Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có hành động lịch sử tại Liên Hiệp Quốc vào ngày mai để tìm cách làm chậm lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sửa chữa một số thiệt hại khi họ ký thoả thuận toàn cầu về vấn đề khí hậu đạt được tại Paris hồi tháng 12 năm ngoái. Thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA tường thuật từ New York.
Siêu bão Winston đã ập vào đảo quốc Fiji ở Thái Bình Dương hồi tháng hai vừa qua, giết chết 44 người và gây ra những thiệt hại vật chất lên tới 1 tỉ đô la.
Thủ tướng Fifi, ông Josaia Bainimarama, cho rằng những sự kiện thời tiết cực độ xảy ra mỗi lúc một nhiều là hậu quả của biến đổi khí hậu.
"Tần suất và cường độ của những sự kiện thời tiết cực độ như bão Winston đang trên đà gia tăng. Và tất cả chúng ta ai nấy đều phải lo lắng về ảnh hưởng của nó, không chỉ riêng cho chúng ta, mà còn cho những thế hệ mai sau."
Nhà lãnh đạo Fiji cho biết như thế trong lúc hơn 60 vị tổng thống và thủ tướng cùng với mấy mươi giới chức cấp cao của hơn 130 quốc gia tụ họp ở New York để ký kết thoả thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Paris hồi tháng 12 năm ngoái.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tán dương hiệp ước Paris là một “bước ngoặt” trong sự ứng phó của thế giới đối với nạn biến đổi khí hậu.
"Đó là cách thức duy nhất để chúng ta cứu Trái đất, hành tinh có một không hai này."
Ngoài việc đồng ý ra sức giới hạn sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu ở mức 2 độ C, hiệp ước Paris cũng đề ra một lộ đồ cho việc giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và những biện pháp nhằm giảm bớt tác động của tình trạng tăng nhiệt toàn cầu, trong đó có việc sử dụng các loại năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Ông Selwin Hart, viên chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, cho biết như sau về Hiệp ước Paris mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ ký kết vào ngày mai tại New York.
"Để Hiệp ước Paris có hiệu lực nó phải vượt qua hai ngưỡng cửa rất quan trọng. Thứ nhất là ít nhất 55 nước ký kết Công ước Khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu phải phê chuẩn hiệp ước, và thứ nhì là 55 nước đó phải là những nước chiếm 55% tổng số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới."
Hiệp ước sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi có được sự phê chuẩn của 55 nước như vậy. Chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được phê chuẩn một cách nhanh chóng, hiệp ước này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới.
Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nước chiếm khoảng 40% tổng số lượng khí thải toàn cầu, đã dùng ảnh hưởng chính trị của mình để vận động cho hiệp ước sớm được thực thi.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore sẽ đến dự lễ ký kết hiệp ước vào ngày mai và sẽ diễn thuyết tại một bữa ăn trưa do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và Tổng thống Pháp Francois Hollande khoản đãi.