Chính quyền Mỹ hôm 5/2 thông báo đang triển khai một chính sách mới cho phép hạn chế visa đối với các cá nhân nước ngoài liên quan đến việc lạm dụng phần mềm gián điệp thương mại.
Chính sách này sẽ áp dụng đối với những ai lạm dụng phần mềm gián điệp thương mại để nhắm mục tiêu vào các cá nhân bao gồm nhà báo, nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến, thành viên của cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc thành viên gia đình của những người bị nhắm mục tiêu. Các quan chức cho biết, các hạn chế về visa cũng có thể áp dụng đối với những người tạo điều kiện hoặc thu được lợi ích tài chính từ việc lạm dụng phần mềm gián điệp thương mại.
Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố: “Hoa Kỳ vẫn lo ngại về việc lạm dụng phần mềm gián điệp thương mại ngày càng tăng trên khắp thế giới để tạo điều kiện cho việc đàn áp, hạn chế luồng thông tin tự do và tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nhân quyền”. “Việc lạm dụng phần mềm gián điệp thương mại đe dọa quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp và lập hội một cách ôn hòa. Việc nhắm mục tiêu như vậy có liên quan đến việc giam giữ tùy tiện, cưỡng bức mất tích và giết người không xét xử trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.”
Ông Biden đã ban hành một sắc lệnh khác gần một năm trước nhằm hạn chế việc chính phủ Hoa Kỳ sử dụng phần mềm gián điệp thương mại “gây nguy cơ cho an ninh quốc gia”.
Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết, lệnh đó yêu cầu người đứng đầu bất kỳ cơ quan nào của Hoa Kỳ sử dụng các chương trình thương mại phải xác nhận rằng chúng không gây ra phản gián đáng kể hoặc rủi ro an ninh khác. Lệnh được ban hành khi Toà Bạch Ốc thừa nhận sự gia tăng các vụ tin tặc nhắm vào các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ, trên khắp 10 quốc gia đã bị phần mềm gián điệp thương mại xâm phạm hoặc nhắm tới.
Chưa rõ có cá nhân cụ thể nào sắp bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi các hạn chế về visa hay không.
Các quan chức nói chính sách hạn chế visa có thể áp dụng đối với công dân của bất kỳ quốc gia nào bị phát hiện lạm dụng hoặc tạo điều kiện cho việc sử dụng phần mềm gián điệp nhằm mục đích xấu, ngay cả khi họ đến từ các quốc gia có công dân được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ mà không cần xin visa trước.
Theo các nhà nghiên cứu an ninh và một cuộc điều tra truyền thông toàn cầu vào tháng 7 năm 2021, ví dụ có lẽ nổi tiếng nhất là phần mềm gián điệp Pegasus của Tập đoàn NSO của Israel đã được sử dụng để nhắm mục tiêu hơn 1.000 người trên 50 quốc gia.
Hoa Kỳ đã đặt ra giới hạn xuất khẩu đối với Tập đoàn NSO, hạn chế khả năng tiếp cận của công ty này với các linh kiện và công nghệ của Hoa Kỳ.
Theo nhóm về quyền kỹ thuật số Access Now, phần mềm gián điệp Pegasus đã được sử dụng ở Jordan để xâm nhập điện thoại di động của ít nhất 30 người, bao gồm các nhà báo, luật sư, các nhà hoạt động nhân quyền và chính trị.
Theo Access Now, vụ tin tặc bằng phần mềm gián điệp do Tập đoàn NSO của Israel thực hiện xảy ra từ năm 2019 cho đến tháng 9 năm ngoái. Acces Now không cáo buộc chính phủ Jordan về vụ tin tặc này.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng báo cáo rằng các nhà nghiên cứu pháp y của họ đã xác định rằng phần mềm gián điệp Pegasus đã được cài đặt trên điện thoại của Hatice Cengiz, hôn thê của nhà báo Washington Post, Jamal Khashoggi, chỉ 4 ngày sau khi ông này bị sát hại tại Lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul vào năm 2018. Công ty này trước đó đã bị cáo buộc liên quan đến hoạt động theo dõi đối với ký giả Khashoggi.