Chủ sở hữu Facebook, công ty Meta, hôm 4/10 công bố đã xây dựng một mô hình AI mới có tên là Movie Gen có thể tạo ra các đoạn audio và video có vẻ chân thực theo mệnh lệnh của người dùng, tuyên bố rằng nó có thể cạnh tranh với các công cụ từ các công ty khởi nghiệp truyền thông hàng đầu như OpenAI và ElevenLabs.
Các mẫu sáng tạo của Movie Gen do Meta cung cấp cho thấy các video về động vật bơi lội và lướt sóng, cũng như các video sử dụng ảnh thật của con người để mô tả họ thực hiện các hành động như vẽ tranh.
Meta cho biết trong một bài đăng trên blog rằng Movie Gen cũng có thể tạo nhạc nền và hiệu ứng âm thanh được đồng bộ hóa với nội dung của video và sử dụng công cụ này để chỉnh sửa các video hiện có.
Trong một video như vậy, Meta đã sử dụng công cụ này để gắn quả bóng trang trí vào tay một người đàn ông đang chạy một mình trên sa mạc, trong khi ở một video khác, công cụ này đã biến bãi đậu xe, nơi một người đàn ông đang trượt ván, từ mặt đất khô ráo thành một bãi đậu xe phủ đầy vũng nước bắn tung tóe.
Meta cho biết video do Movie Gen tạo ra có thể dài tới 16 giây, trong khi âm thanh có thể dài tới 45 giây.
Loan báo về sản phẩm mới được đưa ra khi Hollywood đang vật lộn với cách khai thác công nghệ video AI trong năm nay, sau khi OpenAI do Microsoft hậu thuẫn vào tháng 2 lần đầu tiên giới thiệu cách mà sản phẩm Sora của họ có thể tạo video giống phim theo mệnh lệnh từ văn bản.
Các nhà công nghệ trong ngành giải trí rất muốn sử dụng các công cụ như vậy để nâng cao và đẩy nhanh quá trình làm phim, trong khi những người khác lo lắng về vấn đề bản quyền.
Các nhà lập pháp cũng đã nêu bật mối quan ngại về cách thức sử dụng các nội dung giả mạo do AI tạo ra, hay deepfake, trong các cuộc bầu cử trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Hoa Kỳ, Pakistan, Ấn Độ và Indonesia.
OpenAI đã họp với các giám đốc điều hành và đại lý của Hollywood trong năm nay để thảo luận về các quan hệ đối tác có thể có liên quan đến Sora, mặc dù chưa có thỏa thuận nào được báo cáo là đã đạt được sau các cuộc đàm phán đó. Sự lo lắng về cách tiếp cận của công ty đã tăng lên vào tháng 5 khi nữ diễn viên Scarlett Johansson cáo buộc nhà sản xuất ChatGPT bắt chước giọng nói của cô cho chatbot của họ mà không được phép.