Quân đội Hoa Kỳ đang xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền bắc Australia để giúp họ triển khai sức mạnh ở Biển Đông nếu nổ ra khủng hoảng với Trung Quốc, Reuters đưa tin hôm 26/7.
Tọa lạc gần Philippines hơn là từ thủ đô Canberra ở bờ biển phía đông của Australia, Darwin từ lâu đã là thị trấn đồn trú của Lực lượng Phòng vệ Australia và Lực lượng Thủy quân lục chiến luân phiên của Hoa Kỳ, hiện diện 6 tháng mỗi năm ở đây.
Cách đó vài trăm km về phía nam, Căn cứ RAAF Tindal là nơi đóng quân của các lực lượng không quân chủ chốt của Australia và là căn cứ tạm thời cho các máy bay phản lực của Mỹ trong các cuộc tập trận gần đây.
Khi miền bắc Australia tái nổi lên như một địa điểm chiến lược quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã âm thầm bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự trị giá hàng trăm triệu đôla ở đó để phục vụ máy bay ném bom B-52, máy bay chiến đấu tàng hình F-22, và máy bay tiếp nhiên liệu và vận tải - tất cả đều nằm trong nỗ lực lớn hơn nhằm phân bổ lực lượng Hoa Kỳ quanh khu vực và làm cho họ ít có nguy cơ hơn.
Đại tá Brian Mulvihill, sĩ quan chỉ huy của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ Luân phiên, nói với Reuters: “Khi ta nhìn vào vị trí của miền bắc Australia, đặc biệt là Darwin, trong mối quan hệ với khu vực… sẽ luôn là điều tốt nếu ta có nhiều lựa chọn về nơi ta muốn bố trí lực lượng của mình, trong bất kỳ dạng khủng hoảng nào”.
Hồ sơ đấu thầu cho thấy các phòng họp tình báo, đường băng nâng cấp cho máy bay ném bom, nhà kho, trung tâm dữ liệu và khu bảo trì máy bay đang được xây dựng. Các quan chức nói với Reuters trong chuyến thăm hiếm hoi tới hai căn cứ phía bắc rằng các cơ sở cất trữ nhiên liệu khổng lồ đã được xây dựng.
Các dự án dự kiến xây dựng vào năm 2024 và 2025 đã đưa miền bắc Australia trở thành địa điểm nước ngoài hàng đầu về chi tiêu xây dựng của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ, với hơn 300 triệu USD được cấp riêng theo sự phê duyệt về quốc phòng của Quốc hội Hoa Kỳ dành cho những năm đó.
Ngoài ra, Hải quân Hoa Kỳ vào tháng 6 đã tìm kiếm các nhà thầu cho các dự án trị giá lên tới 2 tỷ USD để xây dựng cầu cảng, đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà chứa máy bay ở những nơi bao gồm Quần đảo Cocos của Úc, và các nước láng giềng Papua New Guinea và Timor Leste, theo một chương trình nhằm đối trọng lại Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời ngay lập tức khi họ được đề nghị đưa ra bình luận.
Thiếu tướng không quân Ron Tilley, Tổng giám đốc Cơ sở hạ tầng và của Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia, xác nhận rằng Washington đang chi trả kinh phí cho các cơ sở tại Darwin và Tindal để hỗ trợ các hoạt động của Mỹ.
Ông nói thêm: “Tôi không tin rằng Hoa Kỳ sẽ chi tất cả số tiền này cho các căn cứ phía bắc của chúng tôi nếu không có sự sắp xếp để họ có thể sử dụng những cơ sở mà họ tài trợ trong thời điểm xung đột”.
Các quan chức quốc phòng Úc và Mỹ được phỏng vấn trong bản tin này nói rằng các cơ sở mới không nên được coi là căn cứ của Mỹ. Căn cứ của nước ngoài là một vấn đề chính trị trong nước nhạy cảm đối với Úc; các chính phủ nối tiếp nhau, bao gồm cả chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese, đều tuyên bố không có căn cứ nào của Hoa Kỳ trên đất Úc.
“Tất cả các căn cứ sẽ vẫn là căn cứ của Australia nhưng sẽ có thể được các đối tác quốc tế của chúng tôi sử dụng”, ông Tilley nói.