Mới đây, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng ban Tổ chức Trung ương, công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM và giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM. Không chỉ cá nhân tôi mà không ít người dân, giới quan sát và dư luận Việt Nam xem đây là một điểm sáng cho vùng đất vốn được xem là trung tâm kinh tế - tài chính của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Dám nói, dám làm, dám trảm tướng
Sở dĩ ông Thăng được ủng hộ là vì ông là lãnh đạo hiếm hoi dám nói, dám làm, dám cách chức thuộc cấp một cách mạnh bạo trong suốt những năm ông giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Nhiều người từng ví von ông Thăng và ông Thanh (tức Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) là những lãnh đạo có “bàn tay thép”, khiến không ít thuộc cấp có thói quen nhũng nhiễu, làm việc tắc trách phải khiếp sợ.
Nhìn lại suốt thời gian làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, có thể thấy rằng ông Thăng đã có nhiều phát ngôn thẳng thắn, gây ấn tượng mạnh. Ông còn chỉ đạo quyết liệt trong việc “trảm tướng”, tức là cách chức những quan chức cấp cao, vì những sai phạm, ì ạch trong thi công dự án. Mấy năm trước khi nhận nhiệm vụ, ông Thăng được dư luận chú ý khi ông tuyên bố “Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”.
Nói là làm, ông Thăng đề ra không ít sáng kiến cải thiện ngành giao thông, vốn còn rất nhiều hạn chế và khuất tất. Từ việc đề xuất tịch thu và tiêu hủy xe tham gia đưa hối lộ trái phép, đến việc yêu cầu các lãnh đạo trong ngành không chơi gôn, không tổ chức hoặc tham gia các giải gôn, hay yêu cầu cán bộ công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị sử dụng xe buýt đô thị tối thiểu một ngày trong một tuần để vừa tiết kiệm, vừa làm gương giải quyết nạn quá tải xe máy trên các tuyến đường phố Hà Nội hay Sài Gòn.
Mới đây, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra giao thông vận tải nói về tình trạng biển báo hạn chế tốc độ 30-40km còn nhiều trên đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Nếu biển báo còn thì người phải đi”. Sau phát ngôn này, ông Thăng còn yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam chỉ đạo cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vì liên quan đến việc đề xuất mua 160 toa xe cũ (từ 12 đến 20 năm) của Trung Quốc. Ông Hiệp không phải là “tướng” duy nhất bị “trảm”. Trước đó, ông Thăng còn cách chức người quản lý công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng (2011), Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng (2014), và giám đốc điều hành và Ban Quản lý dự án 2 (2015).
Nhiều bộn về, lắm lo toan
Nói như vậy không phải để ông Thăng hay bất cứ ai ủng hộ ông Thăng tự hào, mà là để kỳ vọng về một Sài Gòn còn quá nhiều bộn bề, quá đỗi lo toan. Vẫn còn đó một Sài Gòn ô nhiễm khói bụi, kẹt xe vào những giờ cao điểm khiến ai nấy cũng sợ hãi. Còn đó những ngày mưa lụt lội, nước cao ngập xe, dân chúng lam lũ, nhọc nhằn khi dự án chống ngập thì nhiều mà người đi đường vẫn cứ chịu đựng không làm gì hơn được.
Người dân đang kỳ vọng vào những đột phá về quản lý đô thị, chứ không phải là “quản không được thì cấm”. Hàng loạt vấn đề như chợ tự phát, lấn chiếm đường phố, nạn ăn xin, nạn cướp giật, và hàng loạt tệ nạn khác vẫn đang chờ một bàn tay thép – vừa cứng rắn, vừa dẻo dai, để có thể khắc phục, giúp dân an cư lạc nghiệp.
Đau đầu nhất vẫn là vấn đề quy hoạch đô thị, phát triển những ngành công nghiệp dịch vụ thế mạnh của Sài Gòn, để “hòn ngọc viển đông” phát huy được sức mạnh, vai trò đúng với tiềm năng của nó. Khó khăn nhất vẫn là làm thế nào để người dân Sài Gòn không phải lắc đầu vì những kết luận theo kiểu “không phát hiện ra bất kỳ trường hợp tham nhũng nào”.
Mỗi kỳ đại hội đảng là mỗi kỳ người Việt kỳ vọng, về những cải cách, hay về những thay đổi. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng tìm thấy những điều chúng ta mong đợi. Thậm chí chúng ta đã phải thất vọng rất nhiều lần, bất kể chúng ta đã kỳ vọng đến mức nào. Thế nên, khi ông Thăng nhậm chức mới, người Sài Gòn hồ hởi lắm, bởi họ mong ông vẫn dám nói, dám làm, dám “trảm tướng” như thời ông còn làm bộ trưởng. Được như thế thì quý lắm, và mong lắm ông bộ trưởng ơi!
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.