Hoa Kỳ tin rằng Nga sẽ tiến hành “các hoạt động thông tin” nhằm hướng dư luận ở châu Âu chống lại Ukraine khi các quốc gia trên khắp lục địa châu Âu tiến hành bầu cử trong năm nay, người đứng đầu văn phòng chống thông tin xuyên tạc của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ngày 18/1.
Hàng chục quốc gia trên toàn thế giới sẽ bầu ra các nhà lãnh đạo mới vào năm 2024, bao gồm các cuộc bỏ phiếu ở Anh, Áo và Georgia, cũng như cuộc bầu cử quốc hội châu Âu vào tháng 6.
Ông Jamie Rubin, đặc phái viên và điều phối viên của Trung tâm Giao tiếp Toàn cầu (GEC), nói với các phóng viên rằng đối thủ của Mỹ là Nga, cũng như Trung Quốc, đang làm việc trên khắp thế giới để gieo rắc tuyên truyền nhà nước dưới vỏ bọc báo chí độc lập bằng cách che giấu nguồn tin thực sự.
Ông Rubin không nêu ra những quốc gia cụ thể mà ông lo ngại, nhưng cho biết các mối đe dọa chính trong năm nay là ở châu Âu, nơi ban đầu thống nhất phản đối cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga và đã cung cấp cho Ukraine quân sự cũng như các viện trợ khác.
Ông Rubin nói: “Nga đang hy vọng rằng số cuộc bầu cử ở châu Âu trong năm nay có thể thay đổi những gì vốn là một liên minh đáng chú ý và cũng là một sự phản đối có kỷ luật đối với cuộc chiến của họ”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng người Nga sẽ tiến hành các hoạt động thông tin trên khắp châu Âu để cố gắng thay đổi quan điểm về Ukraine trong mùa bầu cử này”.
Tòa đại sứ Nga tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận.
GEC, cơ quan được giao nhiệm vụ vạch trần các chiến dịch thông tin xuyên tạc của nước ngoài, năm ngoái cho biết họ đã phát hiện ra một nỗ lực do Nga tài trợ trên khắp châu Mỹ Latin nhằm cung cấp thông tin tuyên truyền và thông tin xuyên tạc cho các cơ quan báo chí địa phương.
Nga vào thời điểm đó gọi những cáo buộc này là vô căn cứ.
Một đánh giá tình báo được giải mật, gửi tới hơn 100 chính phủ vào năm ngoái, cũng cho biết Moscow đang sử dụng gián điệp, truyền thông xã hội và truyền thông nhà nước Nga để làm xói mòn niềm tin của công chúng vào tính liêm chính của các cuộc bầu cử dân chủ.