Tổng thư ký NATO Anders Fogh Ramussen họp với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama để thảo luận về các cuộc khủng hoảng cấp bách mà liên minh này đang phải đối phó tại hai khu vực trên thế giới. Cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc diễn ra vào lúc NATO chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh trọng yếu vào tháng 9.
Tổng thống Obama và Tổng thứ ký NATO Anders Fogh Ramussen tươi cười khi gặp nhau tại Phòng Bầu dục trong Tòa Bạch Ốc.
Nhưng cách đó nửa quả địa cầu, tại Afghanistan, những mối quan tâm của họ đang là trọng tâm. Bốn binh sĩ NATO thiệt mạng hôm thứ Ba trong một vụ đánh bom tự sát ở tỉnh Parwan thuộc miền đông.
Trong lúc những cáo buộc về gian lận làm lu mờ kết quả bầu cử tổng thống mà cả hai ứng cử viên đều tuyên bố chiến thắng - khiến cho tương lai của NATO tại đất nước này càng thêm mờ mịt.
Ông Rasmussen cho biết: "Nếu tình hình không rõ ràng trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 9, thì tất nhiên khó có thể thấy hiệp ước an ninh được ký kết trước hội nghị, và trong trường hợp đó, chúng ta sẽ đối diện với những vấn đề nghiêm trọng có liên quan đến việc lập kế hoạch huấn luyện cho sau năm 2014."
Hoa Kỳ có 31,000 binh sĩ tại Afghanistan, cùng với khoảng 17,000 binh sĩ của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế do NATO lãnh đạo.
Nhưng nếu không có một hiệp ước an ninh mới thì các con số vừa nêu có thể giảm xuống gần như không còn gì, mở ngỏ cho tình hình càng thêm bất ổn.
Và rồi còn thêm một áp lực từ phía Nga, nước đang tiếp tục chiếm đóng bán đảo Crimea và hậu thuẫn cho những người đòi ly khai ở miền đông Ukraine.
Cựu đại sứ Steven Pifer của Hoa Kỳ tại Ukraine nhận định như sau: "Xét vì những mối lo ngại vừa nổi lên lại, hoặc những mối lo ngại mới - về chính sách của Nga và cách hành xử của Nga, chúng ta sẽ thấy NATO hướng trọng tâm trở lại vào mục đích ban đầu của liên minh, đó là liên kết phòng thủ chung."
Hoa Kỳ và NATO đã thực hiện các biện pháp để trấn an các thành viên như Ba Lan và các quốc gia vùng biển Baltic, là những nước lo sợ Nga có thể có những hành động tương tự đối với họ.
Nhưng có những bất đồng về việc NATO và các đối tác nên phản ứng tới đâu.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Ðiển Carl Bildt phát biểu: "Tôi không cho rằng chúng ta có thể cô lập hoàn toàn một nước như Nga, và chúng ta cũng không tìm cách làm như vậy, nhưng chúng ta gởi đi những thông điệp rõ ràng là chính sách của họ không thể chấp nhận được và sẽ phải trả bằng một cái giá kinh tế."
Nhưng những người khác lại nói rằng phản ứng của Hoa Kỳ và NATO chưa đủ rõ. Ông Jorge Benitez của Hội đồng Ðại tây dương nói: "Chúng ta rất muốn tránh rủi ro ở đây, và mặc dầu ông Putin đang ở vào vị thế yếu đi nhiều, ông ấy sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả, và trả cho cái giá đó để củng cố vị thế của ông ấy, và đó là tại sao cho đến giờ này ông ấy đang tiếp tục thắng thế."
Một mối quan ngại khác đối với NATO là tình trạng thiếu sự ủng hộ cho chi phí quốc phòng.
Tổng thư ký Ramussen nói rằng nếu tất cả thành viên đáp ứng phần đóng góp tối thiểu của họ, liên minh đã có thể có thêm 90 tỉ đôla nữa.
Đây thực sự là một vấn đề trọng yếu vào lúc mà NATO đang đối diện với những mối đe dọa trên nhiều mặt trận.