Đường dẫn truy cập

Hạn hán ở Đồng bằng: phải nghiên cứu kỹ ‘cuộc chiến’ về nước


Một ngư dân đánh cá trên sông Mekong gần Phnom Penh, Campuchia. Hình minh họa.
Một ngư dân đánh cá trên sông Mekong gần Phnom Penh, Campuchia. Hình minh họa.

Mấy tuần qua câu chuyện hạn hán, nắng nóng kéo dài gây thiếu nước, nhiễm mặn, hư hại mùa màng tại vựa lúa lớn nhất Việt Nam – đồng bằng sông Cửu Long đang làm nóng các diễn đàn tranh luận. Ngành chức năng dường như vẫn chưa có một giải pháp tức thời nào cho thấy hiệu quả đáng kể. Nhà nước cũng buồn, dân cũng rầu trước những rủi ro mà trước nay đã được cảnh báo từ rất lâu.

Chuyện sông Mekong và biến đổi khí hậu không phải chuyện mới. Chuyện Trung Quốc nằm ở thượng nguồn sông Mekong, Việt Nam ở hạ nguồn – cái thế “nguyền rủa” của địa lý lâu nay đã được báo chí lẫn các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, mổ xẻ rất nhiều. Tuy nhiên cho đến khi vùng đồng bằng nhà mình chịu hạn, chịu thiên tai thì mọi thứ dường như mới thấm thía vào nhận thức của nhà nước lẫn người dân. Có rất nhiều biểu hiện cho thấy Việt Nam nằm trong tâm thế bị động trước vụ hạn hán lần này.

Thứ nhất chính là việc đưa ra các kế hoạch ứng phó, cho đến nay dường như vẫn chưa phát huy hiệu quả. Còn nhớ, kịch bản biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có từ lâu. Không biết có bao hàm cả kịch bản thiếu nước ngọt cho dân sử dụng? Lẽ ra các viện nghiên cứu phải tìm cách, dưới động lực hỗ trợ từ nhà nước, trước áp lực biến đổi khí hậu và thiên tai, đã phải có những kế hoạch ứng phó khả dĩ để dân giảm thiệt hại đến mức tối đa. Chứ không phải khi xảy ra việc vẫn loay hoay tìm cách.

Việc quản trị các con sông đa quốc gia như sông Mekong không phải là chuyện dễ dàng. Bài học này được nhiều nước cả phương đông lẫn phương tây chứng minh suốt quá trình phát triển của loài người. Việt Nam, với vai trò một quốc gia hạ nguồn, có thể chịu nhiều tác động và thiệt hại, phải quyết liệt đấu tranh để đạt được những thỏa thuận về các nguyên tắc ứng xử đối với việc sử dụng nguồn nước. Có thể nhìn sang các con sông khác trên thế giới để lấy gợi ý làm chính sách. Dù rất khó, nhưng nếu không làm, thì hậu quả về việc thiếu nước là rất khó lường trước và ứng phó.

Thứ hai, cho đến lúc này nguyên nhân hạn hán vẫn chưa được làm rõ một cách thuyết phục, ít nhất là trên các diễn đàn báo chí và dư luận. Tôi lướt các tờ báo điện tử của Việt Nam mới thấy, phần nhiều các nhận định được dẫn lại lời các chuyên gia Việt Nam cho rằng vùng hạ lưu Mekong gặp hạn là phần lớn vì thượng nguồn vận hành nhiều nhà máy thủy điện của Trung Quốc. Lý thuyết này không hề mới, nói trắng ra nó đã có từ hàng chục năm trước đây. Hình dung một cách dễ hiểu, người ta cho rằng con sông Mekong như một mạch máu kéo dài từ Trung Quốc đến Việt Nam. Các đập thủy điện như những vách ngăn, làm máu không đến được ở các vùng hạ nguồn – đồng bằng sông Cửu Long. Nếu quả thật là như vậy, tại sao không có những kế hoạch ứng phó từ trước đây?

Ngay cả việc yêu cầu Trung Quốc xả đập cứu hạ nguồn cũng không được đánh giá một cách thuyết phục khiến dư luận phát sinh nhiều quan điểm trái chiều. Một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội có bài viết trên trang facebook cá nhân nhận định không phải không có lý, rằng nước từ thượng nguồn (Trung Quốc) không phải góp 100% vào dòng chảy Mekong. Nước tại đồng bằng sông Cửu Long được tích tụ trên đường dòng nước Mekong đến đây, nhờ nước mưa, nước ngầm. Nghĩa là có khoảng 10% nước thượng nguồn góp vào lượng hạ nguồn. Câu chuyện này có đúng không? Phải chăng nhà mình, vì thiếu các nghiên cứu cụ thể và chi tiết đã “thần thánh hóa” vai trò của Trung Quốc với nạn hạn hán ở Việt Nam.

Giả sử đúng là thượng nguồn Mekong chỉ góp phần nhỏ vào nước sông Cửu Long, vậy nguyên nhân hạn hán ở khu vực này là từ đâu? Có giả thuyết cho rằng là vì vùng Tây Nguyên cạn nước, vì đây là nơi đổ nước về đồng bằng sông Cửu Long. Giả thuyết này không phải là không có lý. Có nhiều nguyên nhân có thể khiến vùng nước tại Tây Nguyên, trước khi về Đồng bằng Sông Cửu Long đã bị tác động tiêu cực.

Tôi chỉ đưa ra những nhận định mang tính cá nhân theo hiểu biết thiển cận, chỉ mang tính gợi ý tham khảo vì tôi không phải một chuyên gia: một là việc phát triển các khu công nghiệp, các dự án khai khoáng, khu thủy điện tại Tây Nguyên khiến nguồn nước cạn kiệt. Các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên lâu nay vẫn ám ảnh không ít người dân, có khi nay đã trở thành ác mộng. Ngành công nghiệp khai khoáng bán ra tiền nhiều, nhưng tàn phá môi trường không phải ít. Lượng nước cung cấp cho các dự án khai khoáng là rất lớn, trong khi khả năng tái tạo nước thời gian qua có thể bị ảnh hưởng không nhỏ khi diện tích rừng bị tàn phá ngày một gia tăng. Rừng giảm (vì nhiều nguyên nhân) cũng có thể khiến mạch nước tại đây gặp vấn đề. Khu vực Tây Nguyên là một khu vực có diện tích rừng bị thu hẹp rất đáng kể, theo các phương tiện truyền thông báo chí của Việt Nam. Điều đó gợi ý về các hậu quả về mùa nắng thiếu nước, mùa mưa gây lũ quét tại khu vực đồng bằng. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng vai trò của Tây Nguyên không hề nhỏ đối với khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng dường như không được nhắc đến đúng mức trong nạn hạn hán trong khu vực miền Tây Nam bộ của Việt Nam. Cần có thêm những nghiên cứu và đánh giá cụ thể.

Trong khi chờ đợi các nghiên cứu chính thức, phải thành lập các đơn vị hành động khẩn cấp, cần thiết kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực để có thể bảo vệ sinh kế của người dân miền đồng bằng. Song song đó, phải tiến hành đánh giá một cách nghiên túc, có hiệu quả vai trò của thượng nguồn Mekong, cũng như của vùng Tây Nguyên đối với nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long để có thể có đối sách trong dài hạn.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG