Nữ quyền: Thái độ của nhóm Tự Lực Văn đoàn đối với các Nữ Đồng nghiệp tiến bộ tại Miền Nam (kỳ 2)

  • Nguyễn Cúc

Nhất Linh viết bài cổ võ cho áo dài Lemur (tài liệu của Lê Tuấn Anh, Diễn đàn Sách Xưa, Việt Nam)

Kỳ 2.

Nguyên nhân của sự mâu thuẫn này, như đã đề cập, là vì Tự lực Văn đoàn không chấp nhận được những phụ nữ ngang hàng với họ về phương diện tri thức. Những phụ nữ này trở thành đáng sợ hơn khi họ bầy tỏ cái tri thức ấy bằng chính những phương cách mà Tự Lực Văn đoàn cũng đang sử dụng: diễn thuyết và dùng báo chí như một phương tiện hữu hiệu để vận động đám đông. Trường hợp Nguyễn Thị Kiêm, mục tiêu bị tấn công của Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thế Lữ, là một thí dụ điển hình. Những lời người khác khen ngợi cô và chính lời phát biểu của cô về giới tính trong văn học và tình cảnh phụ nữ bấy giờ chứng minh cho giả thuyết trên.

Nguyễn Thị Kiêm là ai? Cách đây hơn 40 năm, nhà thơ Nguyễn Vỹ xem cô đủ quan trọng để nhắc đến trong bộ sách tự truyện của ông:

“Có điều Tuấn ngạc nhiên nhất trong lãnh vực văn nghệ lãng mạn ấy, là phong trào "thơ mới"ở Saigon được hăng hái khởi xướng bởi hai người không phải là thi sĩ: một cụ Tú nhà Nho, người Trung kỳ, ông Phan Khôi, chủ bút tờ "Phụ Nữ Tân Văn", có ít nhiều Tây học, chỉ thỉnh thoảng, lúc nào cao hứng, mới làm chơi một bài thơ thuộc loại trào phúng, và một nữ sinh, cô Nguyễn thị Manh Manh, người Nam kỳ, con gái một ông Huyện hàm về hưu, vừa thi đỗ diplôme ở trường Áo Tím. Cô Manh Manh không chuyên làm thơ, cô không hề xuất bản một tập thơ nào cả, nhưng cô lại hăng hái viết báo và diễn thuyết cổ xúy Thơ Mới. Không những riêng ở Saigon, cô còn lại đi với ông Huyện Trị, thân phụ của cô, ra Hà Nôi. để diễn thuyết về "Thơ Mới ". Hôm cô diễn thuyết ở hội AFIMA, Tuấn bị sốt rét nên không đi nghe được, nhưng bạn của Tuấn đi khá đông, có về thuật lại cho Tuấn rõ rằng cô nói trôi chảy, giọng Saigon nghe là lạ dễ thương. Về nội dung bài diễn thuyết không có gì đặc sắc. Người ta phê bình nhan sắc của cô nhiều hơn là bài diễn thuyết. Đối với người Hà Nôi, cái tên của cô đã là một sự lạ rồi, Nguyễn thị Manh Manh. Sao lại đặt cái tên dị thường như thế? Phải chăng cô muốn lấy tên một giống chim ở Nam kỳ, con chim manh manh, bé nhỏ, có giọng hót líu lo khả ái? Tại sao cô không thích để tên thật của cô là Nguyễn thị Kiêm mà đáng lẽ phải viết là Nguyễn thị Kim? Người cô thấp và mập, mặt tròn vo, đôi mắt cũng tròn và to, tròng con ngươi đen nhánh, đầu để búi tóc như hầu hết các thiếu nữ Saigon 1935. Cô Manh Manh xuất hiện trên nền trời Thơ Mới Việt Nam như một ngôi sao chổi, chỉ thoáng qua rồi biến mất. Cô không để lại một bài thơ nào có giá trị, dù là thơ cũ hay thơ mới.” (Nguyễn Vỹ, Tuấn Chàng trai nước Việt-Chứng tích thời đại từ 1900 đến 1970, Quyển II, trang 230-231)

Gần đây hơn, Tiến sĩ Phan Văn Hoàng (Việt Nam) cung cấp những tin tức hết sức cần thiết để chân dung Nguyễn Thị Kiêm được trọn vẹn hơn:

“Nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan gọi điện từ Sa Đéc: ‘Xin báo cho anh một tin đã cũ nhưng vẫn còn mới. vì đã xảy ra cách nay 6 năm rồi, nhưng mới vì một người bạn bên Pháp vừa tin cho tôi biết chiều nay. Đó là nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh đã qua đời ngày 26/1/2005 tại một nhà dưỡng lão ở Paris’[…] Chị tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, quê ở Gò Công nhưng sinh tại Sài Gòn ngày 3/1/1914. Chị học trường Áo Tím ở Sài Gòn (nay là trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai). Sau khi thi đậu bằng Thành chung (1932), chị bước vào làng báo, cộng tác với các tờ Phụ Nữ Tân Văn (1933-1934), Nữ Lưu, Công Luận, Việt Nam (1936), Tuần Lễ Nay (1940)… Tối 26/7/1933, tại trụ sở Hội Khuyến học Sài Gòn, Manh Manh diễn thuyết về thơ mới. Bác sĩ Trần Văn Đôn, Hội trưởng Hội Khuyến học Sài Gòn, phát biểu: ‘Lịch sử Hội Khuyến học 25 năm trời, lần này mới có nữ sĩ đăng đàn diễn thuyết’. Hai nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân nhận xét: ‘Cũng lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe như thế’…Nữ sĩ xứng đáng với danh hiệu ‘nữ tiên phong thơ mới ở Nam Kỳ’ (và trên cả nước) mà báo Mai phong tặng. Buổi diễn thuyết có tiếng vang lớn. Bà Nguyễn Đức Nhuận, người sáng lập Phụ Nữ Tân Văn, kể lại: ‘Trong hơn một giờ, Nguyễn nữ sĩ chỉ ứng khẩu, nói như nói chuyện thường… Một người thiếu nữ đứng trước gần ba trăm thính giả nam nữ mà giảng về thơ…’. Nhà nghiên cứu Thẩm Thệ Hà khen Manh Manh ‘diễn thuyết lưu loát, hùng hồn, đôi khi châm biếm duyên dáng, tế nhị, có khả năng lôi cuốn, thuyết phục người nghe’… Không chỉ bảo vệ thơ mới, Manh Manh còn là một chiến sĩ đòi giải phóng phụ nữ, bình quyền với nam giới. Chị đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam khinh nữ, tảo hôn, đa thê…, bênh vực những quyền lợi chính đáng của nữ giới. Trong năm 1934, chị đã đi tới 4 thành phố (Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng) để diễn thuyết các đề tài: Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến; Một ngày của một người đàn bà tiên tiến; Có nên tự do kết hôn chăng?; Nên bỏ chế độ đa thê không? …Đầu năm 1950, chị sang Pháp định cư. Bặt vô âm tín. Nhưng ở trong nước, tên tuổi và sự nghiệp của chị không bị lãng quên. Tháng 1/1999, hai nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan và Thanh Việt Thanh cho xuất bản cuốn Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh. … Lúc đó, chị đã 85 tuổi, đang sống trong nhà dưỡng lão ở Paris. Hơn 6 năm sau, chị trút hơi thở cuối cùng sau hơn nửa thế kỷ sống xa quê hương.” (Tiến sĩ Phan Văn Hoàng, “Nhớ một nữ sĩ có tài và có gan”, ngày 22.3.2011).

Đó là các người khác viết về Nguyễn Thị Kiêm (tự Manh Manh). Còn đoạn văn dưới đây (trích ra từ một bài diễn thuyết) tiêu biểu cho tính khí và tinh thần của bà, một tinh thần đi rất xa trước những nam đồng nghiệp cùng thời như Thế Lữ và Tú Mỡ:

“Đàn bà muốn nam hóa thì cứ việc nam hóa, mà đâu có nam hóa được hết, và đâu có thể bỏ hẳn được cái bổn sắc của mình. Nhà nữ khoa học sẽ làm cho khoa học nên thơ. Nhà nữ văn học sẽ làm cho tư tưởng thêm ngộ. Nhà nữ tác giả sẽ làm cho nghĩa lý thêm duyên. Mà rồi mỗi thể trong văn học (genre littéraire) sẽ đều có cái vẻ dịu dàng êm ái, cái vị phong phú, thanh tao của đàn bà có điểm chuyết vào cho… Vả, bây giờ ta mới thấy ở văn học nữ lưu có phong trào nam hóa, mà từ trước đến nay, ở bên nam giới đã có bao nhiêu sự nữ hóa về văn chương? …Ở Hà-tiên có nhà văn sĩ Đông Hồ viết văn đã nhiều mà chỉ có bài văn khóc vợ là hay hơn hết cả. Ở Hà-nội có nhà thi sĩ Tản-Đà, thường phải giả thiết ra một người tình nhân không quen biết để lấy tứ làm thi. Nay có cái phong trào nam hóa, không biết sự nữ hóa còn được ở trong văn học không? Hai việc đó xét ra không có gì là mâu thuẫn cả. Đàn bà muốn học cái cứng cỏi của đàn ông cũng chưa bớt cái uyển chuyển của đàn bà. Đàn bà muốn có cái khách quan của đàn ông, thì đàn ông cũng vẫn mượn được cái chủ quan của đàn bà chớ sao? … Thấy các bà chủ thơ quán hô hào việc dân, việc nước, các bà chủ tân văn cổ động bình đẳng, bình quyền, các cô nữ tác giả, nữ trợ bút, kẻ kê cứu học thuật, người nghị luận văn chương, kẻ giữ việc khôi hài trên báo chí, người chuyên bàn đạo lý giữa văn đàn ... nhứt nhứt đều nhiệt thành nam hóa, công nhiên phản đối hẳn cái địa vị trước kia đàn bà ở văn học, mà tư tưởng, học thức, giáo dục, hành động đều muốn như bạn nam nhi để mưu lấy quyền lợi bình đẳng ở xã hội… Đối với những cái thiên tài xuất chúng, nữ lưu học hội có thể không là cần thiết; đối với những kẻ dung tục chí ngu, nữ lưu học hội có thể cho là đồ thừa...Nhưng đối với những người như chúng tôi đây, ngu mà muốn học cho khôn, dốt mà muốn học cho giỏi, không biết mỹ thuật mà biết yêu mến mỹ thuật, không biết văn chương mà biết cảm mến văn chương, thì nữ lưu học hội thiệt là cần ích cho chúng tôi lắm… Kinh Phật có câu ‘Tự giác nhi giác tha’ nghĩa là tự sáng mình để sáng người. Người đàn bà cũng có cái tinh thần cần phải tự giác để chiếu sáng ra ở chung quanh mình, cho gia đình được êm đềm phong phú, cho xã hội được rực rỡ quang minh.” (Nguyễn Thị Kiêm, “Cô Nguyễn Thị Kiêm nói về vấn đề Nữ-lưu và Văn-học”, Phụ nữ Tân văn, số 131, ngày 26.5.1932)

So sánh những dữ kiện trên đây, người ta có thể kết luận một cách chính xác ít nhất hai điều. Thứ nhất, Tự Lực Văn Đoàn (chỉ tuyền đàn ông) không tin rằng những nữ đồng nghiệp của họ lại có khả năng hơn họ trong sự cải cách những vấn đề có liên quan đến phụ nữ từ y phục cho đến xã hội. Thứ hai, tuy đi sau phụ nữ hay báo chí Miền Nam cả về thời điểm sáng lập lẫn tinh thần cấp tiên khi so sánh với như Phan Thị Bạch Vân (Tinh thần Phụ nữ-1928), Phụ nữ Tân văn (1929), hay Nguyễn Thị Kiêm v.v., thì dù sao chăng nữa, Tự Lực Văn đoàn (Phong Hóa Tuần báo, 1932) cũng đã góp công cho nỗ lực ấy trên đất Bắc hầu đẩy mạnh những phong trào nhắm thay đổi số phận hay cải tiến đời sống phụ nữ.

Là một (nữ) đồng nghiệp hậu sinh, người viết tin rằng có thể trả lời câu hỏi của nhà văn Nhất Linh cách đây mấy mười năm khi ông viết trên Phong Hóa số 116: “Vậy nam nữ có thể bình quyền được không? Mà thế nào là nam nữ bình quyền?”

Theo người viết, nam nữ bình quyền chỉ có nghĩa giản dị là cả hai phái được sử dụng mọi quyền mà một con người được hưởng và được sử dụng. Những hạn chế nếu có thì chỉ về thể chất mà không về tinh thần. Bởi thế khi người ta nói “phái khỏe” và “phái đẹp” thì không có ý là phái “khỏe hơn” hay phái “đẹp hơn” mà chỉ có nghĩa, đúng như Nguyễn Thị Kiêm nói, là hai phái đều phải đem cái sở trường của mình tới đóng góp vào công việc chung. Dĩ nhiên, thời nào thì cũng có những người tưởng nhầm rằng chỉ có (phái) họ mới được độc quyền làm một việc nào đó. Nhưng kinh nghiệm cho thấy thường những người đòi độc quyền, từ độc quyền chính trị cho tới độc quyền văn chương, đều chứng tỏ họ cũng độc quyền về sự thiếu hiểu biết nữa. Cho nên, cái phái vẫn bị kêu là “phái yếu” trong trường hợp đó, từ phụ nữ cho tới người dân, thường chứng minh ngược lại là cái mạnh của “phái khỏe” này thường không tồn tại lâu. Bằng chứng là công lao của Phan Thị Bạch Vân và Nguyễn Thị Kiêm nay đã được phục hồi lần lần trong lịch sử đấu tranh cho nhân quyền và nữ quyền tại Việt Nam.

Chú thích:

Tài liệu về Phong Hóa Tuần báo trong bài là do anh Lê Tuấn Anh (Diễn đàn Sách Xưa) tặng. Một lần nữa, người viết xin được cảm ơn anh Lê Tuấn Anh vì không có những tài liệu này, người viết sẽ không thể viết về áo Lemur cùng vấn đề nữ quyền qua Tự lực Văn đoàn cũng như sẽ không có việc tái tạo áo Lemur tại Hoa Kỳ.

Để phổ biến những tài liệu hữu ích cho giới nghiên cứu, nhất là giới nghiên cứu ngoài Việt Nam, chúng tôi xin được phép trích dẫn tài liệu của quý giáo sư và quý vị thân hữu-- hay không thân hữu-- gần xa. Chúng tôi thành thực cảm ơn quý vị và xin thứ cho sự đường đột này.

Sau nữa, xin các vị thức giả chỉ giáo cho nếu có thiếu sót hay sai lầm và liên lạc với chúng tôi tại đây hay tại Tạp chí Khởi Hành (Chủ nhiệm kiêm Chủ bút: nhà thơ Viên Linh & Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc)

Tạp chí Khởi Hành
PO Box 670

Midway City CA 92655
USA