Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 11/10 nói với các lãnh đạo Đông Nam Á tại một cuộc họp thượng đỉnh thường niên rằng Hoa Kỳ lo ngại về các hoạt động “ngày càng nguy hiểm và phi pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông và cam kết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì quyền tự do hàng hải trên tuyến đường thương mại quan trọng này.
Cuộc họp của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 nước thành viên với ông Blinken diễn ra sau một loạt các cuộc đối đầu dữ dội trên biển giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN là Philippines và Việt Nam, làm dấy lên lo ngại rằng các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên các tuyến đường thủy có thể leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện.
Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này, có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, cũng như Đài Loan. Khoảng một phần ba thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này, nơi cũng giàu trữ lượng cá, khí đốt và dầu mỏ.
Bắc Kinh đã từ chối công nhận phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 của một tòa án trực thuộc Liên hiệp quốc tại The Hague, trong đó tuyên bố vô hiệu hóa các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh. Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa các đảo mà họ kiểm soát.
“Chúng tôi rất quan ngại về các hoạt động ngày càng nguy hiểm và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, gây thương tích cho người dân, gây hại cho tàu thuyền của các quốc gia ASEAN và trái ngược với các cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”, Ngoại trưởng Mỹ, đại diện cho Tổng thống Joe Biden, nói trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN. “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ quyền tự do hàng hải và quyền tự do hàng không ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.”
Hoa Kỳ không có yêu sách nào ở Biển Đông nhưng đã triển khai các tàu hải quân và máy bay chiến đấu để tuần tra vùng biển này nhằm thách thức các yêu sách của Trung Quốc.
Các tàu của Trung Quốc và Philippines đã nhiều lần đụng độ trong năm nay. Tuần trước, Việt Nam cho biết lực lượng Trung Quốc đã tấn công ngư dân của Việt Nam ở vùng biển tranh chấp. Trung Quốc cũng đã điều tàu tuần tra đến các khu vực mà Indonesia và Malaysia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế.
Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo rằng họ có nghĩa vụ bảo vệ Philippines — đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á — nếu lực lượng, tàu hoặc máy bay Philippines bị tấn công vũ trang, bao gồm cả ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã phàn nàn với các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh hôm 10/10 rằng đất nước của ông “tiếp tục phải chịu sự quấy rối và đe dọa” của Trung Quốc. Ông nói “thật đáng tiếc khi tình hình chung ở Biển Đông vẫn căng thẳng và không thay đổi” do các hành động của Trung Quốc, mà ông cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông kêu gọi các cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử để quản lý Biển Đông phải khẩn trương hơn.
Đầu tuần này, nhà lãnh đạo Singapore Lawrence Wong đã cảnh báo về “rủi ro thực sự của một vụ tai nạn leo thang thành xung đột” nếu tranh chấp trên biển không được giải quyết.
Malaysia, nước sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm tới, dự kiến sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử. Các quan chức đã nhất trí cố gắng hoàn thành bộ quy tắc vào năm 2026, nhưng các cuộc đàm phán đã bị cản trở bởi các vấn đề khó khăn bao gồm bất đồng về việc liệu hiệp ước có nên mang tính ràng buộc hay không.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tỏ ra thách thức trong các cuộc đàm phán hôm 10/10. Ông gọi Biển Đông là “ngôi nhà chung” nhưng lặp lại lời khẳng định của Trung Quốc rằng họ chỉ bảo vệ các quyền chủ quyền của mình, các quan chức cho biết. Ông Lý cũng đổ lỗi cho sự can thiệp của “các thế lực bên ngoài” tìm cách “đưa xung đột khối và xung đột địa chính trị vào châu Á”. Ông Lý không nêu tên các thế lực nước ngoài, nhưng Trung Quốc trước đó đã cảnh báo Hoa Kỳ chớ nên can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ của khu vực.
Trong một thông điệp cứng rắn khác gửi đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ nói Hoa Kỳ tin rằng “điều quan trọng là phải duy trì cam kết chung của chúng ta nhằm bảo vệ sự ổn định trên Eo biển Đài Loan”. Trung Quốc tuyên bố hòn đảo tự trị Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình và tức giận khi các quốc gia khác tuần tra vùng biển ngăn cách giữa Trung Quốc với Đài Loan.
Ông Blinken cũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á gồm 18 quốc gia, cùng với thủ tướng Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và các nhà lãnh đạo từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
ASEAN đã hành động thận trọng trong tranh chấp trên biển với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của khối và là nhà đầu tư lớn thứ ba của khối. ASEAN không làm hỏng quan hệ thương mại, với hai bên tập trung vào việc mở rộng khu vực thương mại tự do bao phủ thị trường 2 tỷ người.
Ông Blinken cho biết các cuộc đàm phán thượng đỉnh ASEAN hàng năm là một nền tảng để giải quyết các thách thức chung khác bao gồm nội chiến ở Myanmar, “hành vi gây bất ổn” của Triều Tiên và hành động xâm lược chiến tranh của Nga ở Ukraine. Ông khẳng định Hoa Kỳ vẫn là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu trong khu vực và đặt mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác với ASEAN.