Nga sẽ không thử vũ khí hạt nhân miễn là Hoa Kỳ kiềm chế thử nghiệm, người đứng đầu kiểm soát vũ khí của Tổng thống Vladimir Putin ngày 23/9 tuyên bố sau khi có đồn đoán rằng Điện Kremlin có thể từ bỏ lệnh tạm dừng thử hạt nhân hậu Xô Viết.
Trong lúc Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu cân nhắc việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào Nga bằng phi đạn của phương Tây, ngày càng có nhiều lời bàn tán rằng Nga có thể tái tục thử hạt nhân.
Tuần trước, tờ báo nhà nước Nga Rossiyskaya Gazeta đã đăng một cuộc phỏng vấn với ông Andrei Sinitsyn, người đứng đầu cơ sở thử hạt nhân của Nga tại Novaya Zemlya, cho biết cơ sở này đã sẵn sàng để tiếp tục thử nghiệm trên quy mô lớn.
Ông Putin, người ra quyết định cuối cùng cho cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, đã liên kết bất kỳ sự nối lại thử nghiệm hạt nhân nào của Nga với những động thái tương tự như vậy của Hoa Kỳ và tuyên bố ông không cần sử dụng những vũ khí như vậy để giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine.
“Không có gì thay đổi”, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov, người phụ trách chính sách kiểm soát vũ khí của Nga, nói với các hãng thông tấn Nga về suy đoán rằng một cuộc thử nghiệm hạt nhân có thể là câu trả lời của Nga cho các cuộc tấn công bằng phi đạn sâu vào Nga.
“Như định nghĩa và quy định của Tổng thống Liên bang Nga, chúng tôi có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm như vậy, nhưng chúng tôi sẽ không tiến hành nếu Hoa Kỳ kiềm chế các bước như vậy”.
Ông Ryabkov nói các công tác chuẩn bị tại địa điểm thử hạt nhân Novaya Zemlya của Nga để “hoàn toàn sẵn sàng” đã được thực hiện hầu đáp trả các hành động của Hoa Kỳ mà ông cho rằng đã cải thiện cơ sở hạ tầng thử nghiệm của riêng họ.
Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đã xây dựng các cơ sở mới và đào các đường hầm mới tại các địa điểm thử hạt nhân trong những năm gần đây, CNN đưa tin vào năm 2023.
Nước Nga hậu Xô Viết chưa tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân nào. Liên Xô thử nghiệm lần cuối vào năm 1990, và Hoa Kỳ vào năm 1992. Không có quốc gia nào ngoại trừ Triều Tiên tiến hành thử nghiệm liên quan đến nổ hạt nhân trong thế kỷ này.
Ông Ryabkov cho biết Moscow đã lo ngại trước các báo cáo rằng Hoa Kỳ không có kế hoạch ngay lập tức rút hệ thống phi đạn tầm trung được triển khai tại Philippines. Ông nói Nga đang cân nhắc phản ứng của mình - bao gồm cả trong lĩnh vực quân sự.
Thử nghiệm hạt nhân?
Cuộc chiến tranh Ukraine kéo dài 2 năm rưỡi đã gây ra cuộc đối đầu tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 - được coi là thời điểm hai siêu cường Chiến tranh Lạnh tiến gần nhất đến chiến tranh hạt nhân có chủ đích.
Sau cuộc khủng hoảng Cuba, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã xem xét ý tưởng cấm thử hạt nhân.
Năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức hủy bỏ việc Nga phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), đưa Nga ngang hàng với Hoa Kỳ.
Việc tiếp tục thử nghiệm sẽ mở ra một kỷ nguyên hạt nhân mới và bấp bênh khi Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang chạy đua để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của họ.
Washington coi Nga và Trung Quốc là mối đe dọa. Bắc Kinh và Moscow, hai nước đã tăng cường quan hệ đối tác trong cuộc chiến tranh Ukraine, coi Hoa Kỳ là một siêu cường đang suy yếu đã gieo rắc hỗn loạn trên toàn thế giới.
Liên Xô đã gây sốc cho phương Tây khi thử quả bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1949 tại Kazakhstan. Hoa Kỳ đã mở ra kỷ nguyên hạt nhân vào tháng 7 năm 1945 bằng cách thử một quả bom hạt nhân 20 kiloton tại Alamogordo, New Mexico, sau đó thả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản một tháng sau đó để kết thúc Thế chiến Thứ hai.
Đối với nhiều nhà khoa học và nhà vận động, mức độ thử nghiệm bom hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh cho thấy sự điên rồ của chính sách hạt nhân, cuối cùng có thể hủy diệt loài người và làm ô nhiễm hành tinh trong hàng trăm nghìn năm.