Hai đồng minh lâu năm là Hoa Kỳ và Nhật Bản khởi động một cuộc đối thoại kinh tế cấp cao hôm 29/7 nhằm đẩy lùi Trung Quốc và chống lại sự gián đoạn gây ra bởi cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.
Truyền thông Nhật Bản tường thuật cuộc họp cấp bộ trưởng kinh tế “hai cộng hai” ở Washington dự kiến sẽ thống nhất về việc nghiên cứu chung cho các chất bán dẫn thế hệ tiếp theo để thiết lập một nguồn an toàn cho các linh kiện quan trọng này.
Cuộc họp do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Thương mại Koichi Hagiuda chủ trì.
“Là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới, điều quan trọng là chúng ta phải làm việc cùng nhau để bảo vệ trật tự kinh tế dựa trên luật lệ, một trật tự mà tất cả các quốc gia đều có thể tham gia, cạnh tranh và thịnh vượng”, ông Blinken phát biểu tại phiên khai mạc.
Ông Blinken nói các sự kiện thế giới gần đây, bao gồm COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine, đã cho thấy tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng quan trọng, trong khi ngày càng nhiều quốc gia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần do các tập tục cho vay không bền vững và không minh bạch.
Ông nói: “Các tập tục kinh tế cưỡng bức và trả đũa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa buộc các quốc gia phải có sự lựa chọn gây hại đến an ninh, sở hữu trí tuệ và nền kinh tế độc lập của họ.”
Chất bán dẫn
Ngoại trưởng Nhật Hayashi gọi cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine là một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế và - rõ ràng ám chỉ Trung Quốc, mặc dù ông không trực tiếp nêu tên nước này - tìm cách “sử dụng ảnh hưởng kinh tế một cách không công bằng và tùy ý để thực hiện ... lợi ích chiến lược và để sửa đổi trật tự quốc tế hiện có.”
Ông Hayashi nói: “Để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, điều cần thiết là phải thảo luận chính sách đối ngoại và chính sách kinh tế như một đơn vị hơn là thảo luận về chính sách đối ngoại và chính sách kinh tế riêng lẻ”.
Tờ Nikkei Shimbun của Nhật Bản cho biết trung tâm phát triển bán dẫn sẽ được thành lập tại Nhật Bản vào cuối năm nay để nghiên cứu các chip bán dẫn 2 nm.
Trung tâm này sẽ bao gồm một dây chuyền sản xuất nguyên mẫu và sẽ bắt đầu sản xuất chất bán dẫn vào năm 2025. Thỏa thuận thành lập trung tâm sẽ có trong một tuyên bố sau cuộc họp.
Đài Loan hiện sản xuất phần lớn các chất bán dẫn dưới 10 nm, được sử dụng trong các sản phẩm như điện thoại thông minh. Người ta quan ngại về sự ổn định của nguồn cung nếu nảy sinh rắc rối liên quan đến Đài Loan và Trung Quốc. Bắc Kinh coi hòn đảo này là một tỉnh nổi loạn.
Cuộc họp hôm 29/7 diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng về Đài Loan.
Hôm 28/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là chớ nên đùa với lửa trong vấn đề Đài Loan, nêu bật những lo ngại của Bắc Kinh về chuyến thăm khả dĩ của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan.
Việc này cũng diễn ra sau khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua đạo luật sâu rộng vào ngày 28/7 để trợ cấp cho ngành bán dẫn nội địa cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc và các nước khác.