõ là một con số khá lớn.

Cả hai thành phần này đa số lại là những người Á Châu đến từ những thành phố lớn sầm uất nhất thế giới như Hồng Kông, Seoul, Bombay, New Dehli, Kuala Lumpur, v.v…từ nhỏ họ đã quen sống ở những nơi chật hẹp, đông đúc người qua lại nên việc họ chọn ở ngay khu trung tâm thành phố thay vì ở những khu suburb xa, vắng vẻ âu cũng là điều dể hiểu.

Nếu có dịp, chắc chắn các bạn nên ghé thăm thành phố Melbourne nằm ngay góc đông nam của lục địa Úc Châu. Vì xen lẫn những khu phố nhỏ phủ đầy cây xanh phảng phất vẻ đẹp cổ kính của những thành phố ở Châu Âu là sự náo động, ồn ào mà bạn đã từng thấy ở những khu đô thị trong vùng Đông Nam Á. Có thể nói cho đến nay Melbourne đã may mắn dung hòa được cái gọi là ‘the best of both worlds’ – những gì tốt nhất của hai thế giới Đông và Tây.

Nhưng trên một phương diện nào đó, đối với riêng tôi, Melbourne vẫn vậy không một chút thay đổi. Khu Glenroy nơi ba mẹ tôi định cư gần 30 năm nay vẫn thế, không đông hơn, cũng chẳng ồn ào hơn tuy nó cách trung tâm thành phố chỉ độ chừng 15 phút lái xe. Vẫn khu chợ Coles nhỏ bé với vài hàng quán, tiệm bánh mì, take away. Vẫn những căn nhà vách gạch, mái ngói với sân cỏ trước sau.

Và những con người bình dị, hòa đồng, hiếu khách.

Đám bạn tôi cũng thế. Ai cũng có từng ấy việc làm, một chồng, một vợ với hai ba đứa con chạy quanh nhà. Nhà cửa, xe cộ, cơ nghiệp ai cũng có. Và hạnh phúc với những gì chúng nó đã đạt được. Năm nào tôi về chúng nó cũng hỏi tôi: mày có định về lại đây không?

Có chứ. Năm nào về lại Melbourne, mỗi tối trên quãng đường về nhà quen thuộc, tai nghe tiếng hát nhẹ nhàng trầm ấm của Michael Buble trong nhạc phẩm nổi tiếng ‘Home’ tôi cũng muốn quay về:

Another summer day
has come and gone away
Paris or Rome, but I wanna go home
(Một ngày hè đã đến và đi, Paris hay Rome, nhưng tôi muốn về nhà)
Maybe surrounded by
a million people but I
still feel all alone
I just wanna go home
(Quanh tôi có thể là hàng triệu người, nhưng tôi vẫn thấy cô quạnh, tôi chỉ muốn về nhà)



Tiết tấu nhạc vừa chậm, vừa buồn lại càng làm cho tôi muốn quay trở về nơi luôn cho tôi có cảm giác thật bình yên, lắng đọng. Nhưng có lẽ mỗi người một số phận. Ngay cả khi ý muốn của chúng ta là được sống gần gia đình, gần cha mẹ nhưng thực tế và những hoài bão riêng tư của mỗi người sẽ mang ta đến nơi mà cũng chính ta tự chọn cho là ‘home’.

Và như trong bài blog tuần trước tôi đã chia xẻ với các bạn: Home is where the heart is.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.