Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho hay trong hai tuần qua, khoảng 270.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy sang Bangladesh để tìm nơi nương thân, trốn bạo lực và đàn áp ở Myanmar. Các bản tin chưa được kiểm chứng nói hơn 1.000 người đã bị quân đội Miến Điện giết chết từ ngày 25/8 khi xảy ra bạo lực ở bang Rakhine, miền bắc Myanmar.
Các cơ quan cứu trợ đang tăng cường công tác cứu trợ khẩn cấp cho người Hồi giáo Rohingya ở Bangladesh để đáp ứng nhu cầu của số người tị nạn đang gia tăng. Họ nói khả năng cung cấp nơi tạm trú vốn đã eo hẹp, giờ đã được tận dụng hết mức, và người tị nạn đang được đưa tới các địa điểm dung thân tạm thời đã nở rộ dọc theo con đường. người phát ngôn của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, ông Duniya Aslam Khan, nói rằng các trại tị nạn đang quá tải và không thể tiếp nhận thêm bất kỳ người nào khác. Ông nói:
"Hai trại tị nạn ở Bangladesh, Kutupalong và Nayapara, trước làn sóng tị nạn này là nơi chứa chấp 34.000 người tị nạn Rohingya, giờ đây đã chật cứng. Trong vòng hai tuần số người tị nạn trong trại đã tăng hơn gấp đôi, tổng cộng hơn 70.000 người. Đang có nhu cầu khẩn cấp phải có thêm đất đai và nơi tạm trú."
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đang dành riêng 1 triệu đô la trích ra từ quỹ khẩn cấp để cung cấp nơi trú ẩn, nước uống, thực phẩm và các dịch vụ y tế cho người tị nạn. Người phát ngôn của IOM, ông Leonard Doyle, nói với VOA rằng những người tị nạn không có nguồn lực và đang cấp thiết cần các dịch vụ hỗ trợ để cứu mạng.
Ông nói thêm:
"Họ đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng, một tình huống nhân đạo hoàn toàn tuyệt vọng, không có đủ lương thực mà ăn... Họ nói họ đang sống ngoài trời, không có nơi trú ẩn để tránh cái nóng của mặt trời ở vùng nhiệt đới, không có nơi để trú mưa, trong khi con cái của họ không gì để ăn."
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang giải ngân 7 triệu đô-la từ Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung ương LHQ để giúp hàng ngàn người trong cảnh cùng quẫn, đang tiếp tục tràn vào Bangladesh.