Mức nợ người lao động Thái Lan tăng cao, ảnh hưởng tới kinh tế

Công nhân Thái Lan sửa chữa mái nhà một căn hộ tại Bangkok.

Tại Thái Lan, vụ bế tắc chính trị kéo dài đã ảnh hưởng tới tình trạng tài chánh của người dân. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, mức nợ của người lao động thu nhập thấp đang trên đà gia tăng.

Cuộc khảo sát của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan cho thấy hơn 90% những người lao động có thu nhập thấp hơn 500 đô la một tháng có nhiều nợ nần hơn so với lúc trước, và cần phải vay mượn để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết hàng ngày.

Các nhà kinh tế học của trường này cho biết số nợ của những người lao động vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng đang ở mức cao nhất trong vòng 6 năm. Cuộc khảo sát cho thấy số nợ của các hộ gia đình hiện nay chiếm hơn 80% tổng sản lượng nội địa – vào năm 2008, con số này chỉ cao hơn 50% chút đỉnh.

Bà Luxmon Attapich, kinh tế gia cấp cao của Ngân hàng Phát triển Á châu, nói rằng mức nợ cao đang ảnh hưởng tới mức tiêu thụ, và do đó, gây phương hại tới nền kinh tế.

"Vì mức nợ cao này này có nghĩa là các gia đình sẽ phải trả nợ và phần thu nhập đó sẽ không được sử dụng cho mục đích tiêu thụ. Nếu quí vị nhìn vào tỉ lệ nợ xấu của các gia đình, quí vị sẽ thấy tỉ lệ đang gia tăng đôi chút. Điều đó có nghĩa là các gia đình đang trả nợ. Nó sẽ ảnh hưởng tới mức tiêu thục của các gia đình trong năm 2014 như nó đã tác động trong năm 2013."

Các hoạt động đầu tư và du lịch Thái Lan cũng có tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm 2014.


Mối quan tâm của người lao động Thái Lan hiện giờ cũng bao gồm việc thất nghiệp, chi phí sinh hoạt gia tăng và tình trạng chính trị bất ổn tiếp diễn làm cho một số các nhà đầu tư nước ngoài đình hoãn các dự án đầu tư lớn. Các kinh tế gia nói rằng kinh tế Thái Lan đang tăng trưởng chậm lại. Họ dự báo tăng trưởng trong năm nay chưa tới 3%, làm cho khoảng 600.000 người thất nghiệp, mức cao nhất trong vòng một thập niên.

Vụ bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng nay ở Thái Lan chưa có dấu hiệu đột phá và chính phủ tạm quyền không có quyền để lập ra chính sách kinh tế.

Trước tình hình như vậy, các tổ chức doanh thương có nhiều ảnh hưởng như Hội đồng Thương mại Thái Lan và Phòng Thương mại Thái Lan đã lên tiếng hô hào, cùng với nhiều người khác, cho việc phục hồi thể chế dân chủ đại nghị.

Ông Chris Baker, một nhà bình luận về doanh thương ở Thái Lan, cho biết vấn đề kinh tế đang thúc đẩy hai phe kình chống nhau ngồi vào bàn thương thuyết.

"Những động tác ban đầu của tất cả các bên hồi tháng trước để tiến tới chỗ thương thuyết đã được thúc đẩy ở hậu trường bởi cộng đồng doanh thương. Những người này rõ ràng là cảm thấy lo ngại vì những dấu hiệu của những gì đã xảy ra trong quí một và triển vọng là tình hình có thể còn trở nên xấu hơn nữa. Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng kinh tế đã trở thành một yếu tố rất quan trọng."

Ngân hàng trung ương Thái Lan cho biết sự bất trắc chính trị kéo dài góp phần làm sút giảm mức tiêu thụ trong nước. Các hoạt động đầu tư và du lịch cũng có tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm 2014.

Bà Luxmon của Ngân hàng Phát triển Á châu nói rằng bế tắc chính trị đã tác động nhiều tới nền kinh tế.

Bức tranh lớn hơn vẫn không thay đổi – tiêu thụ trong nước sẽ không tăng trong năm nay. Đầu tư trong nước cũng không khả quan vì các nhà đầu tư có thái độ chờ xem. Xuất khẩu sẽ đóng một vai trò lớn trong năm nay. Nhưng tựu chung thì tỉ lệ tăng trưởng trong năm nay ở Thái Lan chắc chắn sẽ thấp hơn 3%.

Các nhà kinh tế học của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan cũng cảnh báo rằng nếu vụ bế tắc chính trị kéo dài cho tới giữa năm nay thì sẽ có nhiều người thất nghiệp vì một số doanh nghiệp đã cắt giờ làm việc.

Công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s cảnh báo rằng thứ hạng tín nhiệm nợ quốc gia của Thái Lan có thể bị hạ thấp nếu bất ổn chính trị kéo dài hoặc leo thang. Điều đó sẽ làm cho chính phủ Thái Lan phải trả lãi suất cao hơn khi vay tiền.