2020, một năm chưa từng có tiền lệ

Ngăn chặn cháy rừng ở California, 26 tháng 10, 2020.

2020 là một năm không tiền lệ. Tuy không lắm biến sự như những năm trước, 2020 lại là năm đầy những bất an và bất định hơn hẳn.

Có thể tóm tắt năm 2020 vào ba sự kiện chính. Một, thay đổi khí hậu, với các vụ cháy rừng khủng khiếp tại Úc và Mỹ. Hai, đại dịch Covid-19, làm thay đổi cách sống, suy nghĩ, làm việc và giao tiếp trong mọi hoạt động của con người. Ba, bầu cử Mỹ, có lẽ chưa bao giờ kéo dài và chia rẽ không chỉ tại Mỹ mà còn nhiều nơi trên thế giới.

Thay đổi khí hậu

Ngay vào những ngày đầu năm 2020, nạn cháy rừng tại Úc đã lây lan tại nhiều tiểu bang, làm hàng trăm thị trấn dọc bờ biển phía đông bị cháy và gặp nguy cơ đe dọa sống còn. Hơn 12.6 triệu héc ta khắp Úc bị cháy, 434 triệu tấn CO2 bị thải ra môi trường, và cả tỷ động vật bị giết hại. Hình ảnh vệ tinh chụp nạn cháy rừng do cơ quan Maxar Technologies thực hiện mô tả rõ hơn ngàn lời viết.

Tương tự, nạn cháy rừng tại Mỹ dọc bờ biển phía Tây vào tháng 9 năm nay, đặc biệt tại bang California, đã thiêu rụi 3 triệu héc ta.

Hạn hán kéo dài và nhiệt khí cao đã là nguyên nhân chính gây ra cháy rừng. Dù lực lượng phòng cháy chữa cháy tại hai quốc gia này đông đảo và được trang bị với kỹ thuật và kinh nghiệm tối tân nhất, sức mạnh con người vẫn không so bì với sức mạnh thiên nhiên. Thay đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất của nhân loại khắp nơi, dù nhiều người, kể cả lãnh đạo chính trị nhiều nơi, có xu hướng phủ nhận sự thật này.

Bỏ ra ngoài những cuộc tranh cãi và những tiếng ồn, bầu trời tại nhiều thành phố của Úc và Mỹ như Victoria và NSW, và California trong suốt thời gian cháy rừng được bao phủ bởi màu vàng xám và không khí ngột thở.

Đại dịch Covid-19

Ngày 25 tháng Giêng, Úc phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, lúc đó được gọi nhiều tên khác nhau như là SARS CoV2 hay chung chung là Coronavirus. Ca Covid-19 đầu tiên xảy ra tại Vũ Hán, được phát hiện vào ngày 17 tháng 11 năm 2019. Tháng Hai, các ca nhiễm Covid-19 được lây lan sâu rộng ra toàn thế giới, và biên giới quốc gia bắt đầu được khép lại.

Thị trường chứng khoán của Úc mất 140 tỷ đô la Úc (100 tỷ Mỹ kim) vào ngày 9 tháng Ba. Năm công ty kỹ nghệ lớn nhất của Mỹ mất tổng cộng 320 tỷ đô la trị giá chứng khoán, trong đó công ty Apple chiếm gần một phần ba, mất trị giá 100 tỷ đô la Mỹ. Ngày 16 tháng Ba, thị trường toàn cầu trải qua đợt sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1987.

Một năm sau, từ một ca nhiễm Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, toàn thế giới bây giờ có 82,478,918 ca nhiễm và 1,799,652 người chết (số liệu từ John Hopkins University, ngày 31 tháng 12). Mỹ có 341,059 người chết, nhiều nhất trên thế giới, và Brazil có 192,681 người chết, mà trước đây Tổng thống Jair Bolsonaro không những không công nhận mức độ nghiêm trọng của Covid-19 mà còn đi ngược lại cố vấn của các viên chức y tế của mình. Cuối tháng 12 này, Nam Cực đã ghi nhận có 36 ca nhiễm. Nghĩa rằng không còn bất cứ nơi nào trên thế giới không bị nhiễm Covid-19.

Phần lớn các phi cơ, các sinh hoạt hội tụ tôn giáo lớn quy tụ hàng trăm ngàn người hàng năm như của Hồi giáo ở Mecca vào tháng Tư, hay Công Giáo tại quảng trường St Peter ở Vatican, gần như ngưng hoạt động hoàn toàn.

Tin vui cho nhân loại vào cuối năm là một số loại vaccine đã được cho phép sử dụng. Sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật để chế tạo vaccine trong thời gian kỷ lục là điều khích lệ hiện nay và tương lai. Tại Mỹ, Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh (CDC) đã phê chuẩn hai loại vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna, và ba loại vaccine khác đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm gồm AstraZeneca, Janssen và Novavax trước khi được CDC cấp giấy phép hoạt động.

Tuy thế, có lẽ đến năm 2022 hoặc xa hơn thì tình hình Covid-19 mới khả quan. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì nếu có đủ lượng 2 tỷ vaccine để chích ngừa cho 20 phần trăm dân số thế giới thì đến cuối năm 2021, giai đoạn nguy kịch của đại dịch mới qua khỏi. Nhưng vẫn còn đến 80% dân số toàn cầu còn lại cần chích ngừa. Tuy đây là viễn ảnh tốt nhất có thể, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời. Hiện chưa có đủ bằng chứng để kết luận một khi được chích ngừa cho Covid-19 thì có nguy cơ bị lại hay không? Có phản ứng ngược nào nghiêm trọng đến chết không? Bao lâu cần phải chích lại? Và nếu Covid-19 biến đổi thì các vaccine hiện nay có còn hiệu nghiệm không? V.v…

Bầu cử Mỹ 2020

Sự kiện sau cùng, và có lẽ tác động sâu xa nhất lên người Việt, là bầu cử Mỹ 2020, trong đó có bầu chọn lại tổng thống. Có thể nói chưa có cuộc bầu cử Mỹ nào mà chiếm sự quan tâm nhiều đến độ những người bàng quan nhất mà tôi được biết, tức từ trước đến nay hoàn toàn không quan tâm gì đến chính trị hay bầu cử tại Mỹ, cũng theo dõi diễn tiến này.

Điều đáng nói nhất về bầu cử Mỹ là các vấn đề sau đây. Gần 5 ngày sau ngày bầu cử, phía Biden – Harris được công nhận là chiến thắng, với 306 phiếu cử tri đoàn dành cho Biden – Harris và 232 dành cho Trump – Pence. Phía bên Trump không công nhận kết quả và khởi kiện gian lận bầu cử tại nhiều bang, đều là các bang Trump thua. Cho đến nay, trong hơn 50 vụ kiện cáo do chính luật sư của Trump, hoặc không phải do Trump, thì có ít nhất 50 vụ đã bị từ chối, bác bỏ, giải quyết hoặc rút lại. Ngày 14 tháng 12, cử tri đoàn chính thức bầu từng phiếu, và Biden – Harris vẫn được 306 phiếu so với 232 phiếu dành cho Trump – Pence. Về phiếu phổ quát thì Biden – Harris đạt 81,283,098 phiếu, tức 51.3% trong khi Trump – Pence được 74,222,957 phiếu, tức 46.8%. Bên Biden – Harris có hơn 7 triệu phiếu. Hơn 159 triệu công dân Mỹ tham gia bầu cử, và đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. So với các cuộc bầu cử trước đây thì hầu như ai cũng biết được kết quả bán chính thức sau ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11, ngoại trừ các trường hợp bất thường như bầu cử năm 2000 giữa George W Bush và Al Gore. Tuy nhiên, những vụ cáo buộc gian lận và không công nhận kết quả từ phía Trump đã thay đổi các tiền lệ và truyền thống đó. Do đó mà ngày 6 tháng Giêng năm 2021 tới đây, quốc hội Mỹ sẽ nhóm họp, và Phó Tổng thống Pence sẽ chủ tọa tiến trình kiểm phiếu chính thức của cử tri đoàn và sẽ công bố kết quả của mỗi bang theo thứ tự tên từ A đến Z. Đây thường là một thủ tục mang tính hình thức để chính thức thông qua kết quả bầu cử, mà những kỳ bầu cử trước đây chẳng mấy ai quan tâm. Kỳ này lại chiếm sự quan tâm tối đa của dư luận. Hiện nay phía ông Trump vẫn tiếp tục nộp đơn kiện lên tòa tối cao tại Pennsylvania về phiếu bầu bằng thư mà tòa tại bang này đã bác bỏ. Ngoài ra, phía ông Trump vẫn còn cơ hội cuối cùng để thách thức kết quả bầu cử vào ngày 6 tháng Giêng, nhưng cơ hội đó thật khá mong manh. Chính lãnh đạo đảng Cộng hòa tại thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, đã chính thức chúc mừng và công nhận ông Biden – Harris thắng cử và yêu cầu các thành viên chớ tham gia vào việc phản đối kết quả bầu cử khi quốc hội họp mặt vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021.

Một tỷ lệ khá đông người Mỹ, trong đó có nhiều người Việt, không muốn công nhận kết quả bầu cử này và muốn ông Trump thắng. Họ vẫn tin vào cáo buộc gian lận bầu cử, điều mà cho đến nay bị tòa các cấp bác bỏ hoàn toàn vì không có bằng chứng. Ngay cả Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người vừa mới từ nhiệm cách đây không lâu, cũng xác nhận không có bằng chứng gian lận bầu cử nào có thể đảo ngược kết quả. Ông Barr là người đại diện cho nền công lý Mỹ, và trong chuyện này ông tin tưởng vào các cơ quan công quyền và nền tư pháp Mỹ. Nhưng vẫn có người phủ nhận tất cả những bằng chứng trưng bày trước mặt họ. Họ chỉ muốn thấy ông Trump thắng bằng mọi giá. Phương cách này vô cùng nguy hiểm: dùng tiến trình/thể chế dân chủ để tiêu diệt dân chủ.

Một cuộc đảo ngược ý nguyện của đa số người dân Mỹ, cử tri đoàn và tòa án tối cao liên bang, là điều không ai muốn chịu trách nhiệm trước lịch sử, ngay cả ông Pence. Được biết ông Pence không muốn tiến hành cuộc “đảo chánh” như thế. Nếu kết quả bầu cử có khác đi với những gì được chọn qua một tiến trình dân chủ thì đây sẽ là bước đầu tiêu diệt dân chủ và là bước tiến đến độc tài. Nếu, chỉ là nếu thôi, rằng ông Trump, vì lý do nào đó, có thể lật ngược lại kết quả được, thì trong tương lai các cuộc bầu cử sẽ không còn ý nghĩa gì. Cộng hòa làm được thì Dân chủ cũng làm được. Quy định, hiến pháp và pháp luật không còn giá trị. Nếu vậy thì đây là một cuộc khủng khoảng hiến pháp, và cần phải sớm thay đổi. Hệ quả sau cùng sẽ không thể nào đo lường được. Nó không chỉ tạo ra một tiền lệ vô cùng tiêu cực cho tương lai mà còn là sự suy sụp trầm trọng cho nền dân chủ Mỹ, và thế giới. Phía hưởng lợi nhiều nhất là các chế độ và lãnh tụ độc tài.

Những thách thức tương lai

Năm 2020 cũng đánh dấu sự lan tràn tin giả và thuyết âm mưu chưa từng có, từ vấn đề nguồn gốc Covid-19 cho đến các thông tin liên quan đến Covid-19 và bầu cử Mỹ. Nó cũng đánh dấu sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran khi Trump ra lệnh ám sát tướng Qassem Soleimani; và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khi Mỹ liên tục áp lực bằng nhiều biện pháp, từ kinh tế đến chính trị, xã hội và giáo dục lên các hành vi áp bức của Trung Quốc tại Tân Cương và Hồng Kông.

Trong ba sự kiện nổi bật nêu trên, bầu cử tổng thống Mỹ và nạn cháy rừng cũng không được đưa tin hay bình luận nhiều bằng đại dịch Covid-19. Theo tạp chí The Economist, thì đại dịch Covid-19 đã chiếm áp đảo tin tức hơn bất cứ đề tài nào khác kể từ Thế Chiến II.

Vào cuối năm 2020, chúng ta có thể vui mừng với tin vaccine như Pfizer-BioNTech có hiệu nghiệm 95%. Tuy vậy, Bill Gates cho rằng sẽ có hàng triệu người chết vì Covid-19 trước khi nó qua khỏi, nhưng sự sản xuất số lượng vaccine khổng lồ sẽ giúp nhân loại ngăn chặn đại dịch Covid-19 này cuối năm 2021. Nhưng Gates cho rằng thay đổi khí hậu có nguy cơ còn tàn khốc hơn Covid-19 cho nhân loại trong các thập niên tới. Đối diện với thử thách môi trường thì cơ hội để đầu tư vào năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, chẳng hạn, là hướng đi tương lai.

Thế giới vẫn còn lắm thử thách trong thời đại này. Tin giả gây thiệt hại (disinformation) có thể thay đổi các quyết định đúng đắn cho mỗi người, dù đó là về sức khỏe, uy tín và danh dự của một người, hay rộng hơn, về bầu cử để tuyển chọn người xứng đáng lèo lái con thuyền quốc gia. Tin giả cũng gây ảnh hưởng tiêu cực lên trên các quyết định cần thiết cho các thế hệ tương lai, nhất là về thay đổi khí hậu.

Tóm lại, thông điệp chính của năm 2020 là thử thách và cơ hội. Chúng ta có thể lạc quan vào cuối năm, nhưng cũng không nên quên viễn ảnh về bao thách thức và cơ hội đối diện nhân loại trước mặt.