Mỹ ngày 3/3 loan báo gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu đô la cho Ukraine lần đầu tiên bao gồm xe thiết giáp có thể bắc cầu, cho phép binh sĩ vượt sông hay vượt các hố sâu trong lúc lực lượng Nga và Ukraine vẫn còn đào hào trên hai bờ đối diện của sông Dnieper.
Đợt viện trợ này sẽ được rút ra từ kho dự trữ vũ khí hiện có của Hoa Kỳ để có thể đến Ukraine nhanh hơn. Hoa Kỳ và các đồng minh đang cố gắng gấp rút hỗ trợ thêm cho Kyiv để tạo vị thế tốt nhất cho cuộc giao tranh gia tăng vào mùa xuân.
Cầu Phóng bằng Xe Bọc thép là một cây cầu gấp bằng kim loại di động dài 18 mét được đặt trên thân xe tăng. Cung cấp hệ thống đó ngay bây giờ có thể giúp quân đội Ukraine vượt sông dễ dàng hơn để tấn công lực lượng Nga.
Do Ukraine cũng tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trong cuộc giao tranh dữ dội, gói viện trợ này, giống như những gói trước, bao gồm hàng nghìn viên đạn thay thế, chẳng hạn như rốc-két cho Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao và đạn Howitzer 155mm. Gói này cũng bao gồm các loại vũ khí phá hủy và thiết bị dọn chướng ngại vật để giúp Ukraine vượt qua các tuyến đường đã được đào sẵn.
Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine một năm trước, Hoa Kỳ đã gửi hơn 32 tỷ đô la vũ khí và trang thiết bị.
Hoa Kỳ cũng đang tăng gần gấp ba số lượng lực lượng Ukraine đang được Mỹ huấn luyện về các chiến thuật chiến đấu tiên tiến tại một căn cứ ở Đức, để giúp họ chọc thủng các phòng tuyến cố thủ của Nga. Tại khu vực huấn luyện Grafenwoehr, các lực lượng Ukraine trải qua khóa học kéo dài 5 tuần nhằm chuẩn bị cho họ tiến hành các cuộc diễn tập phối hợp vũ khí tiên tiến với xe chiến đấu Bradley, M109 Paladins và xe bọc thép chở quân Stryker.
Sáu trăm binh sĩ Ukraine đầu tiên đã hoàn thành khóa học vào tháng trước và 1.600 người nữa đang được huấn luyện.
Viện trợ lần này cũng sẽ bao gồm phụ tùng thay thế và thiết bị để bảo dưỡng và sửa chữa xe cộ.
Loan báo này được đưa ra ngay sau cuộc gặp ngắn hôm 2/3 giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại một cuộc họp mặt của các nhà ngoại giao hàng đầu từ Nhóm 20 quốc gia ở New Delhi. Đây là cuộc nói chuyện trực tiếp cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có bất kỳ động thái nào hướng tới việc giảm bớt căng thẳng giữa hai quốc gia.
Ông Blinken cho biết ông đã nói với ông Lavrov rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến chừng nào còn có thể.
Ông Lavrov, không đề cập đến cuộc nói chuyện với ông Blinken khi tổ chức một cuộc họp báo sau cuộc họp, nói với các phóng viên rằng Moscow sẽ tiếp tục thúc đẩy hành động của mình ở Ukraine.